1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hoang tàn miền Tây xứ Nghệ sau cơn bão số 2

(Dân trí) - Hiếm có năm nào người dân xứ Nghệ phải hứng chịu thiệt hại lớn do anh hưởng của bão như năm nay. Cơn bão số 2 đã nhấn chìm miền tây Nghệ An trong hoang tàn đổ nát. Thiệt hại về tài sản ước tính là hơn 1.000 tỷ đồng.

Những ngày này ngược miền Tây xứ Nghệ lên các huyện miền núi như: Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Kỳ Sơn, Tương Dương mới biết nơi đây đã phải hứng chịu trận lũ quét kinh hoàng.
 
Hoang tàn miền Tây xứ Nghệ sau cơn bão số 2  - 1
Nhà dân tại huyện Quế Phong bị bùn lấp dày hơn 3m.

Tương Dương với nhiều xã bị lũ quét nặng như Yên Tĩnh, Yên Hòa, Yên Na với hàng trăm ngôi nhà bị ngập sâu tới 4m, nhiều trường học, trụ sở ủy ban... hư hỏng nặng, bùn đất lấp dày từ 1-2m. Tài sản của các hộ dân theo đó cũng bị lũ cuốn trôi. Huyện Kỳ Sơn cách Tương Dương hơn 40km đường rừng. Con đường độc đạo duy nhất là quốc lộ 7 sau mấy tiếng đồng hồ nước từ thượng nguồn đổ về đã bị "ngoạm" gần đứt, giao thông bị ách tắc trong nhiều ngày. 

Một người dân nơi đây cho biết, kể cả đỉnh lũ năm 2005 được xem là lớn cũng không gây ngập thị trấn Mường Xén như trận lũ xảy ra hôm 25/6. Chỉ sau ít giờ đồng hồ, toàn bộ thị trấn Mường Xén đã ngập sâu trong biển nước từ 2-4m; nhấn chìm gần 800 ngôi nhà của huyện Kỳ Sơn. Dọc theo tuyến Quốc lộ 7 từ xã Lưu Kiền cho đến thị trấn Mường Xén, có hàng trăm gia đình ở dọc 2 bên bờ sông đang sống trong cảnh màn trời, chiếu đất.
 
Hoang tàn miền Tây xứ Nghệ sau cơn bão số 2  - 2
Lực lượng thanh niên tình nguyện, công an, quân sự trên địa bàn ra quân giúp dân gặt lúa.

Tại 3 huyện miền núi cao Quỳ Châu, Quế Phong và Quỳ Hợp thuộc tuyến quốc lộ 48 cũng chịu cảnh càn quét của lũ dữ, bị ngập hàng trăm ngôi nhà, hàng ngàn ha rau màu, lúa...

Trong khi đó, các huyện vùng hạ du sông Lam như Con Cuông, Anh Sơn, Nam Đàn, lũ từ đầu nguồn đổ về nhanh, nước sông dâng cao bất ngờ cũng gây thiệt hại nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp. Theo số liệu của các cơ quan chức năng, hiện tại mực nước vẫn tiếp tục tăng, đến 14h chiều qua ngày 27/6, mực nước sông Lam ở mức 6m56, dưới báo động 2 là 0,34 m; dự báo mực nước sẽ tiếp tục dâng lên ở mức 6,7m.

Chỉ sau một đêm lũ dâng cao đã làm cho hàng ngàn ha ngô, lạc chuẩn bị thu hoạch bị ngập chìm trong biển nước. Lũ dâng cao cũng đã làm cho một số trục đường liên xã từ Nam Tân đi Nam Thượng bị ngập sâu, gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân. Riêng bến đò Nam Thượng cũng bị ngập sâu, chia cắt hẳn 2 vùng Đại Đồng và Hồng Sơn, các giao dịch khác đều bị ngừng trệ. Tổng ước tính thiệt hại trên địa bàn toàn huyện hơn 10 tỷ đồng.
 
Hoang tàn miền Tây xứ Nghệ sau cơn bão số 2  - 3
Bí thư tỉnh Ủy Nghệ An Phan Đình Trạc thăm và trao quà cho các hộ dân có nhà bị lũ cuốn trôi, sập tại huyện Kỳ Sơn.

Riêng huyện Anh Sơn, thiệt hại ban đầu do ảnh hưởng cơn bão số 2 gây ra trên địa bàn đến hôm nay (28/6) là gần 90 tỷ đồng. Trong đó thiệt hại lớn nhất là có trên 2.000ha ngô sắp thu hoạch bị ngập nước, bùn thối vùi lấp, thiệt hại gần 60 tỷ đồng. Ngoài ra, 25ha diện tích mạ hè thu sắp gieo cấy cho 1.200ha lúa hè thu bị ngập úng, hư hỏng; 60ha lúa mùa chưa thu hoạch bị sạt đổ, ngập nước. Nhiều công trình máy bơm điện, 3km đường dân sinh trên địa bàn bị sạt lở hư hỏng, trên 100 nhà dân bị ngập nước ảnh hướng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Sáng ngày 28/6, ông Phan Đình Trạc - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, ông Nguyễn Xuân Đường - Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Nghệ An cùng đoàn cán bộ các Sở, ban, ngành cấp tỉnh đã đi khảo sát, kiểm tra tình khắc phục bão số 2 tại huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương...

Tại Kỳ Sơn, đồng chí Bí thư tỉnh ủy đã đi thực tế kiểm tra các đoạn đường sạt lở nghiêm trọng trên tuyến Quốc lộ 7 tại khu vực xã Chiêu Lưu, thị trấn Mường Xén, xã Tà Cạ, kiểm tra các trường học bị lũ lụt cuốn trôi, đổ sập, động viên cán bộ và nhân dân tập trung khắc phục hậu quả bão số 2 gây nên; đồng thời trao cho cán bộ giáo viên trường tiểu học thị trấn Kỳ Sơn 100 triệu đồng để khắc phục thiệt hại.

Mưa lớn kéo dài cộng thêm nước ở thượng nguồn đổ về nhiều đã gây ra cơn lũ lớn lịch sử chưa bao giờ thấy ở Mường Xén - huyện Kỳ Sơn. Làm việc với huyện ủy, UBND huyện Kỳ Sơn, ông Bùi Trầm - Chủ tịch UBND huyện - cho biết hậu quả của bão số 2 đối với Kỳ Sơn là vô cùng nặng nề.  Bí thư Tỉnh ủy Phan Đình Trạc biểu dương cán bộ, nhân dân và các lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng đã nỗ lực cố gắng khắc phục thiệt hại do bão số 2 gây ra trên địa bàn huyện. Để giúp Kỳ Sơn nhanh chóng ổn định sau bão số 2, ông đề nghị các Sở, Ban ngành tính toán mức độ thiệt hại để có mức hỗ trợ hợp lý. Trước mắt, cần tập trung ủng hộ cho các hộ dân có nhà bị sập, cuốn trôi sớm có nhà tạm để sinh hoạt; làm tốt khâu vệ sinh môi trường không để xảy ra dịch bệnh sau bão lụt.

Trong khi đó, tại huyện Tương Dương xảy ra lũ quét, sạt lở đất, gây thiệt hại nặng về tính mạng, tài sản, hoa màu của nhân dân và nhà nước. Để kịp thời cứu đói cho nhân dân vùng lũ huyện Tương Dương, ngày 27/6/2011, Chủ tịch UBND tỉnh đã đồng ý cấp khẩn cấp cho UBND huyện Tương Dương 50 tấn gạo. Trước mắt giao UBND huyện Tương Dương trích kinh phí dự phòng của huyện và huy động các nguồn lực, tổ chức mua và cấp phát khẩn cấp để cứu đói kịp thời. Sở Tài chính, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí cho UBND huyện Tương Dương để thanh toán bù tiền mua số gạo trên.

  
 
 Nguyễn Duy - Như Khôi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm