Thừa Thiên - Huế:

Hoàn tất khảo sát đề án công nhận dân tộc Pa Kôh

(Dân trí) - Ban Dân tộc tỉnh TT-Huế vừa hoàn thành khảo sát đề án “Bổ sung dân tộc Pa Kôh vào danh mục các dân tộc VN”, trong đó xác định nguồn gốc, sự ra đời và phát triển đồng thời phân biệt dân tộc Pa Kôh với một số dân tốc khác sống lân cận.

Tin từ Ban dân tộc TT-Huế ngày 25/5 cho biết: Ban đề án đã tổ chức điều tra, khảo sát 8/12 xã có đồng bào dân tộc Pa Kôh (gồm các xã: Hồng Thượng, Đông Sơn, Hồng Trung, Hồng Vân, Hồng Thủy, Hồng Quảng, Hồng Kim, Hồng Bắc) và 4/5 xã có đồng bào dân tộc Ta Ôih (gồm: Hồng Thái, A Ngo, A Đớt, Nhâm) thuộc huyện A Lưới nhằm xác định nguồn gốc, sự ra đời và phát triển của dân tộc Pa Kôh.

Đồng thời, cuộc khảo sát này cũng làm rõ sự khác biệt giữa dân tộc Pa Kôh với dân tộc Ta Ôih để đề xuất Đảng, Nhà nước công nhận dân tộc Pa Kôh vào danh mục các dân tộc Việt Nam. Đề án đã làm rõ sự khác biệt về lịch sử, nguồn gốc cư trú của tộc người Pa Kôh so với dân tộc Ta Ôih; làm rõ ý thức tự giác dân tộc người Pa Kôh; làm rõ sự khác biệt về ngôn ngữ tộc người Pa Kôh so với dân tộc Tà Ôih; làm rõ sự khác biệt về văn hóa tộc người Pa Kôh so với dân tộc Ta Ôih.
 
Hoàn tất khảo sát đề án công nhận dân tộc Pa Kôh  - 1

Cộng đồng các dân tộc sống xen kẽ có nhiều nét văn hóa tương đồng (Ảnh: H.T).

Theo kết quả khảo sát, Pa Kôh là dân tộc thiểu số, định cư chủ yếu ở huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) và huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Họ sống xen kẽ với người Cơ Tu, Tà Ôih, Vân Kiều và có nhiều đặc điểm tương đồng với các dân tộc nhóm Môn - Khmer về trang phục, nhà ở, cách thức canh tác.

Với 18.000 người, đồng bào Pa Kôh hiện chiếm số dân lớn nhất trong cộng đồng dân tộc thiểu số tại Thừa Thiên - Huế. Tiếng Pa Kôh là một ngôn ngữ độc lập, đại diện cho một tiểu nhóm thuộc nhóm Katuic. Tuy số lượng người tương đối lớn, trải trên địa bàn khá rộng nhưng trong tiếng Pa Kôh hầu như không có sự phân chia thành các phương ngữ, thổ ngữ.

Về mặt tổ chức xã hội, người Pa Kôh không phân chia ranh giới giữa làng này với làng khác trong khi làng của người Tà Ôih lại phân chia ranh giới rất rõ ràng bởi hàng rào bằng tre vững chắc. Người Pa kôh xem con voi là vật quý nhất, thể hiện sự giàu sang trong khi với người Tà Ôih, cái quý nhất thể hiện sự giàu có lại là những vòng ngọc có màu trắng ngà.
 
Hoàn tất khảo sát đề án công nhận dân tộc Pa Kôh  - 2

Người phụ nữ Pa Kôh trong bộ trang phục truyền thống (Ảnh: H.T).

Về dòng họ, nếu người Pa Kôh phần đông lấy tên họ mình là Tầng Koal (con chó) thì người Tà Ôih lấy tên họ mình là A Kê, Pê Kê (con chim). Đàn ông trong gia đình người Tà Ôih đảm đang, nấu ăn rất giỏi, còn với người Pa Kôh thì công việc nấu nướng chỉ dành riêng cho phụ nữ. Tuy cùng có tập quán ở nhà dài nhưng nhà của người Pa Kôh mái xuôi và có vách ngăn riêng biệt cho từng gia đình trong đại gia đình, còn nhà của người Tà Ôih lại có mái thẳng đứng và không chia vách ngăn. 

Trước đó, ngày 22/5, Ban Dân tộc phối hợp với Thường vụ Huyện ủy A Lưới đã tổ chức cuộc hội thảo đề án này. Hội thảo đã trao đổi, thảo luận, tranh thủ ý kiến của đại biểu tham dự nhằm bổ sung các thông tin, các cứ liệu, luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn để hoàn thiện bố cục và nội dung của đề án đạt chất lượng cao.

Hoàng Thùy