Hoa tết - người cười được mùa, kẻ khóc trắng tay
(Dân trí) - Đến các phường Cẩm Thanh, Cẩm Châu (Hội An, Quảng Nam), nơi có nhiều nhà vườn trồng hoa cây kiểng ở ngoại ô thành phố, nhìn những mảnh vườn hoa lá mướt xanh, biết rằng dù mưa lạnh, người trồng hoa ở đây vẫn có thể nở nụ cười được mùa.
Anh Nguyễn Đạt, một chủ vườn hoa ở Cẩm Châu (Hội An) nở nụ cười hiếu khách, chia sẻ: “Đến những ngày này, có thể nói là đủ nguồn cung cho những mối quen dịp sắp Tết.
Dân Hội An và các vùng lân cận, mấy năm gần đây ngoài thú chơi cây kiểng truyền thống như mai, quất, thường cũng “mở hầu bao” mua thêm dăm chậu hoa trang trí trong nhà, ngoài ngõ”
Các vườn hoa ở các phường Cẩm Châu, Cẩm Thanh (Hội An) chuyên trồng những hoa kiểng như mãn đình hồng, cúc đại đóa, lan hồ điệp, cẩm chướng, dạ yến thảo…
Hoa của các nhà vườn ở các phường ngoại ô này “có tiếng” nhất là các loài phong lan. Anh Nguyễn Nguyễn Đạt cho biết: “Thời tiết năm ni bất lợi với hoa phong lan vì mưa lạnh kéo dài đến tận giáp Tết. Nhưng cũng nhờ kinh nghiệm tích lũy và chia sẻ với bạn nghề, tìm hiểu trên mạng,…, chúng tôi đón đầu bất lợi và áp dụng các biện pháp khắc phục thành công”. Những giàn hoa lan hồ điệp đủ sắc tím, vàng đơm nụ, ra hoa rộn ràng hương sắc nhà vườn những ngày giáp Tết khẳng định tay nghề của các nhà nông thâm niên trồng hoa kiểng ở đây”
Đặc biệt, năm nay, anh Đạt cho biết: “Nhà vườn tôi và các nhà vườn khác trồng giống hoa chuông mới (còn có tên là hoa tử la lan) năm nay rất phấn khởi vì đã “chiều” thành công giống hoa “đỏng đảnh”, khó trồng ở xứ miền Trung này”.
Góp lời, anh Nguyễn Trần Phương, cũng là nhà nông chuyên trồng hoa kiểng khác ở đây cho biết: “Mấy năm trước đã “bỏ của” hàng ngàn chậu hoa chuông mới này vì trồng nhiều mà hoa chẳng nở được bao nhiêu. Đây là giống hoa khó trồng vì dễ nhiễm bệnh làm thối cây, không ra hoa. Nhưng bọn tui đâu có chịu thua và năm ni thành công mỹ mãn với mỗi nhà cũng cả mấy trăm chậu hứa hẹn ra hoa đẹp trúng y Tết”
Nhiều loại hoa lạ cũng được các nhà vườn ở đây sưu tầm cho mỗi mùa hoa Tết mỗi ngày mỗi phong phú. Có thể kể đến nhiều loại hoa được trồng thử nghiệm, thành công và hút khách mùa Tết được trồng ở các nhà vườn như hoa phong lữ, phăng-sê, thu hải đường, cẩm chướng Nhật…
Trăm thứ hoa đang hứa hẹn một mùa xuân rộn ràng góp Tết với người dân xứ Quảng và vùng lân cận. Dưới đây là những hình ảnh đẹp chúng tôi ghi nhận được khi đến các nhà vườn những ngày gần Tết
Làng nghề trồng hoa và cây cảnh Nghi Ân vốn rất có tiếng nhưng ghi nhận chung tại thời điểm này là mất mùa hoa. Bà Nguyễn Thị Thu nói: “Cả nhà tôi trước giờ sống nhờ vào hoa và cây cảnh, năm nay cây cảnh đã không được giá, bây giờ vụ hoa tết lại mất mùa nữa. Chưa biết tết này sắm sửa thế nào”.
Gia đình anh Nguyễn Công Sơn (xóm Kim Phúc) trồng 11.000 gốc cúc vàng cách nay hai tháng, đầu tư một giàn đèn điện với 50 bóng đèn sưởi ấm cho hoa cùng nhiều biện pháp chăm sóc công phu, tỉ mỉ nhưng kết cục là khoảng 80% diện tích vườn hoa của gia đình anh không cho thu nhập, tương đương chừng 40 triệu đồng. Hiện anh đang chăm sóc hai luống hoa ly bán tết, hy vọng gỡ lại được phần vốn.
Theo người dân địa phương, năm nay người trồng hoa Nghệ An gặp nhiều khó khăn do thiên tai. “Nghề trồng hoa bán tết cứ như công việc thời vụ, chỉ được vài tháng cuối năm. Năm nào thời tiết thuận lợi thì chúng tôi có thu nhập, còn không thì tay trắng. Bởi thế nên làm mãi mà chẳng khá lên được”, ông Nguyễn Công Sơn, xóm Kim Phúc, xã Nghi Ân cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Văn Nam, một người trồng hoa có kinh nghiệm trên địa bàn, đợt mưa lụt trái mùa cuối tháng 11/2011 không chỉ “thổi bay” trên khoảng 700 triệu đồng của người dân ở đây, mà sẽ góp phần làm thị trường hoa tại Nghệ An năm nay “nóng” hơn nhiều.
Cùng chung cảnh với xã Nghi Ân, tại xã Nghi Phong, Nghi Lộc người trồng hoa Tết cũng đang méo mặt. Tháng 10/2011, anh Vương Ngọc Tú, xóm 8, Phong Quang (Nghi Phong, Nghi Lộc) khăn gói ra tận Hà Nội để nhập về hơn 10 ngàn cây hoa giống các loại cúc, ly, thược dược hết ngót ngét 20 triệu tiền vốn. Với kinh nghiệm 8 năm trồng hoa tết, anh Tú nhẩm tính đến lúc xuất bán ít nhất cũng thu về 60-70 triệu đồng, lãi ròng không dưới 30 triệu. “Bình thường dịp tết hoa cúc sẽ bán chừng 6.000đ/cành. Còn riêng hoa ly nếu được giá có thể bán từ 80.000-90.000đ/cành. Trừ hết mọi khoản chi phí, người trồng hoa vẫn có lãi cao. Tuy nhiên như năm nay, nhà nào có được lắm cũng chưa chắc đã gỡ gạc được phần vốn”- anh Vương Ngọc Tú cho biết.
Thời điểm này như mọi năm, theo anh Tú thì hoa đã bắt đầu nở rộ, các thương lái nhộn nhịp đến tận vườn để đặt và lấy hàng. Năm nay, dạo khắp các ngả đường ở những làng hoa vùng ven thành phố Vinh, không khí ở đâu cũng rất ảm đạm. Hàng loạt những vườn cúc chết yểu, còi cọc không cao quá gang tay, ở một số khu vườn, cây hoa đã lụi gần hết, chỉ còn trơ lại gốc.
“Trong hơn 3 sào hoa của tôi, hơn 2/3 là chết héo không cho thu nhập, một vài luống không chết lại phát triển chậm, không cho hoa đúng dịp tết. Chỉ một ít khoảnh có thể bán nhưng số này là rất ít. Hôm trước tôi đã cho tháo toàn bộ giàn đèn điện thắp trong vườn rồi. Năm nay coi như trắng tay”, anh Tú phàn nàn.