1. Dòng sự kiện:
  2. Cơn bão Prapiroon
  3. Gỡ khó về thuế, tài chính cho báo chí

Hoạ sĩ vẽ “nhà” cho người chết

(Dân trí) - Chưa bao giờ vẽ tranh song ông vẫn được dân làng gọi là hoạ sĩ. Công việc của ông là trang trí huyệt mộ cho những người đã khuất. Ông là Văn Viết Chẫu, người “hoạ sĩ nông dân” của làng Hoà Bình (Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội).

Ngắm “ngôi nhà” mới của người quá cố

Khắp vùng đồng bằng Bắc bộ, có lẽ không có nơi nào có cách trang trí bậc tam cấp bên miệng huyệt độc đáo như ở làng Hoà Bình. Và khắp làng Hoà Bình không ai có thể “sánh tài” với ông Chẫu trong việc trang trí một “ngôi nhà” cho người quá cố. Ngắm một “ngôi nhà” ông vừa trang trí xong, chúng ta mới thấy được sự khéo léo đầy chất hoạ sĩ của ông.

Công việc của ông chỉ bắt đầu khi trai làng làm xong phần hậu phúc. Bậc tam cấp được gọt cẩn thận, quét dọn sạch sẽ. Ông dùng bẹ chuối non chẻ nhỏ như thanh tre, đóng xuống từng mép của bậc. Bậc cuối cùng là nơi được trang trí cẩn thận nhất. Ông chỉ dùng 4 màu cơ bản: trắng, vàng, xanh, đỏ.

Bốn góc bậc là bốn hình triện dài được vẽ bằng màu trắng. Phía đặt đầu quan tài là chữ Thọ (viết bằng chữ Nho), phía cuối là chữ Phúc (đầu và cuối của mỗi chiếc quan tài đều khắc hai chữ này). Bốn góc sát miệng huyệt vẽ bốn con bướm hoặc bốn con dơi.
 
Hoạ sĩ vẽ “nhà” cho người chết - 1
Họa sĩ nông dân Văn Viết Chẫu

Kỳ công nhất và cũng đẹp mắt nhất là hai con rồng dọc theo hai bên miệng huyệt. Người hoạ sĩ phải mất cả tiếng đồng hồ mới vẽ được một con. Nét vẽ chỗ thanh, chỗ đậm, khi liền mạch, khi đứt quãng. Toàn thân rồng màu đỏ, vảy vàng, uốn lượn, vừa có cái uyển chuyển, thanh thoát, vừa có cái mạnh mẽ, mãnh liệt, đầy sức sống của loài vật vốn rất linh thiêng theo quan niệm của người Việt. Bốn chân với móng vuốt sắc nhọn như cắm chặt vào nền đất.

Khó nhất là khi vẽ đầu rồng. Phải lựa thật khéo, đưa từng nét bút nhỏ, to, lúc điềm đạm, khi phóng khoáng thì con rồng mới có cái thần, cái linh hồn. Hai mắt rồng được vẽ bằng màu xanh đậm. Khi hoà vào nền đất, nó tạo thành một màu xanh đen bóng, sáng quắc đầy sức mạnh.

Mỗi một huyệt được ông trang trí một cách khác nhau, tuỳ thuộc vào yêu cầu của gia chủ. Huyệt của những người chết trẻ thường chỉ trang trí với những hoạ tiết đơn giản. Với các cụ cao tuổi, miệng huyệt được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, cầu kỳ hơn. Không chỉ có rồng, ông còn vẽ hai con phượng hoàng đang tung cánh bay. Rồng và phượng được bố trí hai bên, mỗi bên một rồng, một phượng. Rồng phượng cùng châu đầu vào một vòng tròn âm dương.

Huyệt mộ của người bên lương và người theo đạo cũng được trang trí khác nhau. Với người theo đạo Thiên Chúa thì thay bằng vẽ rồng, phượng, ông trang trí hai bên là hai cây thánh giá, lọ hoa và vài cây nến.

Cũng tuỳ thuộc vào thời tiết mà ông có những cách trang trí khác nhau. Trời nắng ráo thì ông vẽ trực tiếp. Nhưng nếu trời mưa, bùn đất nát nhèo, ông đành cắt, vẽ trên giấy rồi đem dán xuống.

Bột dùng để vẽ phải là loại bột màu mà mấy ông hoạ sỹ chuyên nghiệp vẫn dùng. Bởi trên nền đất, không phải vẽ bằng gì cũng được. Nếu vẽ bằng sơn, nét vẽ ướt át, sơn chảy loang lổ, màu cũng bị đậm, thâm hơn màu thật rất nhiều. Còn nếu dùng ve, bột ve thấm xuống đất, màu trở thành nhợt nhạt. Ông bảo phải dùng bột màu pha với rượu (có rượu thì bột mới tan) thì màu không bị bay. Khi rượu bay hơi, bột màu vẫn keo dính trên mặt đất chứ không bị hút xuống phía dưới. Màu vì thế mà cũng tươi và thật hơn.

"Ngôi nhà mới" được hoàn thành, ai cũng phải trầm trồ thán phục cái tài kẻ vẽ của ông. Riêng ông chỉ gật đầu mà rằng, ông đang cố làm cho người đã khuất ấm lòng hơn một chút khi vĩnh biệt dương gian.

Người hoạ sĩ nông dân

Ấn tượng đầu tiên khi gặp ông chính là cảm giác bình dị, thân thuộc của một người nông dân chất phác, đôn hậu; dáng người nhỏ nhắn. Xuất ngũ đã lâu nhưng ông vẫn giữ được tác phong nhanh nhẹn của một anh bộ đội cụ Hồ.

Ông sinh ra bên dòng sông Đáy hiền hoà. Làng Hoà Bình quê ông được con sông miệt mài bồi đắp bao năm. Bây giờ, khắp cả vùng là bạt ngàn những bãi mía, bãi ngô xanh tươi, những vườn táo, vườn ổi trĩu nặng.

Sinh năm 1951, năm nay ông cũng đã ngót lục tuần. Bàn tay ông đã trang trí cho bao nhiêu ngôi mộ, chính ông cũng không nhớ rõ. Ông chỉ nhớ mang máng, rằng cái lần đầu tiên ông làm công việc này là khi ông khoảng 20, 21 tuổi gì đó. Khi ấy, ông không vẽ trên nền đất như bây giờ mà chỉ vẽ trên giấy, cắt ra rồi đem dán ngoài huyệt mộ. Lâu dần, ông cũng học cách vẽ trực tiếp bên miệng huyệt để khung cảnh và màu sắc sinh động hơn.

Ngày trước, khi ông Chẫu chưa "vào nghề", trong làng cũng có vài người làm công việc này. Nhưng họ chỉ có thể vẽ triện và vài bông hoa đơn giản. Đến tay ông, ông thêm hoa, thêm bướm, thêm dơi… Một lần, nhìn đôi mành treo bên bàn thờ có hình hai con rồng, ông tự hỏi: "Tại sao mình không vẽ rồng nhỉ?". Nghĩ sao làm vậy, lần sau, ông đem chiếc mành ra bên miệng huyệt, cứ nhìn vào đó mà vẽ theo. Ngay lần đầu tiên ông đã thành công không ngờ.

Rồi với bản tính chịu khó tìm tòi, sáng tạo, ông lại muốn vẽ những thứ khác khó hơn, vẽ được rồng rồi ông lại học cách vẽ phượng. Nếu ai được “tận mục sở thị” ngôi mộ ông trang trí cho một cụ già ngoài 90 vừa khuất núi mới thấy hết được sự khéo tay, cái tài hoa và sự sáng tạo của một người hoạ sỹ nông dân. Ông chỉ đạo cho thanh niên đào huyệt vừa khít với quan tài. Bốn góc ông dùng bốn thanh sắt 6 thông xuống đáy huyệt, bên trên dán bốn con bướm bằng giấy màu. Khi quan tài hạ xuống, khí bị nén thông qua các lỗ phì lên trên làm bốn con bướm "tung cánh bay lên". Một cảnh tượng thật ngoạn mục!

Ông cười, bảo rằng trời cho ông khéo tay như thế là để giúp mọi người, chứ ông có được học qua trường lớp nào đâu, chỉ là tự mày mò, bắt chước. Người ta nói ai có hoa tay thường vẽ đẹp. Ông xoè mười đầu ngón tay ra, tuyệt không có một hoa tay nào!

Ông vẫn thường tự hào về trí nhớ của mình. "Tôi đi nhiều nơi, gặp nhiều hình đẹp, cố nhớ rồi về nhà tập vẽ. Nếu không có trí nhớ tốt thì làm sao vẽ theo được". Ông vẽ rồng, vẽ phượng, một lần, có thể hai lần, rồi cứ thế mà làm không cần nhìn mẫu nữa vì bàn tay đã quen nét bút, đôi mắt đã nhớ như in hình mẫu. Tất cả những hình ông nhìn thấy trên đường, ông đều có thể nhớ được và vẽ lại bằng chính đôi tay thô mộc hàng ngày vẫn cầm cái cuốc, cái cày ấy.

Gọi công việc của ông là "nghề" thì không đúng. Bởi, ông làm không công. Ông không lấy tiền của ai bao giờ cả. Trong làng nhà nào có tang đều nhờ ông trang trí giúp. Người nhà đi mua thuốc màu rồi ông vẽ giúp. Gia đình nào nhờ ông cũng tỉ mỉ kẻ vẽ không chút nề hà dù trời nắng hay mưa, oi bức hay giá rét. Ông gọi đó là "nghề của cái tâm". Có người mất mà ông bận việc hay đang đi xa không giúp được, ông thấy mình cũng có lỗi phần nào.

Có người nơi khác đến, thấy ông vẽ đẹp nên đã mời ông về vẽ giúp khi gia đình có chuyện buồn, kèm theo một khoản thù lao kha khá. Ông kiên quyết từ chối nhận tiền. Ông không coi công việc của mình là một cái nghề. Ông không chịu bán những nét vẽ của mình vì cái tâm với người đã khuất không cho phép.

Tiến Nguyên