Hà Tĩnh:

Hỗ trợ gần 400 triệu đồng cho các cơ sở có hải sản phải tiêu hủy

(Dân trí) - UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ký quyết định phê duyệt giá trị gần 12 tấn hải sản nhiễm cadimi tồn kho sau khi xảy ra sự cố Formosa. Đồng thời giao cho Sở Y tế tính toán, hỗ trợ các chủ cơ sở đông lạnh và có biện pháp tiêu hủy đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Theo đó, quyết định số 2588/QDUB-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành phê duyệt giá trị các lô hải sản đã được Sở Y tế Hà Tĩnh xác nhận không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do có hàm lượng cadimi vượt ngưỡng cho phép.

Tổng khối lượng hải sản bị nhiễm cadimi cần phải tiêu hủy là 11.790,3kg. Tổng số tiền được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt để hỗ trợ cho các chủ cơ sở đông lạnh tạm trữ hải sản này là 395.064.000 đồng.

Lượng hải sản nhiễm cadimi được niêm phong tại kho đông lạnh HTX Mạnh Hùng (xã Thạch Kim, Lộc Hà).
Lượng hải sản nhiễm cadimi được niêm phong tại kho đông lạnh HTX Mạnh Hùng (xã Thạch Kim, Lộc Hà).

Kế hoạch tiêu hủy gần 12 tấn hải sản nói trên được một lãnh đạo Chi cục ATVSTP Hà Tĩnh cho biết, đang chờ nhà máy xử lý chất thải nguy hại Phú Hà (Kỳ Tân, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) sắp sửa hoàn thiện để đưa vào xử lý. Vì tại Hà Tĩnh, đây là nhà máy xử lý được chất thải nguy hại đầu tiên được đầu tư xây dựng.

Trước đó vào tháng 5/2016, Chi cục VSATTP đã tiến hành lấy mẫu cá ở 4 kho đông lạnh gồm: Công ty CP XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh (TX. Kỳ Anh); HTX Thiên Phú; HTX Hùng Mạnh (Thạch Kim, Lộc Hà) và Kho đông lạnh Sang Liên - Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) để kiểm tra.

Kết quả phân tích cho thấy, có hơn 10 tấn gồm các loại cá gai xồ, cá gai nhỏ, cá xước tre, cá mím, cá hồng, cá mu tại 4 kho này đều có hàm lượng kim loại nặng cadimi vượt ngưỡng cho phép.

Tiến Hiệp