1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hổ nấu cao được mua từ Myanmar về?

(Dân trí) - Các cơ quan chức năng đang tích cực điều tra làm rõ những vấn đề liên quan tới vụ <a href="http://www11.dantri.com.vn/Sukien/2007/9/195328.vip">nấu cao hổ ngay trong khu dân cư</a>. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy vụ việc có liên quan tới đường dây mua bán động vật quý hiếm xuyên quốc gia và sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương.

Hổ được đưa về từ đâu?

Với tang vật gồm 2 con hổ đang bị xẻ thịt nấu cao, 2 bộ da hổ, 4 chiếc ngà voi loại lớn, 5 chân tay gấu cùng nhiều đầu bò rừng, sừng hươu... bên cạnh đó theo phản ánh của nhiều người dân, lò nấu cao này đã tồn tại từ nhiều năm nay, cho thấy vụ việc có liên quan tới đường dây buôn bán động vật hoang dã, quý hiếm rất lớn.

Theo đánh giá của Thiếu tá Phạm Văn Trí, Phó trưởng phòng Pháp chế thanh tra, Chi cục kiểm lâm thành phố Hà Nội: “Đây là một vụ buôn bán động vật hoang dã lớn nhất từ trước đến nay được phát hiện tại Hà Nội”.

Một nguồn tin của Dân trí cho biết, các đối tượng bị tạm giữ hình sự trong vụ nấu cao hổ bước đầu đã khai nhận: 2 con hổ được vận chuyển từ Myanmar qua Thái Lan, Lào về cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) bằng tủ bảo ôn, sau đó đưa về Hà Nội.

Cũng theo nguồn tin này, trong vài năm trở lại đây tại tỉnh Hà Tĩnh, phong trào buôn bán “hàng con” (động vật hoang dã, quý hiếm) diễn ra khá nóng bỏng. Trong đó, các loại được đưa về nhiều nhất là tê tê, rùa, rắn… và không loại trừ cả hổ, gấu.

Liên quan đến việc buôn bán, vận chuyển “hàng con” tại đây, đã có nhiều đường dây lớn được hình thành với những “chân rết” thu mua tận Lào, Myanmar… đưa về qua Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo.

Chính quyền địa phương biết nhưng làm ngơ?

Trở lại với vụ nấu cao hổ tại khu dân cư, dư luận tỏ ra bất ngờ và bức xúc khi sự việc này xảy ra một thời gian dài nhưng không hề bị chính quyền sở tại để ý.

Một cán bộ thuộc Phòng CSĐT án kinh tế nông nghiệp (C15 - Bộ Công an) cho biết: Đối tượng ngang nhiên nấu cao hổ ngoài sân khu tập thể, vấn đề đặt ra là vai trò quản lý địa bàn của chính quyền nơi đây quá yếu kém.

Để tìm hiểu thêm thông tin, PV Dân trí đã có cuộc tiếp xúc với một số người dân sống xung quanh khu tập thể B5, Khu tập thể Thanh Xuân Bắc, nơi đã xảy ra vụ nấu cao hổ cốt.

Bà Bùi Thị Thanh, phòng 203 nhà B5 cho biết: “Từ lâu, chúng tôi đã phải hứng chịu đựng những ảnh hưởng tồi tệ từ việc nấu cao hổ cốt của nhà chị Thanh. Vào mùa hè, mùi xú uế của xương, thịt động vật rất khó chịu. Thậm chí chính chúng tôi đã trực tiếp trao đổi với tổ dân phố để có ý kiến chấm dứt sự việc này”.

Xác nhận với chúng tôi, ông Vũ, tổ phó dân phố B5 cho biết, chính ông và ông tổ trưởng đã nhiều lần đưa ra chính quyền vấn đề nhà chị Thanh nấu cao, làm ảnh hưởng đến người xung quanh. Ông Vũ khẳng khẳng định, chính quyền địa phương biết việc này.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Văn Tuý, Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Bắc lại cho rằng, UBND chỉ biết láng máng việc cơ quan chức năng bắt lò nấu cao này qua thông tin cá nhân.

Thông tin mới nhất chúng tôi nhận được, chiều 6/9/2007, Công an quận Thanh Xuân đã yêu cầu Công an phường Thanh Xuân Bắc và cảnh sát khu vực, phụ trách tổ dân phố B5 làm báo cáo về công tác quản lý địa bàn, liên quan đến trách nhiệm để xảy ra sự việc nói trên.

Nhóm PV