Hồ Hòa Bình hết hy vọng vào lũ tiểu mãn
Sáng nay, nước hồ Hòa Bình còn 78,06 m, dưới mực nước chết gần 2m. Để giải cứu cho hồ chỉ trông chờ vào lũ sông Đà, nhưng theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, khả năng lũ tiểu mãn là không còn, lũ sớm đầu tháng 6 không đủ ứng cứu.
Ông Nguyễn Viết Thi, Trưởng phòng dự báo thủy văn, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết: Với tình trạng hiện nay thì có thể nói trên sông Đà năm nay không có lũ tiểu mãn. Nếu lũ xảy ra vào 30-31/5 hoặc ngày đầu tháng 6 thì không gọi là tiểu mãn, mà là lũ sớm.
Người dân mong chờ lũ tiểu mãn để cứu hồ. Ông đánh giá thế nào về khả năng xuất hiện của cơn lũ này?
Vào khoảng 20-25/5 có một tiết tiểu mãn, thường gây mưa ở 3 miền. Lũ xuất hiện vào thời kỳ này thường gọi là lũ tiểu mãn. Bây giờ khái niệm lũ tiểu mãn được mở rộng ra từ trung tuần đến hết tháng 5.
Hôm nay đã là 25/5, theo nhận định chung không riêng gì của Việt Nam mà của toàn thế giới, thì từ nay đến cuối tháng chỉ có mưa nhỏ trên lưu vực sông vùng Đông Bắc Bộ và Việt Bắc, cụ thể là sông Lô và Thao với lượng mưa không quá 20 mm.
Riêng lưu vực sông Đà chỉ có mưa nhỏ, lượng mưa dưới 10 mm, chỉ đủ để thấm đất và bốc hơi. Dự báo ngày 30-31/5 xuất hiện hình thế thời tiết có thể gây mưa, nhưng không lớn.
Với cái nhận định như vậy và với hiện trạng hiện nay thì có thể nói trên sông Đà năm nay không có lũ tiểu mãn. Nếu lũ xảy ra vào 30-31/5 hoặc ngày đầu tháng 6 thì không gọi là tiểu mãn, mà là lũ sớm.
Có năm nào không xuất hiện lũ tiểu mãn trên sông Đà?
Lũ tiểu mãn vào tháng 5 trên lưu vực sông Đà với lưu lượng lớn nhất về hồ từ 1.000 m3/s thường có tần xuất 60%, tức là trong 10 năm thì 6 năm có lũ, 4 năm không. 2005 rất có thể rơi vào 4 năm không lũ trong chu kỳ 10 năm (3 năm trước đó đều có). Năm 2004, lũ tiểu mãn xuất hiện ngày 20/5 với lưu lượng về hồ Hòa Bình là 7.300 m3/s, lớn nhất từ trước đến nay.
Trong lịch sử từ năm 1982 trở lại đây có nhiều năm không xuất hiện lũ tiểu mãn, tức lưu lượng nước về hồ chưa đạt 1.000 m3/s. Ví dụ năm 1982, lưu lượng nước về hồ Hòa Bình chỉ 577 m3/s, năm 1987 là 665 m3/s, gần đây nhất là năm 1997 chỉ 840 m3/s.
Như vậy hồ Hòa Bình chỉ còn trông chờ vào lũ sớm đầu tháng 6. Theo quan trắc, bao giờ sông Đà có lũ sớm?
Mùa lũ các sông Bắc Bộ được tính từ 1/6 đến 15/10. Hiện chưa thể dự báo về lũ sớm trên lưu vực sông Đà. Nhưng thông thường, vào những năm ít mưa thì sang tháng 6 hay có mưa, xuất hiện lũ sớm. Về tần xuất, 10 ngày đầu tháng 6, ít xuất hiện lũ, cường độ nhỏ, khoảng 2.000-5.000 m3/s. 10 ngày tiếp theo, lũ xuất hiện dày hơn, cường độ lớn hơn, khoảng 2.000-9.000 m3/s.
Hồ Hoà Bình đã xuống duới mực nước chết 2m. |
Nhưng cũng có năm như 1997, hạn hán khốc liệt, mực nước hồ Hòa Bình cũng xuống thấp như hiện nay và phải đến 6/6 mới có lũ sớm và đến 8-9/6 thì có mưa lớn, chấm dứt hạn hán.
Nhà máy thủy điện Hòa Bình sẽ cho phát điện đến cột nước 75 m. Theo ông cần phải có một trận lũ như thế nào thì mới nâng cột nước lên 80 m (mực nước chết)?
Giả sử mực nước hồ Hòa Bình còn 75 m, tương đương 3,24 tỷ m3, để nâng lên 80 m thì phải bổ sung 0,57 tỷ m3 nước nữa (tức dung tích là 3,815 m3), thì cần một trận lũ kéo dài 2 ngày, với đỉnh lũ là 6.000 m3/s, cường suất trung bình là 2.600 m3/s và với điều kiện lưu lượng dành cho phát điện là 800 m3/s.
Để nâng từ mực nước 75 m lên 86 m (tương đương 4,5 tỷ m3), mực nước được các chuyên gia khuyến cáo là không nên phát điện để đảm bảo an toàn, thì cần một trận lũ kéo dài 4 ngày với đỉnh lũ 9.000 m3/s, cường suất trung bình 4.500 m3/s, lưu lượng dành cho phát điện chỉ 800 m3/s.
Tuy nhiên, đấy là chỉ giả dụ. Thực tế, vào tháng 6, lũ trên lưu vực sông Đà không kéo dài, thường chỉ 1 ngày, thậm chí nửa ngày.
Dự báo lũ chính vụ trên sông Đà sẽ thế nào?
Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, năm nay có khả năng xảy ra lũ lớn trên sông Đà với đỉnh lũ lớn nhất năm là 12.000 m3/s. Lũ chính vụ rơi vào tháng 7-9, đỉnh lũ 40% tập trung vào tháng 8, 35% rơi vào tháng 7, còn lại là tháng 9.
Theo Như Trang
Vneexpress