1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hình sắc Hà Nội "mờ nhạt" trong bản quy hoạch chung

(Dân trí) - Trục Thăng Long nhằm mục tiêu “vô lý” khi chỉ để nối khu Hồ Tây với hồ Đồng Mô; thành phố bên sông Hồng để tăng thêm gánh nặng dân cư cho khu vực sông không hợp lý… Đại biểu HĐND Hà Nội chưa an tâm với đồ án quy hoạch chung Thủ đô.

Phiên thảo luận của HĐND thành phố chiều 20/4 “căng” vì nhiều ý kiến trái chiều. Cảm tưởng chung về đồ án vẽ hình ảnh Hà Nội 20 - 40 năm nữa, không ít đại biểu dùng chữ “mờ nhạt” để miêu tả.
 
Đại biểu Lê Văn Hoạt cho rằng chiến lược quy hoạch chung “không sáng” vì chưa đặt ra mục đích, định hướng cụ thể. Thiết kế đô thị không vạch ra được cách thức nào để sắp xếp, tổ chức lại không gian đô thị để khắc phục tình trạng hỗn loạn, lô nhô, không bản sắc như hiện nay.
 
Ông Hoạt lo lắng không có cơ sở gì để đảm bảo những dãy phố, khu dân cư tương lai không lặp lại những căn nhà 3m, 5m mặt tiền, siêu mỏng siêu méo lộ ra trên bộ mặt thành phố. Tình trạng này khó tránh khi mục tiêu giảm tới hàng chục vạn dân nội đô chỉ là trên giấy khi không có giải pháp đột phá.
 
Hình sắc Hà Nội "mờ nhạt" trong bản quy hoạch chung - 1
Các đại biểu trao đổi thêm về trục Thăng Long thể hiện trên sa bàn.
 
Đại biểu Vũ Đức Tân “công kích” mô hình trục Thăng Long. “Tôi không hiểu trục giao thông này nhằm mục đích làm gì trong khoảng không gian giữa Hồ Tây và hồ Đồng Mô. Cả trục đường chủ trương chỉ để nối khu thành cổ với Trung tâm hành chính đi lên chân núi Ba Vì?” - ông Tân đánh giá sự xuất hiện trục Thăng Long là không khả thi, “vô lý”, không để làm gì.
 
Đại diện cơ quan thẩm tra đồ án, ông Nguyễn Văn Nam - Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND thành phố cũng nêu quan điểm cần nghiên cứu lại tính khả thi, ý nghĩa kinh tế xã hội, sức tác động đến vành đai xanh và sự kết nối vào kinh thành Thăng Long của trục Thăng Long.
 
Ông Nam khái quát: “Với thực trạng hiện nay, chúng tôi cho rằng trục không gian này nếu có chỉ có thể nghiên cứu kết hợp giao thông trên từng loại tuyến”.
 
Tương tự, ban kinh tế ngân sách rất thận trọng khi đánh giá về tính khả thi của dự án thành phố 2 bên sông Hồng. Theo đó, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu thêm khả năng thực tiễn về việc di dân, giải phóng mặt bằng để khai thác quỹ đất 2 bên bờ sông.
 
“Không nên phát triển quá lớn, cần xen thêm mô hình tổ chức công viên cây xanh, giao thông để khai thác cảnh quan sông như một trục không gian mặt nước chính của thành phố, phù hợp với thực tiễn di dân” - báo cáo thẩm tra kết luận.
 
Đại biểu Vũ Đức Tân phân tích thêm: “Tập trung xây dựng thành phố bên sông Hồng để tăng thêm gánh nặng dân cư cho khu vực sông không hợp lý. Bờ bắc thành phố đang phát triển một cách mờ nhạt trong khi đây cũng là khu vực tập trung dân đông. Hướng đi đúng chỉ là đầu tư để làm đẹp thêm cảnh quan dòng nước”.
 
Đại biểu Ngô Văn Ny thì hướng tới khía cạnh thời sự của vấn đề. Ông Ny lo ngại với những biểu hiện bất thường của thời tiết thời gian qua, dự án khó lường trước các hệ quả. Liên tiếp 2 - 3 năm nay, sông Hồng hạn hán, lập các kỷ lục cạn nước, nguy cơ thiếu điện. “Đồ án đã đặt ra bài toán khoảng 40 năm nữa, tình trạng khô hạn còn căng thẳng hơn?” - ông Ny đặt câu hỏi.
 
Thay vì xây dựng đô thị, nhà hàng, khách sạn, cao ốc bên sông, đại biểu cho rằng nên tính phương án xây đập ngăn sông Hồng ở hạ lưu để vừa giữ được nước dòng sông cho cảnh quan thành phố vừa đảm bảo sinh hoạt, sản xuất.
 
Gom lại tất cả những ý kiến, phấn khởi và băn khoăn, Phó Chủ tịch HĐND Lê Quang Nhuệ yêu cầu đơn vị lập đồ án làm rõ thêm các vấn đề: tiếp tục hay “bác” dự án thành phố bên sông Hồng; xem xét tính khả thi, cần thiết của Trung tâm hành chính Quốc gia tại Ba Vì cũng như ý tưởng trục Thăng Long… Nội dung kết luận của HĐND thành phố sẽ được tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
 
P. Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm