Hiệp định chống khai thác gỗ bất hợp pháp chính thức có hiệu lực từ 1/6
(Dân trí) - Sau 8 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) đã được ký kết và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6 năm nay.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức họp báo để công bố thông tin về kết quả đàm phán của Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản(VPA/FLEGT).
Theo đó, mội dung chính của Hiệp định VPA/FLEGT là Việt Nam cam kết xây dựng và vận hành Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam phù hợp với đặc điểm chuỗi cung của Việt Nam và quy định của EU để xác minh, truy xuất nguồn gốc gỗ bất kể gỗ được khai thác trong nước hay gỗ nhập khẩu trong toàn bộ chuỗi cung làm căn cứ cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU. Các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có giấy phép FLEGT sẽ không phải thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ hợp pháp khi xuất khẩu vào EU. Điều này có nghĩa là giấy phép FLEGT sẽ thay thế hàng loạt giấy tờ, chứng từ mà hiện nay doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đang phải nộp cho nhà nhập khẩu EU để chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong đàm phán và ký kết Hiệp định, ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Hà Nội đã chia sẻ, Việt Nam là quốc gia thứ hai ở khu vực Châu Á mà EU đã ký kết Hiệp định này, sau Indonesia. Từ sau khi Indonesia triển khai cấp giấy phép FLEGT, đồ gỗ nước này đã có sự tăng trưởng mạnh tại EU so với trước đây. Đồ gỗ Việt Nam cũng sẽ có sự phát triển mạnh mẽ khi Hiệp định này được thực thi, bởi Việt Nam đang có nguyên liệu rừng trồng cũng như nhập khẩu lớn, ổn định. EU sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam và cấp phép FLEGT.
“Chúng ta đang cố gắng thực thi Hiệp định này và khi có hiệu lực chúng ta càng bảo vệ được rừng, bảo vệ được tài nguyên sinh thái thiên nhiên "lá phổi của nhân loại". Đó cũng là nỗ lực giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Chúng tôi nhấn mạnh rằng bảo vệ rừng là một phần rất quan trọng và sản phẩm gỗ cũng như sản phẩm gỗ trên toàn cầu hiện nay là một trong những yếu tố mà chúng ta có thể đóng góp vào quá trình phát triển bền vững trên toàn cầu và giảm thiểu biến đổi khí hậu nó tác động tích cực đến Việt Nam và cả khu vực Châu Á” - ông Bruno Angelet.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn phát biểu.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường từ việc quản lý rừng tốt hơn tại Việt Nam, cơ chế cấp phép FLEGT sẽ góp phần tăng uy tín ngành chế biến gỗ Việt Nam không chỉ tại thị trường EU mà còn tại các thị trường xuất khẩu khác, các thị trường đang ngày càng có nhu cầu cao về gỗ hợp pháp. Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh, Hiệp định VPA/FLEGT gửi một tín hiệu mạnh mẽ về cam kết của Việt Nam và EU đối với việc thúc đẩy thực hiện Chương “Thương mại và phát triển bền vững” của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, bao gồm các quy định về quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản
Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định, với quyết tâm của chúng ta cùng với việc hợp tác với phía EU thông qua thành lập 1 nhóm nòng cốt hỗn hợp chung của 2 bên để mỗi bên thể hiện nỗ lực hài hòa quy định của mỗi bên được ký kết trong Hiệp định. Mong muốn rằng khoảng tháng 6 năm 2020 có thể có những giấy phép FLEGT đầu tiên của Việt Nam đối với gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường EU.
Từ nay cho đến khi bắt đầu cấp phép FLEGT (1/6/2019), gỗ và sản phẩm gỗ được nhập khẩu từ Việt Nam sẽ tiếp tục phải thực hiện trách nhiệm giải trình về truy xuất nguồn gốc theo quy định của Quy chế gỗ của EU nhằm đảm bảo loại trừ rủi ro nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ bất hợp pháp vào thị trường EU. Mặt khác, EU sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho gỗ và sản phẩm gỗ có giấy phép FLEGT tại thị trường EU.
Nguyễn Dương