1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hiện trường chôn bò tót được bảo vệ ít nhất 5 ngày

(Dân trí) - Ngày 26/7, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh TT-Huế, vì bò tót là loài vật quý hiếm và bị nhiều người theo dõi nên công tác chôn cất, tiêu hủy được tiến hành nghiêm ngặt để đảm bảo các mẫu chôn bò tót không bị lấy trộm.

Công tác cứu hộ dưới sự chỉ đạo của nhóm chuyên gia Thảo Cầm Viên TPHCM do TS Phan Việt Lâm, Giám đốc Thảo Cầm Viên cầm đầu, tiến hành vào lúc 9h30 sáng 24/7 với phương pháp bắn thuốc mê, và đến 16h chiều cùng ngày mới khống chế được con bò tót đực đã trưởng thành nặng hơn 1,2 tấn. Sau đó đoàn đưa bò tót về nuôi nhốt tại Trại Voi, xã Thủy Bằng, Thị xã Hương Thủy. Tuy nhiên đến 17h cùng ngày, con bò tót quý hiếm đã bị chết.

Tối 24/7, sau khi khám nghiệm xong mẫu vật, hội đồng đã tiến hành tiêu hủy ngay tại chỗ trước sự chứng kiến của các lực lượng tham gia cứu hộ, chính quyền và một số người dân xã Thủy Bằng (Thị xã Hương Thủy, tỉnh TT-Huế). 

Xác con bò tót trưởng thành nặng hơn 1,2 tấn được chôn cất cẩn thận
Xác con bò tót trưởng thành nặng hơn 1,2 tấn được chôn cất cẩn thận

Mật bò tót tiêu hủy bằng phương pháp đập nát. Thịt, xương, da, nội tạng, chân, đuôi... được tiêu hủy bằng cách đào hố chôn. Trước khi chôn có phun hóa chất và rải vôi bột khử độc, tiêu trùng. Hội đồng đã có biên bản yêu cầu Hạt kiểm lâm Hương Thủy phối hợp với UBND xã Thủy Bằng bảo vệ hiện trường ít nhất 5 ngày, đồng thời thông báo cho cư dân địa phương biết xác con vật đã được khử độc để họ không đào trộm lấy thịt.

Riêng phần sọ thì giao cho Đại học khoa học Huế (ông Võ Đình Ba - giảng viên khoa Sinh tiếp nhận) để xử lý tiêu bản làm mẫu vật bảo tàng thiên nhiên.

Xác con bò tót trưởng thành nặng hơn 1,2 tấn được chôn cất cẩn thận
Mẫu vật đầu bò tót được thầy Võ Đình Ba tiếp nhận để chuẩn bị tiến hành làm mẫu vật bảo tàng (ảnh: Thầy giáo Võ Đình Ba cung cấp)

Chi cục Thú y tỉnh TT-Huế cũng đã lấy các mẫu bệnh phẩm và mẫu vật để bảo quản phục vụ cho công tác nghiên cứu sau này.

Chi cục Kiểm lâm cũng lấy làm tiếc trước cái chết của con bò tót quý hiếm khi cho rằng “việc cứu hộ động vật hoang dã thực tế là rất khó khăn, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, trong trường hợp cứu hộ lần này, các cơ quan chức năng và các chuyên gia đã lựa chọn phương án tối ưu nhất, nhưng vì nhiều lý do khách quan và bản thân sức khỏe con vật (như thiếu nước, trời nắng gắt, bị stress do người xem và tiếng ồn động cơ máy bay nên bị suy kiệt) nên công tác cứu hộ không như mong đợi”.

Ông Hoạch cho biết sẽ bảo vệ tối đa mẫu vật bò tót sau khi chôn
Ông Hoạch cho biết sẽ bảo vệ tối đa mẫu vật bò tót sau khi chôn

Theo ông Nguyễn Viết Hoạch, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh TT-Huế, “chúng tôi đã xử lý nghiêm ngặt các khâu sau khi bò tót chết theo đúng quy trình chuẩn. Hiện kiểm lâm đang phối hợp với xã bảo vệ hiện trường chôn bò tót tối đa để không cho ai đào trộm bò tót, tránh thất thoát một loài vật quý quốc gia”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về công tác xử lý phần sọ bò tót - phần quan trọng nhất trong cơ thể để làm mẫu vật bảo tàng thiên nhiên tại khoa Sinh, ĐH Khoa học Huế trong ngày mai 27/7.