Hiện trạng đường Láng trước đề xuất mở rộng lên gấp đôi
(Dân trí) - Đường Láng dài 3,8km, rộng 21m, là con đường đông dân cư, mật độ giao thông cao, đặc biệt có hàng cây xà cừ lâu năm tỏa bóng mát.
Đường Láng dự định sẽ được mở rộng gấp đôi hiện tại để giải quyết vấn đề giao thông đang ngày một xấu đi, do mật độ phương tiện quá cao. Đây là con đường đông dân cư, đặc biệt có hàng cây xà cừ lâu năm tỏa bóng mát.
Đường Láng (trong ảnh bên phải sông Tô Lịch, thuộc quận Đống Đa) nằm trên hệ thống vành đai 2 của Hà Nội.
Dự kiến chi phí giải phóng mặt bằng là 16.700 tỷ đồng, xây lắp 541 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư dự kiến 17.241 tỷ đồng cho đoạn đường dài 3,8km.
Đây là tuyến đường 2 chiều có phân cách giữa, dài gần 4km từ Ngã Tư Sở đến ngã tư Cầu Giấy (Ảnh: Google Maps).
Phân cách giữa tuyến đường trồng cây xà cừ, tuổi đời hàng chục năm, tán rộng, mát mẻ.
Suốt chiều dài hành trình, đường Láng (đường phía dưới trong ảnh) đi song song với sông Tô Lịch. Ảnh chụp tại đoạn cầu vượt Láng - Lê Văn Lương.
Có 2 chiều đường riêng biệt, song là tuyến giao thông quan trọng của thành phố nên tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra vào giờ cao điểm.
Đường Láng có một làn đường ven sông Tô Lịch dành riêng cho người đi bộ và xe đạp, tuy vậy luồng đường này gần như không có người đi bộ và đạp xe vì nằm ở vị trí khá bất tiện.
Vào các buổi sáng sớm và chiều muộn, một lượng nhỏ người dân đi tập thể dục tại đây. Song đường đi bộ lại nằm sát sông Tô Lịch ô nhiễm.
Đường Láng cũng giống như các tuyến đường đông đúc của thành phố, kinh doanh sầm uất, nhà ống kiên cố san sát.
Tại một số đoạn phố, các ngôi nhà mặt tiền kinh doanh nhộn nhịp nhưng lại giống kiểu nhà xây tạm.
Tuyến đường sát đô thị Cát Linh - Hà Đông chạy trên cao chỉ tham gia vào đường Láng một đoạn dài 350m, bắt đầu từ ngã ba Yên Lãng đến cây xăng đường Láng rồi chuyển hướng vòng về Thanh Xuân.
Đường Láng được biết đến có nhiều bóng mát bởi hàng cây xà cừ lâu năm, được trồng suốt toàn tuyến, ở cả vỉa hè và phân cách giữa.
Đề xuất mở rộng lòng đường lên 53,5m (hiện tại là 21m), khả năng cao hàng cây xà cừ sẽ phải "hy sinh" để nhường đất mở rộng.
Ở tầng thấp của phân cách giữa cũng được trồng nhiều tầng cây xanh, từ thảm cỏ ở tầng thấp đến cây tầm cao 5-7m.
Đường Láng có hai nút giao cắt với hai trục đường lớn là Nguyễn Chí Thanh sang Trần Duy Hưng và Láng Hạ sang Lê Văn Lương. Hai nút giao này được xây dựng cầu vượt để tránh xung đột giao thông, hạn chế ùn tắc.
Cầu vượt Lê Văn Lương cắt qua đường Láng và sông Tô Lịch.
Dù mở rộng đường sẽ giúp việc đi lại thuận lợi, nhưng có nhiều ý kiến cho rằng chi phí cho giải phóng mặt bằng là quá cao (16.700 tỷ đồng), bên cạnh đó các ý kiến cũng cho biết đường to chưa phải là giải pháp giải quyết tận gốc.
Các làn đường được mở rộng tại các nút giao trên đường Láng.