1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hiến pháp cần quy định rõ phương thức lãnh đạo của Đảng

(Dân trí)- “Những gì Đảng đang lãnh đạo cần được quy định trong Hiến pháp để đảm bảo các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình...”.

Đó là ý kiến của nguyên Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết khi bàn về các quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hội thảo khoa học “Góp ý hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”, do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Trung ương Hội Luật gia tổ chức ngày 22/2.
 
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo chưa thể hiện được tinh thần quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
 
Phân định rõ để Quốc hội không “lấn” quyền của nhân dân
GS Nguyễn Minh Thuyết: "Không có luật cụ thể về sự lãnh đạo của Đảng có thể dẫn đến xung đột quyền lực".

Quyền lực của nhân dân vẫn “khuôn” trong Quốc hội

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Vũ Đức Khiển nhận xét, bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi có nhiều mâu thuẫn, chưa thể hiện rõ ý tất cả quyền lực thuộc về nhân dân mà chỉ thấy dường như tất cả quyền lực mới chỉ tập trung vào Quốc hội.

Theo ông Khiển, các văn kiện mà Đảng đã đề cập đều nêu rõ việc sửa đổi Hiến pháp phải hướng đến mục đích tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Nhưng thực tế, dự thảo sửa Hiến pháp lần này đã không thể hiện được điều đó khi mà ngay đến việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp cũng phải do Quốc hội quyết định. Quy định công dân chỉ có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân cũng là một điểm “bó buộc”, giới hạn quyền của người dân.

“Quy định như thế là chưa hợp lý và tôi cảm thấy dự thảo lần này chưa hướng đến tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân nên cần phải nghiên cứu soạn thảo lại” - ông Khiển phân tích.

TS. Hoàng Văn Nghĩa lập luận, nguyên tắc tối thượng của nhà nước pháp quyền là quyền lực thuộc về nhân dân. Dự thảo cần xem xét bổ sung thêm một điều hoặc một khoản riêng rẽ về quyền phúc quyết của nhân dân cũng như về quyền của nhân dân được trưng cầu dân ý.

PGS.TS Ngô Huy Cương (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng, xét toàn bộ dự thảo, quy định về quyền lập hiến hay làm hiến pháp vẫn hoàn toàn thuộc về Quốc hội, hầu như không có sự thay đổi nào đáng kể so với Hiến pháp hiện hành về tư tưởng lập hiến. Ông Cương cho rằng, Hiến pháp hoặc Hiến pháp sửa đổi phải được toàn dân phúc quyết hoặc bởi hội nghị đại biểu nhân dân được bầu ra riêng cho mục đích đặc biệt này.

GS Nguyễn Đăng Dung (khoa Luật ĐHQG Hà Nội) cũng kiến nghị: “Cần sửa đổi hơn nữa trong phân định thẩm quyền giữa Quốc hội với nhân dân, giữa Quốc hội với các cơ quan nhà nước khác để Quốc hội làm đúng và đủ quyền lập pháp của mình mà không lấn sang các quyền khác”. Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh thì đề nghị, để thể hiện tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và Hiến pháp là của nhân dân thì cần quy định trực tiếp, dứt khoát ngay trong Hiến pháp rằng, Hiến pháp được làm ra phải được trưng cầu ý dân thay vì phải được “Quốc hội quyết định” rồi mới trưng cầu ý dân như dự thảo.

Luật về Đảng để chống xung đột quyền lực

Bàn về các quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng, nguyên Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của QH Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, thực tế lịch sử từ năm 1945 đến trước Hiến pháp năm 1980 đã cho thấy vai trò của Đảng trong xã hội và lòng dân như thế nào, cho dù không có một điều ràng buộc nào trong Hiến pháp. Ở nhiều nước phát triển hiện nay, Hiến pháp cũng thể hiện theo tinh thần này.

Bản Hiến pháp của Việt Nam năm 1980 thiết kế điều 4 là “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội”. Bản Hiến pháp hiện hành sửa thành “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội”.

Tuy nhiên, theo ông Thuyết, một khi điều 2 của dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã khẳng định nguyên tắc nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và toàn bộ mô hình tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước đã thể hiện tính chất xã hội chủ nghĩa trong bản Hiến pháp được toàn dân đồng tình qua trưng cầu dân ý rồi, thì dù không có điều 4 cũng không ai xóa bỏ được chế độ xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ được vai trò lãnh đạo của Đảng.

Theo đó, nếu nhất thiết phải giữ điều 4 như bản dự thảo đang thể hiện, ông Thuyết cũng cho rằng, cần quy định rất rõ phương thức lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội của Đảng để tránh tình trạng mất cân đối là quyền và nghĩa vụ của nhân dân, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước được quy định rất cụ thể, trong khi đó quyền và nghĩa vụ của lực lượng lãnh đạo cả nhân dân lẫn nhà nước là Đảng lại được quy định một cách khá sơ sài.

“Những gì Đảng đang lãnh đạo cần được quy định trong Hiến pháp để đảm bảo các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, đồng thời, bảo đảm Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Không có những quy định này, rất có thể dẫn đến xung đột quyền lực hoặc quyền lực của nhiều chủ thể mang tính hình thức” – GS Thuyết nhấn mạnh.

Ông Thuyết dẫn chứng, Hiến pháp quy định Chủ tịch nước thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, nhưng ai cũng biết người thực sự thống lĩnh lực lượng này là Bí thư Quân ủy Trung ương, tức Tổng bí thư. Hay Hiến pháp quy định Chủ tịch nước có quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng nhưng Chủ tịch nước không thể thực hiện được quyền này nếu không có nghị quyết của Bộ Chính trị hoặc Ban chấp hành TƯ.

Ông Lê Tiến (Hội Luật gia Việt Nam) cũng cho rằng Đảng có quyền lực thì Đảng cũng phải chịu trách nhiệm.

P.Thảo