Hiến kế an dân, ổn định và phát triển đất nước
Ngày 27-9,lần đầu tiên Hội nghị "Diên hồng” lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, của các chuyên gia kinh tế, nhân sĩ trí thức,các đoàn thể chính trị-xã hội đối với những vấn đề liên quan đến mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội do UBTƯMTTQ Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Toàn cảnh hội nghị
Ổn định kinh tế vĩ mô: Còn tư duy "hổng đâu lấp đấy”
Tiếp tục kiên trì thực hiện các mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội trên tinh thần Nghị quyết 11 và Nghị quyết 13 của Chính phủ, nền kinh tế trong năm 2011 và 9 tháng đầu năm 2012 được đánh giá là đang đi đúng hướng. Lạm phát tiếp tục được kiềm chế ở mức dưới một con số. Theo ý kiến của các chuyên gia tại hội nghị, chính sách tài chính tiền tệ được thắt chặt thời gian qua đã và đang góp phần kiểm soát con số lạm phát và các chuyên gia cũng hy vọng, tăng trưởng trong năm 2012 sẽ đạt ở mức 5,5 – 5,6%.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại, lạm phát sẽ tăng trở lại khi chỉ số CPI trong tháng 9 lại có chiều hướng tăng mạnh so với những tháng trước đó. Những lo ngại này không phải không có cơ sở khi càng về cuối năm, sự tăng giá các mặt hàng, các dịch vụ dịp lễ tết càng tăng lên. Cùng với đó, tín dụng được khối ngân hàng đẩy ra khá mạnh mẽ nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 8-10% cũng là nhân tố đẩy "nhiệt kế” đo chỉ số lạm phát tăng cao. Thực trạng này cho thấy, những chính sách ổn định kinh tế tuy đã đi đúng hướng thời gian qua, song còn bộc lộ nhiều bất ổn, đặc biệt tư duy "hổng đâu lấp đấy” mang tính ngắn hạn đang khiến nền kinh tế của ta luôn rơi vào tình thế: Ổn định nửa vời.
"Bóng đen” nợ xấu vẫn bao trùm
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh, bức tranh kinh tế Việt Nam còn quá nhiều điều ngổn ngang những vấn đề trước mắt cũng như lâu dài. Chúng ta cần phải xử lý tất cả những vấn đề ngắn hạn và dài hạn mà bối cảnh lịch sử đang đặt ra. Nếu giải quyết những vấn đề ngắn hạn và dài hạn không lồng vào nhau thì khó khăn còn nghiêm trọng hơn. Trong đó, vấn đề dài hạn là "tái cấu trúc nền kinh tế”. Song, theo ông Vũ Khoan, 3 trọng tâm tái cơ cấu mà Chính phủ đang yêu cầu thực hiện dù đang được làm rốt ráo nhưng vẫn còn một số điểm "tắc” cần phải "thông” ngay. Chẳng hạn, trong lĩnh vực ngân hàng vấn đề nợ xấu đang trở thành khối nặng chèn ép lên cả nền kinh tế, nếu không xử lý đúng đắn sẽ dẫn đến đổ vỡ. Theo nguyên Phó Thủ tướng, lâu nay ít ai để ý xem phần kinh tế ảo của chúng ta là bao nhiêu? Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tất cả những đổ vỡ của nền kinh tế các nước đều bắt đầu từ ngân hàng và bất động sản. Bởi vậy, ngân hàng chính là một "đại diện” của kinh tế ảo. "Ở nước ta hiện đang tồn tại một thực trạng, kinh tế khó khăn là thế nhưng ngân hàng vẫn lãi khủng – đó chính là lãi ảo. Trong cái gọi là kinh tế ảo ấy, những hoạt động ngầm diễn ra rất khủng khiếp. Tái cơ cấu phải nhìn thấy điều đó để tập trung xử lý, nếu không xử lý dứt điểm thì khó có thể tái cơ cấu được ngành ngân hàng theo đúng nghĩa”, ông Vũ Khoan khẳng định.
Quả thực, vấn đề nợ xấu đã và đang trở thành "bóng đen” càng ngày càng lớn dần bao trùm nền kinh tế. Bài học từ nhiều nước đã từng đổ vỡ về nợ xấu được TS. Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia đưa ra với câu hỏi: Việt Nam liệu có giẫm vào "vết xe đổ”?
Việt Nam đang mắc bệnh "đóng băng tín dụng”
Theo TS Nghĩa, nhiều quốc gia trên thế giới đã từng mắc "căn bệnh” đóng băng tín dụng. Việt Nam đang mắc chính căn bệnh đó. " Hiện đang tồn tại thực tế: ngân hàng thì thừa tiền nhưng tín dụng lại không ra được khiến doanh nghiệp điêu đứng, chết dần chết mòn. "Căn bệnh” đóng băng tín dụng đã từng bóp nghẹt nền kinh tế Nhật Bản , khiến cho đất nước này 16 năm trời luôn ở tình trạng tăng trưởng "zero” (0%). Châu Mỹ- La tinh cũng vậy. Nhiều nước lớn như Brazil, Argentina… loay hoay trì trệ vì nợ xấu quá lớn trong suốt hơn một thập kỷ. Nợ xấu đe dọa nền kinh tế như vậy, dư luận ráo riết mong vấn đề này được xử lý ngay, xử lý dứt điểm nhưng Chính phủ lại cho rằng, nợ xấu chưa thật ghê gớm, cứ từ từ xử lý”, TS Nghĩa lý giải.
Nhưng TS Nghĩa cũng phản kháng: Từ từ nghĩa là chết! Bởi nợ xấu quá lớn thì doanh nghiệp cũng không sống được, bản thân ngân hàng sẽ không tung tiền ra cho doanh nghiệp. Do đó, theo TS Lê Xuân Nghĩa, tái cấu trúc quan trọng nhất là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, lấy đó làm nền tảng cho tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước và tái cấu trúc đầu tư công. Ngân hàng không làm nổi vai trò của nó thì sẽ "bóp chết” tất cả các thị trường: Chứng khoán, bất động sản, tín dụng, bóp chết doanh nghiệp… và như vậy thì còn gì để tái cấu trúc nữa (?) Ngoài ra, ông Nghĩa cũng cho rằng cần phải tăng cường đầu tư công để tập trung giải quyết việc làm và phát triển kinh tế.
Tiết kiệm đầu tư công nhưng lại tiêu xài "tưng bừng”
Một điểm "tắc” nữa trong tiến trình tái cơ cấu đó là: Tái cơ cấu đầu tư công về lý thuyết thì rất hay nhưng thực tế lại trái ngược với những gì chúng ta đang hô hào”, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận định. Theo ông, chúng ta kêu gọi tiết kiệm đầu tư công nhưng thực tế lại tiêu xài "tưng bừng”. Con số thống kê cho thấy, "cán cân” thu chi ngân sách những tháng đầu năm quá lệch, thu hơn 1%, nhưng chi tới 13 - 14%. Chỉ lấy ví dụ một hình ảnh rất thực tế hiện nay, đó là chúng ta đang quá phung phí tiền của vào các lễ hội. Nhưng tất cả đều là tiền của dân. Rõ ràng, thực tế diễn ra như vậy là trái ngược với những yêu cầu đang đặt ra. Bởi vậy, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, muốn nền kinh tế vĩ mô thực sự ổn định, việc cần làm trước mắt vẫn là cần giải quyết tốt những điểm tắc về nợ xấu trong tái cấu trúc ngành ngân hàng cũng như thực hiện tốt mục tiêu tiết kiệm trong đầu tư công, chứ không phải chỉ là hô hào.
Khiếu kiện đất đai: Nhiều sai phạm từ cơ quan quản lý
Một trong những vấn đề bức xúc trong xã hội hiện nay cũng được các chuyên gia, nhà khoa học quan tâm đưa ra tại hội nghị, đó là vấn đề quản lý đất đai. Theo Luật sư Lê Đức Tiết, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Kinh tế - UBTƯ MTTQ Việt Nam, tình trạng lạm quyền, lãng phí, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai ngày càng trở nên phổ biến, kéo dài và có dấu hiệu trầm trọng hơn. Thực trạng này khiến khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, thành thị và nông thôn càng trở nên cách biệt. Những kẻ tham nhũng thì sống xa hoa còn đời sống của những người làm công ăn lương, công nhân, nông dân ngày càng khó khăn, chật vật. Lòng tin của dân vào Đảng và chính quyền giảm sút. Luật sư Lê Đức Tiết đưa ra một con số khá nhức nhối: Có đến 70% khiếu kiện tố cáo liên quan đến đất đai.
Con số nói trên thực sự gây sốc cho người dân và cả những chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này. Có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân sâu xa được Giáo sư Nguyễn Lang – Thành viên Hội đồng tư vấn về kinh tế UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, bức xúc chính trong lĩnh vực đất đai hiện nay chủ yếu liên quan đến những sai phạm của cán bộ quản lý đất đai. Đơn cử như trong quá trình giải quyết các sự việc liên quan đến vấn đề này, cán bộ quản lý đất đai thường dựa vào những văn bản pháp quy dưới luật được xây dựng trên cơ sở vận dụng Luật Đất đai cũ mà quên rằng, Luật Đất đai 2003 thay thế những Luật Đất đai có trước đó. Song cơ quan pháp lý lại không rà soát, điều chỉnh theo Luật Đất đai năm 2003 dẫn đến sự việc đáng tiếc như ở Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên)... thời gian qua. Có thể nói, những vụ việc đáng tiếc nói trên là hậu quả của sự tắc trách, buông lỏng quản lý của một số cán bộ, người có trách nhiệm tại các địa phương. Theo Giáo sư Nguyễn Lang, trên thực tế, nhiều dự án đất đai đã được phê duyệt trước đây bị chi phối bởi một nhóm lợi ích. Do vậy, việc rà soát lại các dự án đã được phê duyệt là rất cần thiết.
Nhầm lẫn giữa quyền sử dụng đất đai và sở hữu đất đai
Giáo sư Nguyễn Lang cũng cho rằng, chúng ta thường xuyên đổ tại khiếu kiện tố cáo là do chế độ sở hữu rồi đòi thay đổi chế độ sở hữu toàn dân thành chế độ sở hữu tư nhân. Đó là do chúng ta đang nhầm lẫn giữa quyền sử dụng đất đai và sở hữu đất đai. "Quyền sử dụng đất đai có quy định trong luật dân sự, luật đất đai. Nhưng quyền sử dụng đất đai kèm với quyền định đoạt mà phương tây gọi là sở hữu hạn chế. Trong khi đó ở Việt Nam lại ít người biết tới và xem đồng đều mọi loại quyền, do vậy đòi thay đổi quyền sở hữu toàn dân. Thêm vào đó, một số khái niệm và định nghĩa cũng chưa được hiểu tới nơi tới chốn. Chúng ta nói Nhà nước là đại diện chủ sở hữu toàn dân. Nhưng cụ thể nhà nước ở đây là ai? Là Quốc hội. Còn Chính phủ, không là đại diện cho sở hữu toàn dân. Tránh để cho các văn bản, khái niệm chồng chéo nhau thì phải cụ thể hóa từng khía cạnh này”, ông Lang khẳng định. Liên quan đến vấn đề quản lý đất đai đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân tộc UBTƯ MTTQ Việt Nam Lù Văn Que đưa ra đề xuất, cần bổ sung, sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 theo hướng: Nhà nước nên có quy định, chính sách đảm bảo đất ở, đất sản xuất cho đồng bào các dân tộc cư trú theo cộng đồng, nhất là các dân tộc thiểu số, vùng biên giới, vùng di dân tái định cư để xây dựng các công trình. Đồng thời, để khắc phục tình trạng mua bán đất trái phép đất ở, đất sản xuất và lợi dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần có quy định cụ thể việc sang nhượng đất sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp trong vùng dân tộc, đất sản xuất của Nhà nước không được mua bán, chuyển đổi, tặng, cho trong thời gian 10 năm…
Ai sẽ nhận lỗi?
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng công bố tình hình thuế phí của Việt Nam cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực. Nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Truyền không thể ngờ, với một đất nước nghèo như Việt Nam lại đóng thuế nhiều đến vậy (26,3%/GDP). "Bên cạnh đó là nhiều vấn đề chưa giải quyết được trong lĩnh vực ngân hàng như nợ xấu, vốn không giải ngân được… Hay những vấn đề xã hội khác như nạn tham nhũng không những chưa được đẩy lùi mà ngày càng tinh vi hơn. Giá cả tăng, niềm tin suy giảm, người dân phân tâm, giá trị văn hóa đảo lộn, thông tin không minh bạch...Chúng ta cần phải xem lại cơ chế cung cấp thông tin thế nào để người dân hiểu đúng. Trước tình hình này ai sẽ nhận lỗi, sửa chữa, xin lỗi, từ chức, bị xử lý, nếu không rõ ràng Nghị quyết Trung ương 4 đầy hy vọng sẽ không làm hài lòng người dân nữa”, ông Lê Truyền nhấn mạnh.
Tại hội nghị, các chuyên gia, các nhà khoa học cũng đề xuất các giải pháp liên quan đến các vấn đề thu hút nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư phát triển khoa học kỹ thuật, đối ngoại… Theo LS. Nguyễn Vĩnh Oánh – Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, hiện đa số người giỏi không làm việc trong các cơ quan nhà nước. Có tình trạng như vậy vì chúng ta thiếu cơ chế thu hút người tài. Vì vậy, phải có cơ chế thu hút, bồi dưỡng người tài để họ cống hiến cho đất nước. "Chính sách pháp luật của chúng ta còn chắp vá, lạc hậu. Vấn đề băn khoăn nhất đó là nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước ra sao vẫn chưa xác định rõ. Mặt trận cần thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp để nói rõ nghĩa vụ công dân với Nhà nước thế nào”, ông Oánh đề xuất.
Thay mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha đánh giá cao 17 ý kiến, đề xuất của các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, các nhân sĩ trí thức tham gia hội nghị. Phó Chủ tịch khẳng định, hội nghị lần này sẽ là tiền đề để MTTQ Việt Nam tiếp tục tổ chức các hội nghị tương tự trong thời gian tới với định kỳ 2 tháng 1 lần, hội nghị cũng có thể tổ chức bất thường khi có vụ việc quan trọng nhằm tiếp thu các ý kiến đóng góp của nhân dân, nhân sĩ trí thức, các tổ chức chính trị xã hội, hội đồng tư vấn… cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo Đại đoàn kết