1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Tĩnh:

Hiểm họa từ những hồ đập cũ nát

(Dân trí) - Cơn “đại hồng thuỷ” vừa tràn qua Hà Tĩnh không chỉ gây mất mát lớn về con người mà còn làm thiệt hại rất nặng nề về vật chất. Một trong những hiểm họa đáng báo động hiện nay là hàng trăm hồ đập thuỷ lợi và hàng ngàn km kênh mương bị hư hỏng nặng nề, đe dọa sự an nguy của nhân dân trong mùa lũ tới.

Thực trạng đáng báo động

 

Chỉ tính riêng huyện Kỳ Anh cũng có đến 64 hồ đập thuỷ lợi, trong đó có một đại công trình thuỷ nông và 6 công trình trung thuỷ nông. Những công trình thuỷ lợi như Sông Rác, Kim Sơn, Sông Trí... có trữ lượng lên đến hàng trăm triệu m3, nằm ở độ cao trên 100m so với mặt nước biển, như những túi nước khổng lồ treo lơ lửng trên đầu mọi người.

 

Theo thống kê của Chi cục đê điều Hà Tĩnh, sau trận lũ vừa qua, Kỳ Anh đã  bị xoá sổ hoàn toàn 8 hồ đập, hơn 100 tràn, cống các loại cùng hàng ngàn km kênh mương, ước tính thiệt hại trên 12 tỉ đồng.

 

Tại hai huyện Hương Khê và Vũ Quang, trận lũ lịch sử cũng đã cuốn trôi hàng chục hồ đập, làm hư hỏng nặng hàng trăm công trình thủy lợi khác, số còn lại cũng đã sạt lở nghiêm trọng và đang đứng trước nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào.

 

Mùa lũ năm nay, chỉ cần một trong những “túi nước khổng lồ” ấy bị “bục”, hậu quả sẽ là khôn lường.

 

Anh Lê Thanh hải, đội trưởng đội tu sửa hồ Kim Sơn, cho Biết: Nếu xảy ra mưa lớn, kết hợp với bão từ cấp 10 trở lên, đập Kim Sơn rất có thể bị vỡ, và nó sẽ cuốn trôi hàng ngàn hộ gia đình ở cả Hà Tĩnh lẫn Quảng Bình. 

 

Giải pháp nào cho sự an toàn?

 

Theo tính toán của các kỹ sư thuỷ lợi thuộc Chi cục Thuỷ lợi tỉnh, nếu tỉnh Hà Tĩnh xảy ra bão có sức gió từ cấp 10 trở lên, kết hợp mưa lớn như cơn lũ vừa qua, tất cả các hồ đập còn lại trên địa bàn tỉnh sẽ bị vỡ. Nhưng ở trong thời điểm này, tỉnh Hà Tĩnh chưa thể khắc phục kịp thời, chủ yếu về vấn đề kinh phí. Hơn nữa các đập đã xuống cấp quá nặng, việc sửa chữa không hề đơn giản.

 

Có một nghịch lý: hầu hết các công trình thuỷ lợi thường được bắt đầu thi công khi mùa mưa bão đã đến, rủi ro vì vậy là rất lớn. Đơn cử như trận lũ vừa qua, do mới thi công nên toàn bộ đập thượng nguồn Sông Trí đã bị quét sạch, gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi Sông Rác, cho biết: “Đơn vị đã nhiều lần đề nghị lên UBND tỉnh, nhưng đành bất lực vì không có tiền. Theo yêu cầu tối thiểu, năm nay chúng tôi đề nghị cấp 2,5 tỉ đồng nhưng mới được 70 triệu thì làm cái gì? Vì thế, trong đợt lũ vừa qua, toàn bộ hệ thống kênh mương chính đã bị sạt lở nghiêm trọng. Tình hình này, nếu xảy ra mưa lớn, chúng tôi lo đập Sông Rác sẽ vỡ mất”.

 

Chúng ta hẳn chưa quên trận lũ quét kinh hoàng ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) vào năm 2002. Cơn lũ lịch sử vừa qua xảy ra trên diện rộng đã giết chết 36 người dân và đang đẩy hàng chục vạn gia đình vào cảnh bần cùng, đói khát, bệnh tật. 

 

Cơn lũ đã qua, chứng tích để lại cho người dân Hà Hĩnh vô cùng nặng nề và tàn khốc. Tuy nhiên, khi đánh giá, quanh đi quẩn lại chỉ thấy “rút bài học kinh nghiệm”. Trong khi các “quan” còn mải ngồi “đánh giá”, hàng tỉ mét khối nước đã rình rập ập xuống đầu dân.

 

M.San - V.Dũng - N.Nghĩa