1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hiểm họa có thể khiến người nghèo, người giàu mang số phận như nhau!

(Dân trí) - Đây là tình cảnh mà các nhà khoa học đã cảnh báo về biến đổi khí hậu: “Sớm mai thức dậy, người nghèo, người giàu, người khôn, người dại… suy nghĩ và số phận của họ rất khác nhau… Nhưng hiểm họa có thể làm cho số phận họ như nhau”!

Hết “lũ mặn đến lũ ngọt”!

“Biến đổi khí hậu không còn là lời cảnh báo của tương lai, những thiệt hại do nó gây ra là nhãn tiền và ngày càng khốc liệt hơn” - đó là nhận định chung của các nhà khoa học và lãnh đạo các tỉnh trong vùng.

Điểm lại từ đầu năm 2014 đến nay, riêng 4 tỉnh ven biển ở ĐBSCL là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh đã có hơn 10.000 ha tôm sú bị thiệt hại. “Năm ngoái, 50% diện tích tôm nuôi ở Vĩnh Châu – Sóc Trăng chết thành dịch, thiệt hại ước khoảng trên 110 tỉ đồng. Năm nay người nuôi làm ao đàng hoàng, chăm sóc kỹ lưỡng hơn nhưng tôm cũng đã chết trên 1.600 héc ta” - ông Hai Nhiệm - nông dân ở Sóc Trăng than thở.

Chuyện tôm chết có nhiều nguyên nhân tồn tại trong nhiều năm qua như con giống, môi trường bị ô nhiễm… Tuy nhiên, nguyên nhân chính nổi lên năm 2014 là do nắng nóng. Trong khi đó, sự gia tăng của “lũ mặn” ở các vùng ven biển là một cảnh báo về sự dâng cao của nước biển.

Vỡ đê ở Cần Thơ hôm 10/10 nước tràn vào nhà dân gây thiệt hại về tài sản
Vỡ đê ở Cần Thơ hôm 10/10 nước tràn vào nhà dân gây thiệt hại về tài sản

Ghi nhận tại các tỉnh ven biển như Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, độ mặn năm nay đều cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tại Cà Mau độ mặn lên đến khoảng 30‰. Theo đó, “lũ mặn” ngày càng gay gắt, tình trạng thiếu nước ngọt trong sinh hoạt diễn ra trên diện rộng. Nhiều nơi người dân mua nước ngọt xài với giá gần 200.000 đồng/m3. Trong khi đó, tình trạng khô hạn kèm theo nắng nóng làm hàng ngàn héc-ta nuôi tôm sú, lúa của người dân thiệt hại năng nề. Theo Bộ NN-PTNT, hiện nay ĐBSCL có trên 100.000 ha đất sản xuất nông nghiệp bị “lũ mặn” đe dọa, gây thiệt hại.

Từ người nuôi tôm dù là giàu hay nghèo, người dân ở nông thôn vùng bán đảo Cà Mau hay ở các khu vực thành thị như Cần Thơ, thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) đều chung một nỗi niềm là thiệt hại nặng nề do tôm chết; phải chạy đôn chạy đáo tìm nguồn nước ngọt trong sinh hoạt gia đình.

Trong khi đó, những ngày vừa qua, khi lũ từ thượng nguồn tràn về kết hợp mưa, triều cường làm cho người dân xáo trộn sinh hoạt khi bì bõm lội trong “nước ngọt ngập úng”. Nhiều người dân ở Sóc Trăng đã mất trắng diện tích hoa màu do vỡ đê. Đây là tình cảnh mà các nhà khoa học đã cảnh báo về biến đổi khí hậu: “Sớm mai thức dậy, người nghèo, người giàu, người  khôn, người dại… suy nghĩ và số phận của họ rất khác nhau… Nhưng hiểm họa có thể làm cho số phận họ như nhau”!

Các tỉnh, thành ĐBSCL gần như đã “thuộc lòng” các kịch bản biến đổi khí hậu xảy ra khi các nhà khoa học đưa ra nhận định. Theo đó, với diện tích tự nhiên khoảng 4 triệu ha, địa hình bằng phẳng và thấp; bị ảnh hưởng của thủy triều và xâm nhập mặn hàng năm ở ĐBSCL diện tích nhiễm mặn lên tới 1,7 triệu ha. Kịch bản BĐKH của Việt Nam, đến cuối thế kỷ này, nhiệt độ trung bình ở ĐBSCL có thể tăng thêm 1,3 – 2,8 độ C, mưa có thể tăng 4-8%, nước biển dâng theo kịch bản thấp là 66cm, cao là 99cm. Nước biển dâng cao 1m có thể làm 39% diện tích ở ĐBSCL bị ngập, 35% dân số bị ảnh hưởng. ĐBSCL là vựa lúa, vựa thủy sản, trái cây… Hiện tại và tương lai, sự phát triển của ĐBSCL đang bị đe dọa. Đây là một trong những khu vực bị tổn thương nặng nề nhất của Việt Nam do tác động của BĐKH.

Quên cả rừng phòng hộ ven biển!

Ngày 20/10, nguồn tin từ Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão- tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ cho biết, từ nay đến cuối tháng 11/2014, Cần Thơ còn chịu ảnh hưởng của 3 đợt triều cường. Cụ thể đợt đầu từ ngày 24-27/10, đợt 2 từ 7-10/11 và đợt 3 từ ngày 22-25/11. Dự báo, đợt triều cường từ 24-27/10 đỉnh triều trên sông Hậu lên xấp xỉ báo động III là 1,9m sẽ làm nhiều tuyến đường nội ô Cần Thơ ngập nặng.

Từ giờ đến cuối năm Cần Thơ còn chịu 3 trận ngập lụt nặng do triều cường
Từ giờ đến cuối năm Cần Thơ còn chịu 3 trận ngập lụt nặng do triều cường

Ông Bùi Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ cho biết, để ứng phó với triều cường sắp tới, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ đã tiến hành kiểm tra, gia cố hệ thống đê, bờ bao bảo vệ khu dân cư, khu vực sản xuất và các cồn trên sông Hậu. Đồng thời có những giải pháp đồng bộ để ngăn chặn không gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và tình hình sản xuất, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Được biết, ngoài biện pháp trước mắt để ứng phó với khí hậu, nhiều dự án cũng đã được triển khai như dự án “Phát triển nông thôn bền vững và ứng phó BĐKH vùng ĐBSCL tại tỉnh Bến Tre” được khởi động vào cuối tháng 5/2014 với tổng vốn của dự án là gần 25 triệu USD.

Tuy nhiên, một vấn đề đang đang đặt ra là tính thống nhất, liên thông của của các dự án thích ứng với BĐKH hiện nay. Gần như các tỉnh đều có dự án để ứng phó với BĐKH. Song, các dự án này chưa thể hiện rõ tính liên thông cấp vùng, vì BĐKH không chỉ xảy ra trên cấp độ địa giới hành chính. Ứng phó với BĐKH phải có tính liên kết, liên thông theo các vùng sinh thái. Trong khi đó, cách thức ứng phó với BĐKH và nước biển dâng cao đối với các tỉnh ven biển vẫn chưa có khuyến cáo khoa học rõ ràng.

Các dự án đề xuất vẫn còn nặng tính địa phương, dễ thấy nhất là các dự án xin cấp vốn xây kè chống sạt lở, thiếu đánh giá vai trò hệ thống rừng ngập mặn ven biển. Trong khi đó, các nhà khoa học vừa chưa đánh giá hết hiệu quả của như tác động của việc xây đê ven biển. Vừa qua, tại Trà Vinh hàng nghìn cây bần tại rừng phòng hộ Cồn Nạng (xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang) bị đốn hạ làm củi khiến người dân và chính quyền địa phương bức xúc.

Theo người dân ở đây, rừng bần giúp chắn sóng, không gây sạt lở và làm không khí trong lành, bảo vệ sức khỏe người dân và thu lợi rất lớn trong việc đánh bắt hải sản. Việc rừng bần bị đốn hạ không thương tiếc là lời cảnh báo về sự thiếu hiểu biết cũng như trách nhiệm của các đơn phương rất lỏng lẻo trong bảo vệ hệ thống sinh thái ven biển. 

Đây cũng là lời cảnh báo để từ đó sớm hoàn thành các nghiên cứu ảnh hưởng BĐKH đến các vùng ngập nông, rìa vùng ngập lũ, ven biển… Đề xuất các giải pháp thích nghi với BĐKH ở các vùng sản xuất, sinh hoạt của người dân ĐBSCL.

Phạm Tâm - Cao Phong