1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hết bờ biển Tây, Cà Mau lại ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển Đông

(Dân trí) - Ngày 19/9, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã ký quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển Đông và sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Theo đó, trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có hơn 26 km bờ biển, bờ sông bị sạt lở (dài nhất khoảng 5.000m, ngắn nhất cũng trên 1.200m) cần khẩn cấp xử lý. Các khu vực này tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, huyện Năm Căn và huyện Đầm Dơi.

Trong đó, bao gồm các khu vực: Cửa biển Vàm Xoáy, cửa biển Rạch Gốc, cửa biển Hố Gùi (3 nơi này là ưu tiên hàng đầu trong danh mục khẩn cấp của tỉnh) bờ biển đoạn từ kênh Năm đến kênh Chùm Gọng, bờ biển đoạn từ kênh Chốn Sóng đến kênh Năm Ô Rô, cửa biển Hốc Năng, khu dân cư thị trấn Năm Căn, bờ biển đoạn từ kênh Năm Ô Rô đến kênh Năm.

Hết bờ biển Tây, Cà Mau lại ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển Đông - 1

Mỗi năm Cà Mau mất nhiều diện tích rừng do sạt lở bờ biển. (Ảnh CTV)

Theo ghi nhận của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, nhiều khu vực cửa biển, bờ biển sạt lở diễn biến phức tạp, đai rừng phòng hộ trung bình một năm mất từ 80m-100m, một số vị trí sạt lở đã khoét sâu, hở hàm ếch vào phía trong, làm mất từng mảng diện tích rừng rất lớn (có nơi trong 10 năm mất hàng trăm ha rừng).

Tình trạng sạt lở diễn ra đặc biệt nguy hiểm và liên tục, nhất là vào mùa mưa bão thì sạt lở càng nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp các cửa biển, gây ảnh hưởng đến các cơ quan hành chính, khu dân cư, công trình giao thông, trạm y tế, trường học, đường quốc lộ, hệ thống điện,…

Hết bờ biển Tây, Cà Mau lại ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển Đông - 2

Tình trạng sạt lở bờ sông cũng xảy ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến nhà cửa, tài sản, đời sống của người dân ở Cà Mau. (Ảnh: CTV)

Để thực hiện tình huống khẩn cấp, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện bị ảnh hưởng khoanh vùng khu vực bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở, thiết lập hành lang an toàn; Lựa chọn giải pháp và tổ chức khảo sát, lập các thủ tục đầu tư các dự án chống sạt lở trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thẩm định, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án, trình cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định.

Yêu cầu UBND các huyện (Năm Căn, Ngọc Hiển và Đầm Dơi) có trách nhiệm vận động nhân dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở và khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm; thông báo, cấm biển cảnh báo, rào chắn không cho phương tiện có tải trọng lớn, người không có trách nhiệm vào khu vực sạt lở; bố trí lực lượng trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở để chủ động, kịp thời ứng phó.

Hết bờ biển Tây, Cà Mau lại ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển Đông - 3

Khu vực bờ biển Tây vừa qua cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi thời tiết. (Ảnh: CTV)

Trước đó, vào đầu tháng 8/2019, trước tình hình đê biển Tây bị ảnh hưởng bởi thời tiết, nguy cơ dẫn đến vỡ đê, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng đã có quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây.

Sóc Trăng công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông nguy hiểm

UBND tỉnh Sóc Trăng công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông nguy hiểm trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Sạt lở bờ kênh Thạnh Mỹ (huyện Mỹ Xuyên); sạt lở bờ sông Rạch Mọp, sông Saintard, rạch Mây Hắt, rạch Vàm Thép, rạch Mây Hắt (huyện Long Phú); sạt lở bờ sông Hậu, khu dân cư xóm Đáy (huyện Cù Lao Dung); sạt lở bờ sông Mỹ Thanh (thị xã Vĩnh Châu); sạt lở bờ sông trên địa bàn phường 4, phường 8, phường 7 (TP Sóc Trăng); sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện Mỹ Tú, huyện Kế Sách.

Đồng thời, UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình, diễn biến sạt lở và tiến độ khắc phục khẩn cấp sạt lở.

UBND các huyện Mỹ Xuyên, Cù Lao Dung, Long Phú, Mỹ Tú, Kế Sách, thị xã Vĩnh Châu và TP Sóc Trăng có trách nhiệm phối hợp với sở, ngành liên quan triển khai cắm biển cảnh báo, khoanh vùng sạt lở để cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm; lựa chọn đơn vị tư vấn, tổ chức lập phương án xử lý cấp bách; vận động nhân dân di dời đến nơi ở khác (đối với các nhà bị sập và lún),…

Hết bờ biển Tây, Cà Mau lại ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển Đông - 4

Sạt lở bờ sông đe dọa nhà dân ở Sóc Trăng.

Theo nhận định của một số lãnh đạo địa phương, từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình sạt lở diễn ra phức tạp, số vụ xảy ra nhiều và lấn sâu hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân được nhiều người nhận định là do tình hình biến đổi khí hậu, dòng nước ở các sông chảy xiết, có nơi xoáy vào chân đê làm đất ở các khu vực này bị xói mòn dần rồi sạt lở. Ở các con sông lớn lại có nhiều tàu, bè lưu thông cũng gây áp lực đến bờ sông, nhất là các đoạn xung yếu không có bờ kè chắc chắn nên dễ xảy ra sạt lở.

Một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay là tại các địa phương ven sông lại có nhiều nhà sàn, nhà bán kiên cố được người dân xây cất để ở và buôn bán, trong đó có những căn nhà không chắc chắn sẽ có nguy cơ thiệt hại cao khi thiên tai xảy ra.

Theo ông Châu Văn Lâm – Phó Chủ tịch UBND huyện Kế Sách, tỉnh cần sớm có kế hoạch di dời, tái định cư và chống sạt lở bằng bê tông, cốt thép nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản người dân có nhà tập trung ven sông. Ngoài ra, tỉnh cần có quy chế quản lý nhà ở ven sông, kênh, rạch để tránh xảy ra trường hợp xây dựng nhà ở không đảm bảo an toàn.

Ông Lê Văn Hiểu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết các địa phương cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm và tăng cường quản lý nhà nước trong vấn đề xây dựng mới nhà cửa, công trình ở khu vực ven sông.

Huỳnh Hải - Cao Xuân Lương