Hệ thống PCCC của Tân Sơn Nhất quá kém
(Dân trí) - Nhiều họng nước cứu hỏa không có… nước, lực lượng chữa cháy tại chỗ của sân bay được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế ICAO nhưng thiếu chuyên nghiệp nên nguyên nhân vụ cháy thậm chí ngay cả điểm xuất phát cháy hiện vẫn chưa thể xác định được.
Thượng tá Lê Tấn Bửu, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM đã cho biết như vậy về công tác “sơ cứu” đám cháy nghiêm trọng xảy ra tại sân bay Tân Sơn Nhất rạng sáng nay 27/10.
Đám cháy được xác định xảy ra vào lúc 2h50 tại lầu 1 (nhà ga đến trong nước) của Cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Ngay sau đó, lực lượng chữa cháy của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đã phối hợp với Sở Cảnh sát PCCC nhanh chóng tiếp cận vụ cháy.
Thượng tá Lê Tấn Bửu cho biết, theo nhận định ban đầu thì đám cháy diễn ra trong khu vực chờ và khu bán hàng lưu niệm của nhà ga đến, cảng quốc nội. Đám cháy cũng lan ra một số khu vực về phía nhà ga đi và cảng quốc tế.
Đặc biệt là khu vực nhà hàng nằm tại vị trí giáp ranh giữa ga quốc nội đến và ga quốc nội đi có chứa 12 bình ga (loại 48kg/bình), nếu ngọn lửa lan đến đây thì thiệt hại không thể lường hết. Rất may lực lượng chữa cháy đã nhanh chóng phát hiện và khống chế không cho ngọn lửa lan sang phía này.
Ngọn lửa lan về phía cảng quốc tế cũng nhanh chóng bị dập tắt, khống chế không cho lan rộng. Đến 4h13, lực lượng PCCC cơ bản đã khống chế được đám cháy không còn lây lan để chuyển sang bàn phương án dập tắt ngọn lửa.
Khó khăn trong công tác chữa cháy là các họng nước quanh khu vực nhà ga quá ít và nhiều họng… không có nước nên lực lượng PCCC phải lấy nước ở rất xa. Thượng tá Bửu nhận định: “Nếu các họng nước đều hoạt động tốt thì công tác chữa cháy sẽ thuận lợi hơn nhiều và thiệt hại không nhiều đến vậy”.
| |
Sân bay đang tổ chức khắc phục sự cố để trong |
Về lực lượng chữa cháy tại chỗ của sân bay, thượng tá Bửu cho rằng: “Các lực lượng này đều được đào tạo kỹ thuật PCCC theo tiêu chuẩn quốc tế ICAO. Tuy nhiên, do không được cọ sát thực tế nên công tác xử lý chưa chuyên nghiệp. Cái được là phối hợp với lực lượng chữa cháy của sở rất tốt và công tác báo cháy kịp thời…”.
Còn về hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động của nhà ga thì hiện Cảnh sát PCCC đang điều tra xem nó đã hoạt động như thế nào trong khi vụ cháy xảy ra.
Thượng tá Bửu cho biết: “Lực lượng chữa cháy phải dùng phương án 2 mũi giáp công: chữa từ dưới lên và phun nước từ trên xuống. Bởi khu vực nhà ga được bọc kính bít bùng, khói lưu lại bên trong rất nhiều nên việc xác định được đúng vị trí ngọn lửa và dập tắt là hết sức khó khăn”.
Lực lượng chữa cháy đã phải phá nóc và các tầng kỹ thuật cho khói thoát ra, lửa theo đó cũng tuôn ra nên phải huy động xe thang phun nước từ trên xuống mới khống chế được. Đến khoảng 6h sáng nay thì đám cháy được dập tắt hoàn toàn.
“Sở Cảnh sát PCCC vẫn đang tiếp tục phối hợp với Công an TP, Cụm cảng hàng không để điều tra nguyên nhân vụ cháy, ngay cả điểm xuất phát của vụ cháy vẫn chưa xác định được, chỉ mới khoanh vùng được khu vực cháy... Đám cháy thiêu hủy hết khoảng 200 m2 khu vực phòng chờ của nhà ga đến, cảng nội địa, khu vực bán hàng lưu niệm… thiệt hại về vật chất chưa tính toán được nhưng rất may là không có thiệt hại nào về người vì tại thời điểm xảy cháy khu vực này chỉ có nhân viên an ninh sân bay làm việc” - thượng tá Bửu cho biết.
Ngay sau khi ngọn lửa được khống chế, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam đã ra quyết định đóng cửa tạm thời nhà ga trong nước kể từ 5h ngày 27/10. Hoạt động vận chuyển hành khách tại ga hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vẫn diễn ra bình thường.
Còn theo ông Trần Doãn Mậu, Phó Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam: “Hiện đã chuyển hơn 100 chuyến bay đi và tới với khoảng 13.000 - 14.000 lượt khách trong ngày tại ga quốc nội sang ga quốc tế. Bằng mọi cách chúng tôi sẽ nhanh chóng sửa chữa mọi hư hỏng và nếu không có gì phát sinh thì có thể cuối buổi chiều nay sẽ khai thác trở lại ga quốc nội”.
Đoàn Quý - Tùng Nguyên