Hệ thống khai báo y tế của Bộ Công an có gì đặc biệt?
(Dân trí) - Hệ thống phần mềm khai báo y tế của Bộ Công an được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên đảm bảo tính xác thực cao thông tin khai báo của công dân; dữ liệu khai báo được gửi về địa phương.
Liên quan đến hệ thống phần mềm khai báo di chuyển nội địa để phòng chống Covid-19 (kê khai covid) của Bộ Công an, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Đại úy Trần Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư (Bộ Công an).
- Xin ông cho biết, với phần mềm khai báo y tế do Bộ Công an nghiên cứu thiết kế, khi đi vào ứng dụng thực tế sẽ giải quyết được những vấn đề gì đang còn là hạn chế hiện nay?
- Hệ thống ra đời sẽ giải quyết việc ùn tắc tại các chốt kiểm dịch ở các cửa ngõ nhiều thành phố. Bởi, hệ thống này cho phép người dân khai báo trước thông tin cá nhân, thông tin y tế và cho phép người dân xuất/lưu mã QR Code để cán bộ đối chiếu, kiểm tra khi đi qua trạm kiểm soát.
Nghĩa là khi công dân điền đầy đủ thông tin theo hướng dẫn tại địa chỉ website http://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn thông qua điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính... có kết nối internet, hệ thống cho phép xuất/lưu mã QR Code. Khi công dân đi qua các chốt kiểm soát dịch bệnh chỉ cần trình mã QR Code để cán bộ đối chiếu bằng thiết bị "quét" rất nhanh chóng. Mỗi lần hệ thống xuất/lưu mã QR Code có giá trị 72 tiếng, nên việc đi lại của công dân trong bối cảnh dịch bệnh rất thuận tiện và nhanh chóng.
Hệ thống còn góp phần hỗ trợ công tác truy vết y tế nhanh chóng đối với các trường hợp được xác định mắc Covid-19 khi di chuyển trên các phương tiện qua các tỉnh, thành phố thông qua việc kiểm soát lịch trình di chuyển của người bị mắc bệnh trên hệ thống phần mềm.
Ngoài ra, hệ thống được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu người dân khi khai báo sẽ được xác thực, đảm bảo thông tin khai báo là chính xác. Sau đó, thông tin người dân khai báo sẽ được chuyển tới công an cơ sở để nắm được di biến động công dân, qua đó giúp ngành y tế nhanh chóng xác định được số lượng, độ tuổi... những người trong gia đình người mắc Covid-19 có tiếp xúc với người bệnh để lên phương án chủ động cách ly, chữa trị phù hợp.
Các mẫu tờ khai y tế online và giấy cứng hiện nay, sau khi công dân điền đầy đủ thông tin thì không được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên không dám chắc thông tin khai là chính xác. Ngoài ra, những thông tin này không được chuyển về công an cơ sở, nên chính quyền cũng không nắm được di biến động công dân. Nghĩa là thông tin của công dân khai xong không chuyển về cho công an xã/phường, nên họ không nắm được ngày hôm nay có bao nhiêu người từ nơi khác đến địa bàn và bao nhiêu người từ địa bàn đi nơi khác.
Cuối cùng, hệ thống được triển khai tại các cơ sở y tế để nhập thông tin tiêm chủng của công dân, qua đó định hướng được số lượng vắc xin cần nhập và sản xuất. Đồng thời, hệ thống này thống kê được chính xác số lượng công dân tiêm mũi một, mũi 2, phục vụ công tác hoạch định phát triển kinh tế trong và sau dịch bệnh.
- Vì sao trong hệ thống khai báo y tế này, Bộ Công an có thêm nội dung khai báo về địa chỉ thường trú và tạm trú của người dân, thưa ông?
- Việc khai báo địa chỉ thường trú, tạm trú và lưu trú của người dân để quản lý được di biến thông tin cư trú của người dân nhằm phục vụ mục đích xác định nhanh chóng và truy vết người mắc bệnh và F1 (nếu có) của người dân mắc bệnh thông qua công tác quản lý cư trú của Bộ Công an. Qua đó, giúp giảm thiểu các ca lây lan thứ phát trong cộng đồng, đặc biệt đối với các trường hợp người mắc bệnh cố tình khai báo không đúng sự thật thông tin về lịch trình di chuyển và lưu trú của cá nhân.
- Đối với hệ thống này thì phương thức quản lý sẽ được thực hiện như nào, thưa ông?
- Hệ thống được xây dựng và quản lý theo các nghiệp vụ về quản lý cư trú của Bộ Công an nhằm hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi lưu thông qua các trạm kiểm soát y tế.
- Với phương thức quản lý đó thì tính bảo mật dữ liệu thông tin dân cư ra sao? Cũng như khi chia sẻ dữ liệu thì Bộ Công an đã tính toán cụ thể như thế nào?
- Toàn bộ dữ liệu người dân khai báo và dữ liệu dân cư, cũng như lịch sử di chuyển của người dân đều được Bộ Công an đảm bảo tuyệt đối bí mật. Các trường hợp người bị mắc bệnh Covid-19 có lịch trình di chuyển và tiếp xúc phức tạp, khi có yêu cầu của Bộ Y tế, Bộ Công an sẽ phối hợp truy vết y tế để đảm bảo có phương án xác định và cách ly các F1, F2,... kịp thời.
Hệ thống này dùng chung các giải pháp bảo mật của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đã được các đơn vị nghiệp vụ và Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, kiểm tra an ninh, an toàn bảo đảm tính bảo mật thông tin công dân, không để lộ lọt được dữ liệu.
- Được biết, hiện nay hệ thống này đang được Bộ Công an thí điểm tại Hà Nội và Quảng Ninh. Kết quả thực hiện như thế nào và tiến độ nhân rộng thì trung tâm sẽ có những kế hoạch như thế nào để đảm bảo phù hợp với thực tiễn?
- Hiện nay, Bộ Công an đã phối hợp với Công an Hà Nội và Quảng Ninh triển khai thí điểm hệ thống này. Do việc tuyên truyền người dân chưa rộng rãi nên việc kê khai trực tiếp trên website hiện nay chỉ được 329 khai báo, chủ yếu là công dân thực hiện kê khai trực tiếp qua tờ khai y tế là 1.521 tờ khai.
Kế hoạch sắp tới, Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để làm công tác tuyên truyền để người dân nắm được thông tin và thực hiện kê khai trực tiếp trên website.
Qua thực tế sẽ đánh giá và điều hành, nâng cấp các chức năng của hệ thống, phục vụ tiện lợi cho người dân khi kê khai. Chuẩn bị năng lực của hệ thống sẵn khi triển khai trên toàn quốc, đảm bảo tốc độ truy cập khi công dân kê khai trực tiếp.
Xây dựng quy trình thực hiện các trạm kiểm soát để đào tạo cán bộ Công an phối hợp với các đơn vị trong trạm, đảm bảo thuận tiện cho người dân khi qua trạm.
- Xin cảm ơn ông!