Bình Định:

Hệ lụy từ nuôi tôm trên cát: Nguồn nước đang bị đầu độc

(Dân trí) - Những năm gần đây, mô hình nuôi tôm trên cát mới manh nha trên địa bàn xã Cát Hải (huyện Phù Cát, Bình Định). Thế nhưng, chính việc không thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới đời sống người dân xung quanh.

Theo phản ánh của người dân thông Tân Thắng và Chánh Oai (xã Cát Hải, huyện Phù Cát), các hộ dân và doanh nghiệp thuê đất nuôi tôm trên cát đã làm ảnh hưởng đến môi trường, cụ thể là ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân.

Ông Nguyễn Văn Trắp, Phó thôn Chánh Oai, phàn nàn: “Từ năm 2015, giếng nước của gần 300 hộ dân ở 2 xóm Tân Quang và Tân Minh không thể sử dụng để uống và nấu ăn vì bị đục, bốc mùi hôi. Người dân phải đi mua hoặc về các xóm cách xa khu vực nuôi tôm, chủ yếu ở phía Tây tỉnh lộ 639, xin nước sạch về dùng”.

Nuôi tôm trên cát ở xã Tân Thắng và Chánh Oai thuộc xã Cát Hải đang làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh
Nuôi tôm trên cát ở xã Tân Thắng và Chánh Oai thuộc xã Cát Hải đang làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh

Theo phòng Nông nghiệp - môi trường UBND xã Cát Hải, trên địa bàn thôn Tân Thắng và Chánh Oai có 2 hộ gia đình và 1 doanh nghiệp thuê đất để nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích hơn 60 ha, thời hạn từ 20 đến 50 năm. Tuy nhiên, cùng với lợi ích kinh tế thì việc nuôi tôm trên cát còn gây tác động xấu đến môi trường tại địa phương, khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Được biết, cuối tháng 8/2016, Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở TN-MT Bình Định) đã phối hợp với Phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn của Sở TN-MT kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của Doanh nghiệp tư nhân An Kim (thị trấn Ngô Mây) thuê 41,9ha đất vào năm 2003, thời hạn thuê 50 năm để nuôi tôm. Hiện, Chi cục đang hoàn tất các khâu để sớm đưa ra kết quả đánh giá chính xác; căn cứ vào đó sẽ tham mưu cho Giám đốc Sở TN-MT để trình UBND tỉnh xem xét.

Không chỉ nguồn nước sinh hoạt của người dân đang bị ô nhiễm, người dân ở 2 thông Tân Thắng và Chánh Oai cũng rất lo lắng về việc các chủ hồ tôm lợi dụng trời mưa để xả thải ra môi trường. “Người nuôi thường xả nước thải trong ao nuôi ra bàu nước ở phía Đông thôn Chánh Oai. Mỗi lần xả, bao nhiêu chất thải, bùn lắng đều tuồn ra ngoài, bốc mùi hôi thối nồng nặc, ngột ngạt không thở nổi- một người dân thôn Chánh Oai bức xúc.

Người dân phản ánh, các hồ nuôi tôm xả thải bẩn ra môi trường
Người dân phản ánh, các hồ nuôi tôm xả thải bẩn ra môi trường

Ông Lê Văn Diêu, Chủ tịch UBND xã Cát Hải, thừa nhận: “Hoạt động nuôi tôm trên địa bàn ít nhiều làm ảnh hưởng xấu đến môi trường không khí và nguồn nước ở địa phương. Tuy nhiên, ô nhiễm đến mức nào, ra sao thì xã không xác định được. Việc này cần sự vào cuộc kiểm tra, đánh giá của cơ quan chức năng. Để hạn chế ô nhiễm, xã đã nhiều lần phối hợp với ngành chức năng đi kiểm tra, nhắc nhở chủ hồ tôm phải chấp hành việc thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường. Tuy vậy, vẫn có trường hợp lén lút xả nước thải ra ngoài vào đêm tối. Chỉ có điều vì chưa bắt được tận tay, nên chúng tôi chưa có cơ sở để xử phạt”.

Liên quan đến vấn đề trên, đại diện Phòng TN-MT huyện Phù Cát (Bình Định), cho biết: “Qua tiếp xúc cử tri, huyện đã nghe bà con phản ánh các chủ hồ nuôi tôm trên địa bàn thôn Tân Thắng và Chánh Oai gây ô nhiễm môi trường. Sau đó, huyện đã phối hợp với ngành chức năng của tỉnh kiểm tra, nhắc nhở. Các chủ hồ nuôi tôm cũng đã chấp hành, tiến hành xây dựng bể lắng, hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải nhưng khâu xử lý chưa triệt để, làm ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống dân cư. Tuy nhiên, về mức độ ảnh hưởng như thế nào phải đợi kết quả kiểm tra, đánh giá của Sở TN-MT”.

Doãn Công