Hé lộ 4 phương án đường sắt xuyên 6 quốc gia GMS
(Dân trí) - Có 4 phương án vạch tuyến đã được đưa ra bàn bạc về dự án đường sắt xuyên 6 quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mêkông (GMS). Dự án táo bạo này được giới chức các nước kỳ vọng sẽ hoàn thành vào năm 2020.
Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh các nước GMS diễn ra hôm 20/8 tại Hà Nội, 5 nước ASEAN là Campuchia, Lào, Mianmar, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc đã phê chuẩn và ra tuyên bố chung về dự án đường sắt xuyên quốc gia kết nối 300 triệu dân sống quanh dòng sông Mêkông.
Các phương án vạch tuyến được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu những tuyến đường sắt sẵn có, đã được khởi công xây dựng và chưa xây dựng ở từng quốc gia.
Hệ thống đường sắt xuyên quốc gia là cơ sở liên kết các nước GMS phát triển hành lang kinh tế.
Theo nguồn tin riêng của Dân trí, trong chiến lược phát triển dự án đường sắt xuyên quốc gia của GMS, 4 phương án được 6 bên đưa ra bàn bạc như sau:
- Bang Kok (Thái Lan) - Phnom Penh (Campuchia) - TPHCM ngược lên Hà Nội đi Lào Cai (Việt Nam) - Côn Minh (Trung Quốc) + tuyến đường sắt kết nối riêng của các nước.
- Côn Minh - Vieng Chan (Lào) - Phnom Penh - Bang Kok - TPHCM + tuyến đường sắt kết nối riêng của các nước.
- Côn Minh - Vieng Chan - Bang Kok - Phnom Penh - TPHCM + tuyến đường sắt kết nối riêng của các nước.
- Côn Minh - Rangoon (Mianmar) - Bang Kok - Phnom Penh - TPHCM + tuyến đường sắt kết nối riêng của các nước.
Trong những phương án vạch tuyến trên, phương án tuyến Bang Kok - Phnom Penh - TPHCM, Hà Nội đến Côn Minh của Trung Quốc được giới chức của 6 quốc gia GMS đánh giá là khả thi nhất.
Tuy nhiên, theo kế hoạch được phê chuẩn, thực hiện theo phương án vạch tuyến 1 thì khuyết đoạn duy nhất là đoạn nối TPHCM và Phnom Penh có phí hoàn thành ước tính lên tới 1,09 tỷ USD, con số này chưa bao gồm thêm khoảng 7 tỷ USD cho việc nâng cấp các tuyến đường sắt hiện tại.
Một quan chức của Bộ Giao thông - Vận tải cho biết: “Tổng số vốn đầu tư xây dựng tuyến đường sắt xuyên 6 quốc gia tiểu vùng sông Mêkông lên tới hàng chục tỷ USD. Phê chuẩn dự án này là thể hiện sự tin tưởng, sự ổn định và sự đồng thuận, quyết tâm về chính trị, an ninh quốc phòng của từng nước. Hệ thống đường sắt xuyên quốc gia sẽ là cơ sở liên kết các nước GMS phát triển hành lang kinh tế”.
Cũng theo ông này, ưu điểm của dự án là mang lại rất nhiều thuận lợi về vận tải, đặc biệt là vận tải bằng đường sắt qua biên giới, chi phí vận tải đường sắt thấp hơn so với chi phí vận tải đường bộ, nâng cao hiệu quả của tuyến đường sắt liên vận quốc tế của Việt Nam sang Trung Quốc, hiệu quả kinh tế cao và thân thiện với môi trường. GMS tiến tới không vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ để đảm bảo an toàn và giảm chi phí vận tải.
Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi thì việc thực hiện dự án gặp phải rất nhiều khó khăn cần bàn tính như: chi phí xây dựng tốn kém (chi phí xây dựng 1 km đường sắt gấp 3 - 4 lần đường bộ và đặc biệt đắt đỏ khi đường sắt chạy qua cầu cạn, trên núi - PV); khả năng thu hồi vốn lâu dài; khó khăn trong thu hút vốn đầu tư; sự thống nhất giữa các nước về tiêu chuẩn đường, tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ, quy chế vận hành và khai thác, an toàn chạy tàu, các ga ở biên giới…
Được biết, dưới sự bảo trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ngày 6/9 tới đây sẽ diễn ra cuộc họp về chiến lược hợp tác giữa GMS và Hàn Quốc, Nhật Bản. Tiếp đó, GMS sẽ tổ chức diễn đàn về giao thông vào đầu tháng 10 để bàn về kết nối đường sắt, thu hút đầu tư và hỗ trợ dự án, đồng thời kêu gọi các nước GMS đưa dự án này vào chiến lược quốc gia.
Với mục tiêu đề ra, giới chức các nước GMS kỳ vọng đến năm 2020 sẽ hoàn thành dự án táo bạo này.
Quỳnh Anh