1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

TPHCM:

Hậu quả triều cường lớn vì “lười” gia cố đê bao

(Dân trí) - Đợt triều cường cuối tháng 10 ở TPHCM đã gây sạt lở hơn 30 vị trí bờ bao, thiệt hại hàng tỷ đồng. Dự báo từ nay đến trước Tết Âm lịch, TP còn phải chịu 6 đợt triều cường với đỉnh triều cao. Trong khi đó, kinh phí được TP cấp để duy tu bờ bao ở nhiều quận vẫn còn tồn hàng tỷ đồng.

UBND TP vừa chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung thực hiện công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả triều cường. Theo đó, Ban quản lý Dự án chuyên ngành giao thông - thủy lợi phải khẩn trương thi công các công trình thủy lợi, bờ bao trọng điểm nhưng không được để xảy ra tình trạng ngăn dòng, làm hẹp dòng chảy tiêu thoát nước. Đồng thời công tác duy tu và sữa chữa, nâng cấp công trình cũng phải xem xét lại, kịp thời khắc phục sự cố khi xảy ra.

 

Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão TPHCM thì nguyên nhân của tình trạng vỡ đê bao khi triều cường chủ yếu là do các công trình đê bao ngăn triều, thủy lợi không được các địa phương thường xuyên gia cố, sửa chữa mặc dù mỗi năm TP vẫn cấp cho các địa phương hàng tỷ đồng để làm việc này.

 

Nhiều địa phương được cấp kinh phí cũng để đó, không sử dụng. Từ năm 2001 đến 2006 đã có đến 10 đơn vị, quận - huyện không sử dụng hết kinh phí do TP cấp để duy tu, tôn tạo các công trình bờ bao; trong đó, quận 8 còn tới hơn 2 tỷ, quận 9 là 1,3 tỷ, quận 12 là hơn 1,9 tỷ, quận Thủ Đức gần 1,3 tỷ,...

 

UBND TP chỉ đạo: Trước mỗi đợt triều cường, UBND các quận - huyện phải chủ động kiểm tra, lập phương án gia cố các bờ bao xung yếu trên địa bàn. UBND các phường - xã - thị trấn phải thành lập lực lượng xung kích tại chỗ để tăng cường khả năng ứng phó khi tình trạng sạt lở xảy ra. Xây dựng đại trà các bờ bao theo phương án mẫu thiết kế mặt cắt định hình (đã thực hiện thí điểm đạt kết quả tại quận Thủ Đức).

 

Ngoài ra, UBND các cấp trực tiếp làm việc với các chủ đất bỏ hoang, đất dự án chưa xây dựng kết cấu hạ tầng. Yêu cầu họ phải có trách nhiệm đầu tư, đóng góp cùng với chính quyền, nhân dân địa phương để kịp thời xây dựng, gia cố bờ bao đảm bảo an toàn khi có triều cường. 

 

Ngành Y tế TP cũng được chỉ đạo chú ý đến công tác xử lý môi trường khu dân cư, ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát sau các đợt ngập úng do triều cường. Đặc biệt là bệnh tiêu chảy cấp hiện đang diễn biến phức tạp. Ngoài ra, chính quyền địa phương phải có chính sách hỗ trợ các gia đình thuộc diện chính sách, nghèo khó bị ảnh hưởng do ngập úng tùy điều kiện hoàn cảnh.

 

Tùng Nguyên