Hầu hết các vụ tham nhũng lớn đều liên quan đến doanh nghiệp
(Dân trí) - Tham nhũng làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp vì nó gây cản trở và mất cơ hội khi giải quyết công việc, giá thành bị đội lên. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi.
Thạc sỹ Nguyễn Tuấn Khanh - Viện Khoa học thanh tra - khẳng định như vậy tại Diễn đàn “Luật phòng chống tham nhũng và việc thực thi pháp luật của doanh nghiệp” do CLB Pháp chế doanh nghiệp (Bộ Tư Pháp) phối hợp cùng Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) tổ chức.
Theo ông Khanh, có 3 dạng tham nhũng có khả năng xảy ra và liên quan đến doanh nghiệp. Thứ nhất là tham nhũng phát sinh trong mối quan hệ giữa các doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các yêu cầu của doanh nghiệp.
Theo đó, những người có chức vụ, quyền hạn thường có các hành vi nhũng nhiễu như: cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc; Không có hướng dẫn cụ thể, cố tình soi xét, bắt lỗi; Bám các quy định không rõ ràng để bắt lỗi doanh nghiệp; Hù doạ, gây sức ép…
Đi kèm với các hành vi này, người có chức vụ, quyền hạn có thể gợi ý trực tiếp thông qua người khác hoặc yên lặng để nếu doanh nghiệp muốn được việc thì phải đưa hối lộ. Việc các doanh nghiệp chấp nhận yêu cầu trái pháp luật của cá nhân có trách nhiệm giải quyết thực chất là cách xử sự có tính chất hối lộ.
Thứ hai là tham nhũng phát sinh khi có sự câu kết giữa các doanh nghiệp với người có chức vụ, quyền hạn của khu vực công. Hình thức chủ yếu là sự thoả thuận giữa doanh nghiệp với người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực công để doanh nghiệp giành được lợi thế cạnh tranh bất hợp pháp hoặc thông qua các hợp đồng được ký kết giữa doanh nghiệp với cơ quan, tổ chức để chiếm đoạt tài sản công.
Thứ ba là tham nhũng phát sinh trong bản thân hoạt động của doanh nghiệp. Đáng chú ý là hành vi gửi giá vào các hợp đồng ngoại thương để ăn chia với các đối tượng phạm tội ở trước ngoài. Nhận hối lộ của các đối tượng ở nước ngoài để nhập các thiết bị, máy móc, lạc hậu, kém chất lượng.
Câu kết, móc nối với nhân viên hải quan để buôn bán hàng cấm hoặc khai man số lượng hàng xuất, nhập khẩu. Đưa ra thông tin sai lệch về tình hình tài chính để mua bán cổ phiếu thu lợi bất chính, sử dụng thông tin nội gián để vơ vét, đầu cơ cổ phiếu…
Thực tế cho thấy, tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp. Ngay trong báo cáo đầu tiên các cơ quan bảo vệ pháp luật về việc thực hiện Lụât phòng chống tham nhũng thì đã có tới 13/14 vụ tham nhũng lớn nhất bị phát hiện, xử lý có liên quan đến doanh nghiệp.
Theo ông Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, một trong những khó khăn, vướng mắc dẫn tới để xảy ra tình trạng tham nhũng như hiện nay chính là doanh nghiệp chưa hiểu thật đầy đủ các quy định của luật. Nhưng cũng có những trường hợp bất chấp các quy định của pháp luật, doanh nghiệp tìm mọi cách để tạo thuận lợi trong kinh doanh qua các mối quan hệ, quen biết.
“Bây giờ luật đã quy định rõ ràng, vấn đề là cần phải thực hiện cho nghiêm thì mới có kinh doanh trong sạch, cạnh tranh lành mạnh trong các doanh nghiệp”, ông Tụng kết luận.
Lan Hương