Quảng Trị:
Hậu Formosa, ngư dân phấn khởi bước vào vụ đánh bắt đầu năm
(Dân trí) - Sau một thời gian dài chìm trong ảm đạm, giá thủy sản “tụt dốc”, tâm lý tiêu dùng lo ngại do ảnh hưởng nghiêm trọng của sự cố môi trường biển, ngư dân Quảng Trị nay lại hối hả ra khơi, kỳ vọng vào vụ đánh bắt đầu năm mới được đầy khoang.
Trở lại vùng biển những ngày đầu năm mới Đinh Dậu 2017, chúng tôi - những người đã từng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc vui-buồn-trăn trở cùng ngư dân các tỉnh miền Trung khi thảm họa môi trường do Formosa gây ra khiến hàng vạn ngư dân, lao động biển điêu đứng - đã cảm thấy ấm lòng hơn với khí thế mới đầy hứng khởi nơi đây.
Những con thuyền phấn khởi ra khơi
Sau mấy ngày nghỉ Tết dương lịch, ngư dân tại nhiều địa phương tỉnh Quảng Trị bắt đầu sửa sang lại thuyền, lưới để chuẩn bị ra khơi. Chia sẻ với PV Dân trí trước khi lên tàu, nhiều ngư dân bày tỏ quyết tâm bám biển, hy vọng việc đánh bắt trong năm mới gặp nhiều thuận lợi, đời sống ổn định và tươi sáng hơn.
Tại cảng Nam Cửa Việt, con tàu mang số hiệu QT-99001 TS của ngư dân Trương Thanh Định (thôn Xuân Ngọc, xã Gio Việt, huyện Gio Linh) đang neo đậu. Gần giữa tàu là cột cờ cao sừng sững, tung bay phấp phới, lá cờ cũng vừa được anh Định thay mới. Gần chục thuyền viên đang chuẩn bị ngư lưới cụ để chuẩn bị ra khơi.
Anh Định cho biết, mấy tháng trước đó, việc đánh bắt chỉ cầm chừng do hải sản gần bờ bị cạn kiệt, giá cả sụt giảm, tâm lý người tiêu dùng còn lo ngại, nhưng thời gian gần đây, anh và các thành viên trên tàu đã trở lại đánh bắt bình thường. Tàu anh có công suất khoảng 430 CV, thường đánh bắt vùng khơi từ 100-150 hải lý trở ra.
“Nếu không có vấn đề gì thì ngày mai chúng tôi sẽ dong thuyền ra khơi đánh bắt. Thời điểm này thì chủ yếu đánh bắt cá cơm, cá nục, cá ngừ. Hy vọng chuyến biển đầu năm này gặp được nhiều thuận lợi, may mắn, thuyền sẽ đầy ắp cá trở về”, anh Định bày tỏ.
Thời gian xảy ra sự cố cá chết, thuyền của anh Định cũng như bao ngư dân khác đều rơi vào tình trạng bị lỗ vốn. Nhiều chuyến đi biển hải sản thu được không đủ bù đắp các chi phí và chia cho anh em trên tàu. Thậm chí, có thời điểm giá hải sản bị sụt giảm xuống còn một nửa, khiến cuộc sống của mọi người gặp nhiều khó khăn.
Đang cùng một số anh em thuyền viên xếp lưới lên tàu, thuyền trưởng Nguyễn Văn Hùng (thôn Phú Hội, xã Triệu An) cho hay: “Chúng tôi chuẩn bị ra biển để đánh bắt cá thu. Mong là chuyến biển đầu năm được thuận lợi và gặp mọi điều may mắn”. Đưa mắt hướng ra phía cửa biển Cửa Việt, những con tàu công suất lớn nhả khói trắng, rẽ sóng ra khơi. Đấy là một tín hiệu vui cho thấy, dù đã trải qua nhiều khó khăn nhưng ngư dân Quảng Trị luôn quyết tâm bám biển và đã sẵn sàng bước vào vụ đánh bắt mới.
Ngược về xã biển Gio Hải, nơi có đông đảo ngư dân khai thác vùng lộng, chúng tôi cũng nhận thấy không khí hối hả của ngư dân chuẩn bị thuyền để ra khơi đánh bắt. Gặp chúng tôi, lão ngư Hoàng Văn Phiến cho biết, mấy ngày trước cũng đã đi biển và đánh bắt được một ít cá khoai. Tuy nhiên, do thời tiết xấu nên bị ngưng lại mấy ngày. Nay tranh thủ trời tạnh ráo biển yên trở lại nên chúng tôi chuẩn bị thuyền để ra biển trở lại.
Nguồn động viên, khích lệ đối với ngư dân các địa phương là UBND tỉnh Quảng Trị đã kịp thời cấp số tiền hơn 280 tỷ đồng, trong tổng số tiền 500 tỷ đồng Trung ương phân bổ đợt 1 để bồi thường cho các đối tượng ngư dân, lao động biển và người nuôi trồng thủy sản… bị ảnh hưởng do sự cố Formosa. Từ số tiền này, ngư dân đã sử dụng một cách hữu ích để đầu tư nâng cấp lại tàu, thuyền, mua sắm ngư lưới cụ, phương tiện sản xuất nhằm đảm bảo sinh kế, ổn định đời sống.
Ngư dân Nguyễn Xuân Chiến, khu phố Quang Hải, thị trấn Cửa Tùng cho biết, cách đây mấy ngày ông ra khơi đánh bắt ở vùng biển khoảng 6 hải lý. Chỉ trong ngày nhưng thủy sản đánh bắt được bán ra gần 5 triệu đồng, trừ chi phí ông Chiến thu được khoảng 3 triệu đồng.
Tàu mới sẽ vươn được khơi xa!
Từ lúc xảy ra sự cố cá chết, ngư dân Trần Hồng Lĩnh (SN 1983, trú tại huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) cũng úp thuyền trên bờ và không ra khơi. Để đảm bảo cuộc sống tương lai, anh Lĩnh đã mạnh dạn nâng cấp thuyền từ 10 CV lên thành 45 CV. Đến nay, thuyền đã hoàn thành và đi biển trở lại cách nay chưa đầy 1 tuần với 2 chuyến.
Hai chuyến đi biển nhưng như lời anh Lĩnh nói, là chuyến đi đầy hy vọng, đem lại niềm tin cho anh cũng như các bạn thuyền: “Chúng tôi bủa lưới bắt cá khoai. Bất ngờ là mới đầu vụ nhưng cá khoai rất nhiều, dự báo năm nay nhiều hơn năm trước. Bắt được cá rồi thì lo giá cả rẻ rúng, nhưng không ngờ được thu mua cao, không có cá mà bán thôi”, anh Lĩnh vui mừng.
Hai chuyến ra khơi xa nhất chưa đến 6 hải lý, mỗi chuyến vài giờ đồng hồ nhưng anh Lĩnh đã thu về hơn 10 triệu đồng từ số cá khoai đánh bắt được. Mới đầu vụ và thời tiết không tốt cho lắm, nhưng vẫn bắt được cá khoai, biết tin này ngư dân nào cũng rạo rực.
Chúng tôi tiếp tục trở lại vùng biển bãi ngang Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, nơi đa số người dân đánh bắt vùng lộng và lâm vào tình thế khó khăn khi xảy ra sự cố cá chết. Nhiều tháng liền ngư dân phải úp thuyền nằm bờ, nhưng nay đã có sự thay đổi tích cực hơn. Dọc bãi cát dài, các ngư dân đã di chuyển thuyền về mép biển để hoạt động đánh bắt trở lại. Đặc biệt, khi nhận được tiền đền bù, một số ngư dân đã nâng cấp, sửa sang lại thuyền để chuẩn bị bước vào đợt đánh bắt mới.
Bao năm sống nhờ biển, thế nhưng từ sau khi xảy ra hiện tượng ô nhiễm môi trường, cuộc sống của gia đình anh Nguyễn Văn Quảng (thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh) lâm vào khó khăn. Được tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn, anh Quảng mạnh dạn vay 50 triệu đồng để hùn với một người bà con mở xưởng đóng tàu Caboxit. Đến nay, xưởng đóng tàu của anh đã sản xuất được 30 chiếc thuyền, trung bình mỗi chiếc có giá từ 25-50 triệu đồng, thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, anh tạo công ăn việc làm cho 10 lao động thường xuyên khó khăn trong xã.
Anh Quảng cho biết, so với loại thuyền nan mà ngư dân địa phương đang sử dụng bấy lâu thì thuyền vật liệu Caboxit có độ bền cao hơn khoảng 15 năm, gần như gấp đôi, trong khi giá thành lại không chênh lệch bao nhiêu.
Tại xã Vĩnh Thái hiện có trên 10 chiếc thuyền được đóng bằng vật liệu Caboxit và đã phát huy hiệu quả. Khi nhận được tiền đền bù vụ Formosa, một số ngư dân các địa phương đã đến đặt hàng đóng tàu tại cơ sở của anh. Chỉ một thời gian ngắn nữa, hơn 10 chiếc thuyền tại cơ sở của anh sẽ hoàn thành và bàn giao cho ngư dân đưa vào sử dụng. Với những ưu điểm vượt trội của thuyền vật liệu mới, việc đánh bắt của ngư dân sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn trước.
Đăng Đức