Hào hùng lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung
(Dân trí) - Sáng qua 28/8 (nhằm ngày 29/7 năm Tân Mão), hàng trăm người dân cùng khách thập phương đã hội tụ về Đền Quang Trung trên đỉnh núi Dũng Quyết (TP Vinh, Nghệ An) tham dự lễ giỗ lần thứ 219 của vị anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Lễ tế Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Cách đây 219 năm, vào ngày 29/7 năm Nhâm Tý (1792), Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ đột ngột qua đời để lại sự nghiệp binh đao đang dang dở. Cuộc đời vị anh hùng áo vải quê gốc dòng họ Hồ của huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), sinh ra và lớn lên ở vùng đất võ Bình Định, tuy ngắn ngủi nhưng hết sức vẻ vang, oanh liệt.
Lịch sử đấu tranh xây dụng và bảo vệ Tổ quốc ghi nhận ông là một trong những lãnh đạo chính trị tài giỏi với nhiều cải cách xây dựng đất nước, quân sự xuất sắc với những trận đánh nội chiến và chống ngoại xâm bất bại.
Màn trống hội tái hiện khí thế ra trận của Nghĩa quân Tây Sơn
Cùng với hai người anh là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và nghĩa quân Tây Sơn, Nguyễn Huệ đã góp công rất lớn trong việc lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài giữa 2 tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn ở 2 miền đất nước. Với tài năng quân sự kiệt xuất, Nguyễn Huệ đã lãnh đạo nhân dân đánh bại các cuộc xâm lược Đại Việt của Xiêm La (tức Thái Lan ngày nay) từ phía Nam và quân Thanh (Trung Quốc) từ phía Bắc với đại thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tết Kỷ Dậu 1789. Đồng thời ông cũng là người đề ra nhiều kế hoạch cải cách tiến bộ, chấn hưng đất nước, phát triển văn hóa, giáo dục...
Biểu diễn võ thuật của các môn sinh phái Nhất Nam
Sau 20 năm liên tục chinh chiến và trị quốc, Nguyễn Huệ lâm bệnh và đột ngột qua đời ở tuổi 40.
Trong lễ giỗ lần thứ 219, ngoài việc ôn lại chặng đường vẻ vang oanh liệt của Quang Trung - Nguyễn Huệ, khí thế hào hùng ngày ra trận cũng được tái hiện qua màn trống hội và biểu diễn võ thuật của phái Nhất Nam trường ĐH Vinh. Đây là dịp để người dân Phượng Hoàng Trung Đô và du khách thập phương tỏ lòng ngưỡng mộ, tôn kính và tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn của vị anh hùng áo vải trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hoàng Lam