1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hành trình trở lại bệnh xá Đặng Thùy Trâm

(Dân trí) - Chiến tranh đã qua lâu rồi. Đường về Đức Phổ không còn dấu vết của bom đạn. Nhưng với những nhân chứng sống của cuộc chiến 35 năm trước thì tất cả vẫn hiển hiện rõ ràng như mới ngày hôm qua. Trong ký ức của họ, chiến tranh gắn liền với bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm, người con gái Hà Nội bất tử với cuốn nhật ký mới trở về sau 35 năm lưu lạc trên đất Mỹ.

Trạm y tế xã Phổ Cường (Đức Phổ - Quảng Ngãi) nằm ngay đầu con đường nhựa rẽ từ Quốc lộ 1A vào làng, đối diện với hai ngôi trường cấp I và cấp II mới xây khang trang. Lũ trẻ làng hồn nhiên sống, lớn lên trong ký ức chiến tranh hiển hiện của cha mẹ, ông bà.

 

Phổ Cường - cái bàn đạp ác liệt giao giữa vùng chiến trận và hậu phương 35 năm về trước. Phổ Cường - túi bom của miền Trung cùng với những địa danh đã trở thành nỗi ám ảnh suốt cả thời hậu chiến: Mĩ Lai, Bình Sơn, Núi Thành. Bọn trẻ chưa chắc đã hiểu rõ nguồn gốc “bài thuốc cô Trâm” mà mỗi gia đình Phổ Cường hiện nay vẫn dùng lại là một phần ký ức sống động về cuộc chiến của thế hệ ông cha chúng, cho tới khi cuốn “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” được người người biết đến. Khi đó, những cái tên, những nhân vật thương yêu trong cuốn nhật ký hầu hết đã nằm xuống.

 

Nghĩa, Thường, Thuận, anh Tự, anh Tân, chị Liên, chị Lãnh... lần lượt hi sinh không phải trong cuốn nhật ký thì trong những năm tháng ác liệt kéo dài của cuộc chiến tranh sau này. Nhưng cũng còn những người đến được ngày hoà bình, giải phóng và hiện vẫn sống, cuộc sống yên lặng, bình dị chốn quê nghèo Phổ Cường, với ký ức sôi sục chưa một phút ngủ yên.

 

Vân - “người bạn gái thuỷ chung” Đặng Thuỳ Trâm nhiều lần thầm gọi giờ đã là bà lão xấp xỉ 70 sống tại xã Phổ Khánh. Chị Cho, xã dội phó về hưu vẫn sống trong ngôi nhà cũ với con cháu. Thường - “đứa em ngoan ngoãn” dịu hiền” của “chị Trâm” thoát khỏi nhà tù đế quốc sau giải phóng, giờ là Phó chủ tịch MTTQ tỉnh Quảng Ngãi, sống xa Đức Phổ 30 km. Và mấy chục “học sinh” của bác sĩ Trâm trong lớp y tá năm xưa giờ chỉ còn 3 người sống sót: Tạ Thị Mộng (Phổ Khánh), Tạ Thị Lợi (Thanh Sơn) và Tạ Thị Ninh (Phổ Cường). Chỉ còn chị Ninh vẫn làm việc tại trạm xã xá Phổ Cường. “Chúng tôi đã có một thời sống đẹp” - chị cười, đôi mắt hoang vắng vẫn chưa thoát khỏi miền ký ức khi câu chuyện quá khứ về “chị Trâm” đã kể hết.

 

Ấn tượng buổi gặp gỡ đầu tiên về cô gái Hà Nội nhỏ bé, trắng xinh là sự vồn vã và tình thương của tất cả mọi người dành cho người thiếu nữ kì lạ với ước vọng “vào đây chia lửa với đồng bào miền Nam”. Ngôi nhà gỗ mái tranh của ông bà nội chị Ninh tràn những ánh mắt trìu mến đón cô thiếu nữ giọng thanh ngọt, vóc người nhỏ thó, mái tóc uốn xoăn bồng ghim mấy chiếc kẹp Hồng Hà. “Ôi, con gái, làm sao con chịu nổi gian khổ, ác liệt của mảnh đất đang tranh chấp, giành giật từng chút này” - bà nội Ninh xót xa, ve vuốt Trâm đôi mắt đỏ hoe, rơm rớm khi mọi người hỏi thăm về mẹ, về Hà Nội của cô.

 

Hành trình trở lại bệnh xá Đặng Thùy Trâm - 1

Y tá Tạ Thị Ninh hiện vẫn làm việc tại bệnh xá xã Phổ Cường.

Vậy mà cô gái mảnh mai ấy vẫn vững vàng, điềm tĩnh hoà mình vào cuộc chiến, học từ cách cột võng đến cách kết lá nguỵ trang trong tiếng máy bay gầm rú, quần đen như đám ruồi phía trên quê hương Đức Phổ bị đốt phá trống trơn. Tạ Thị Ninh ngày ấy trở thành du kích xã khi mới 17, sau khi được thử thách qua suốt mấy năm tuổi thơ làm liên lạc cho “cộng sản”. Không biết “cộng sản” là gì mà “bảy người đu không gãy một tàu đu đủ”, chỉ biết ngày ngày mang nắm cơm giấu tài liệu vào rừng chăn trâu cho mấy “ông” khi thì ở trên núi Dâu, khi thì ngồi ngay trong cót thóc nhà mình.

 

Du kích Ninh và  “chị Trâm Hà Nội” đã chiến đấu chung một chiến hào khi cô được cử đi học lớp y tá do chị Trâm giảng dạy. Bệnh xá dân sự nhưng nằm dưới chân núi Dâu, gần khu chiến tuyến, chủ yếu tiếp nhận thương binh từ tuyến trên. Người bác sĩ xoay trần một tay lo từ việc phụ trách bệnh viện tới lớp y tá, lại thêm cả nỗi lo cuộc sống, miếng ăn, thức uống cho thương binh.

 

Có lần máy bay địch phát hiện “cộng sản” vào nhà Ninh, bọn “chó săn” nhào xuống, quần đảo trên nóc công sự, toàn bộ mái gianh bị cánh quạt thổi bay, hở ngoác, nòng súng máy đen ngòm chĩa xuống gầm gừ, lục lọi. Ninh giương súng ngắm, chị Trâm chẹn tay vào họng súng ngăn Ninh bắn hai “bà già” vì sợ máy bay oanh tạc nhà dân. Đến khi hai chiếc máy bay hậm hực lượn đi, chị Trâm mới xách súng chạy theo du kích tiêu diệt địch.

 

Cô học trò “chị Trâm” xưa thoáng quay đi, giấu đôi mắt ầng ậng nước, nhớ lại một thời đoạn khó khăn mà tình nghĩa sâu nặng những ngày theo học lớp y tá tại khu bệnh xá dưới chân núi Dâu. Thiếu thốn. Đến băng gạc cũng thiếu thốn. Phải giặt, dùng lại băng gạc cũ. Cô bác sĩ trẻ điềm nhiên sục tay vào chậu băng ngấy bẩn, không một thoáng cau mày. Cả đám “học trò” thoáng rùng mình, cười méo xệch, nhắm mắt làm theo. Những “bài thuốc cô Trâm” như giã đọt chuối non để cầm máu, đun lá trầu không để rửa vết thương gắn bó với người dân Phổ Cường từ những năm tháng khó khắn, ác liệt ấy.

 

“Chỉ thương chị ấy nhạy cảm và nhiều tâm sự riêng, hay khóc thầm bên giếng nước phía hông nhà, cố giấu đôi mắt đỏ hoe. Anh Thuận là người hiểu và thương chị nhiều, cũng là người chị chia sẻ từ nỗi nhớ nhà, nhớ quê tới nỗi sợ hãi, dằn vặt nơi chiến trường. Tôi không biết những tâm sự thầm kín ấy chị gửi cả vào nhật ký” - người y tá già giọng trùng xuống, mắt nhìn hoang vắng một miền ký ức sống động, nghẹn ngào.

 

Hành trình trở lại bệnh xá Đặng Thùy Trâm - 2

Núi Dâu (phía xa) - vị trí của bệnh xá Đặng Thùy Trâm xưa, từng là túi bom khu du kích Ba Tơ.

Hành trình trở lại bệnh xá Đặng Thùy Trâm - 3


35 năm sau, Đức Phổ đang hồi sinh sau cuộc chiến.

 

Hoà bình lập lại, chiến tranh đi qua, rồi đất nước chuyển mình đổi mới… những con người của thế hệ ấy vẫn sống với phần hồi ức thiêng liêng của thế hệ mình. Mỗi lần ra giếng xách nước lại như soi thấy cả bầu trời, không gian Đức Phổ những ngày ác liệt mà bển bỉ một sức sống, một tình yêu rộng rãi, độ lượng giữa người với người.

 

Làng xóm thực ra vẫn thế, người y tá già nhớ từng khúc quanh, từng gốc cây bị đốn chặt trong con ngõ dẫn vào nhà mình, ngôi nhà ba đời giấu cộng sản, làm cách mạng. Núi Dâu, núi Lớn, con đường rừng ngoằn dẫn tới khu bệnh xá xưa cũng vẫn vậy. Chỉ có cánh đồng, những nếp nhà yên bình nép dưới bóng dừa và sự sống lên xanh che phủ những mảng trống lốc, hốc hác của vùng chiến địa là khác xưa. Sức sống thầm lặng và bền bỉ của đất, của người.

 

Bây giờ, người làng nhìn thấy Phổ Cường trong những đứa con chào đời, trưởng thành từ những năm 69, 70 ác liệt nhất ấy, những đứa trẻ ra đời trên bàn tay đầy yêu thương của người thiếu nữ Hà Nội mang tên Đặng Thuỳ Trâm.

 

Phương Thảo