Hành trình tìm công lý của mẹ cô gái bị tù oan 4 năm
“Lúc em tuyệt vọng nhất là lúc gia đình luôn ở bên em. Mẹ đã giúp em tìm lại được cuộc sống của mình”. Mẹ là người đầu tiên Trương Thị Kim Hoàn nhắc tới trong niềm vui được TAND quận 1 - TPHCM chính thức xin lỗi vì đã kết án oan.
Chiều ngày 6/1, nét mặt rạng rỡ, Hoàn không giấu nổi sự xúc động sau khi nhận lời xin lỗi từ phía TAND quận 1. Kể từ ngày vụ án xảy ra đã 5 năm, còn cô phải ngồi tù hơn 4 năm do những sai sót của cơ quan tố tụng.
Nhớ lại những ngày dài trong vòng lao lý. Cô tâm sự: “Những ngày đầu bị bắt vào trại tạm giam lạnh lẽo lắm chị ạ. Ở đó, em khóc suốt, vừa sợ, vừa nhớ nhà, nhớ mẹ, xung quanh toàn người lạ mà thấy sợ lắm.
Lúc ấy em mới 20 tuổi, từ nhỏ tới lớn chưa xa gia đình bỗng dưng lại vào tù. Em chẳng biết ma túy là gì mà lại bị bắt tội. Tòa xử, em kêu oan song gia đình không am hiểu pháp luật nhiều nên có lúc cũng nản định thôi.
Niềm tin vào sự trong sạch của con và tình yêu của người mẹ đã giúp bà Nở đòi lại được công lý cho con.
Tại buổi làm việc mà TAND quận 1 tổ chức công khai xin lỗi con gái, bà Nguyễn Thị Nở (SN 1950, mẹ của Hoàn) không có mặt vì bận chăm sóc cháu ngoại mới chào đời. Dù vậy, câu chuyện về hành trình đi tìm công lý cho con, bà đã kể cho tôi nghe rành rẽ trong một lần gặp trước đó.
Vào một buổi chiều, sau khi biết tin cơ quan chức năng đã đình chỉ vụ án, tôi tìm đến gặp bà. Trong căn nhà xập xệ, chật chội nằm sâu cuối hẻm 100 đường Cô Bắc, phường Cô Giang, quận 1, Hoàn cùng mẹ hồ hởi chào đón tôi. Không mất nhiều thời gian, bà chia sẻ niềm vui khi con gái trở về.
Bàn tay gân guốc, gầy nhẳng nhẹ nhàng nắm tay cô con gái, bà nói: “Tôi mừng lắm, thế là không bõ công tôi bao nhiêu năm đi khắp nơi để kêu oan cho con”.
Khi được hỏi “sao bác tin con mình vô tội?”. Bà ngậm ngùi: “Ngày ấy con tôi mới 20 tuổi, cả đời nó có xa ba mẹ bao giờ đâu? Dù nhà nghèo khổ, đói rách nhưng tôi có thể làm đủ mọi nghề để nuôi con, miễn là làm ăn lương thiện. Nhiều đêm tôi thức trắng nghĩ dại hay con mình buôn ma túy thật nhưng lại thấy tiền nó không có một đồng, hỏi con thì kiên quyết nói không nên tôi tin…
Trong giấc ngủ tôi cũng chập chờn thương nhớ con. Tôi quyết tâm sẽ gõ cửa khắp nơi để kêu oan cho con mình. Lúc đầu đến các cơ quan thì chỗ này chỉ chỗ kia, bữa nay hẹn đến lại hẹn bữa mai, đi mãi, đi mãi 4 năm trời cũng mệt lắm nhưng tôi không nản. Tôi tin con tôi vô tội thì sẽ được giải oan. Tôi có biết gì về pháp luật đâu, viết lá đơn dòng chữ cũng méo mó”.
Theo tinh thần cải cách tư pháp, việc không xét xử oan sai, không bỏ lọt tội phạm là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của các cơ quan tư pháp. Trong trường hợp xét xử oan sai phải tiến hành xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại cho công dân vô tội. |
Với trình độ chưa hết tiểu học, người mẹ này đã lên phường mượn cuốn sách Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự về đọc và nghiền ngẫm thay con. Mỗi lần bà mượn về đọc hai tuần, ngày thì đi kêu oan, đi liên hệ thăm nuôi con, đêm về lại đọc. Đọc mãi, đọc riết thành ra giờ đọc viết thông thạo, thuộc lòng cả một số điều luật….
Hành trình kêu oan cho con cứ thế được bà kể ra rành mạch, nước mắt lăn dài trên gương mặt. Nhiều bữa trời mưa bão, người ta hẹn gặp bà cũng đội mưa tới, không dám lỡ hẹn vì sợ người ta đổi ý. Có hôm không còn tiền đi xe buýt, bà lại đi bộ cả mấy cây số. Tình thương con, hi vọng con được giải oan giúp bà quên mọi mệt nhọc.
Kết thúc câu chuyện, bà Nở gạt nước mắt cười mãn nguyện cho biết mình rất vui vì trường hợp của con bà cuối cùng cũng được soi xét. Cũng nhờ đi rất nhiều nơi nên bà đọc vanh vách từng địa chỉ của các cơ quan tố tụng các cấp như Tòa án, Viện kiểm sát, Thanh tra, một số cơ quan báo đài…
Với tình yêu người mẹ và niềm tin công lý, bà Nở đã lại được thấy ánh sáng trong đôi mắt con gái mình.
Theo Vietnamnet