1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Hành trình lưu lạc của người Mông: Ly kỳ trở về Việt Nam!

(Dân trí) - Sau hai năm sống chui lủi như “người rừng” bên Trung Quốc, Lý Mí Na chỉ được ăn một bữa cơm duy nhất và đắp những tấm “chăn” bằng những mảng cỏ gianh ven đường. Nhiều lúc Na cảm nhận cánh cửa cuộc đời đã khép lại đối với anh...

Cách đây khoảng ba tháng, hôm đó, Na băng qua một cánh rừng dài hàng chục cây số không gặp một bóng người. Đôi chân trần của thanh niên người Mông đã phồng rộp và đầy thương tích khi chinh phục biết bao ngọn núi, quả đồi với quãng đường di chuyển có thể lên tới hàng nghìn cây số. Lý Mí Na bơ phờ đến mức không thể tiếp tục đi thêm được nữa nên đã ngồi nghỉ lại ven đường.

Bỗng xuất hiện một chiếc ô tô tiến đến gần. Họ mở cửa xe bước xuống. Theo phản xạ, việc đầu tiên của “người rừng” khi thấy người lạ là vùng dậy bỏ chạy. Nhưng người đó đã nhanh hơn. Na bị giữ tay lại và được trấn an bằng những cái gật đầu đầy thiện cảm. Cuộc trò chuyện nhanh diễn ra trong giây lát. Dù bất đồng về ngôn ngữ nhưng anh cũng cảm thấy yên tâm hơn khi ngồi lên xe của họ, dù chưa rõ họ sẽ đưa mình đi đâu. Chiếc xe đưa Na tới một nông trang khá rộng rãi.

Ngày về của Lý Mí Na thấm đẫm nước mắt
Ngày về của Lý Mí Na thấm đẫm nước mắt

“Khi mới được vào nhà, tôi rất hồi hộp và lo lắng. Sợ nhất là họ đưa mình đến giao cho đồn cảnh sát. Sau này tôi mới biết gia đình này chỉ có hai bố con, họ nuôi rất nhiều lợn. Đến đó tôi được giao cho một phòng để ở. Họ bảo cứ yên tâm ở đây làm, gia đình sẽ tính công trả tiền cho tôi”.

Từ đây, những ngày tháng ăn mặc rách rưới và hái quả rừng ăn trong suốt hai năm trời đã kết thúc. Theo Na thì chủ mới của anh dễ tính hơn gấp trăm lần chủ cũ, không những không đánh đập mà còn đối xử với anh rất tốt. Na được mua quần áo mới, được ăn no. Công việc hàng ngày của Na là chăm đàn lợn lên tới hàng trăm con. Những lúc rảnh rỗi, ông chủ lại gọi anh đi giúp chuyển hàng, bốc bát đĩa lên xe và cùng đi giao hàng.

Ba tháng trôi qua, dù cuộc sống đã ổn định hơn nhưng nỗi nhớ quê hương trong Na vẫn chưa hề phai nhạt. Anh nhớ xứ sở chợ tình Khau Vai - nơi chôn nhau cắt rốn của mình, nhớ những đứa con đang nheo nhóc chờ mong ngày cha trở về, nhớ những điệu khèn anh thổi cho vợ nghe... Những lúc đó anh lại chực trào nước mắt. Hai bố con chủ nhà Na thấu hiểu tình cảm của người làm thuê "nhặt" được bên đường.

Người cha lôi một cuốn sổ ra ghi chép, tính toán rồi đưa cho Na 1.600 nhân dân tệ, nói đó là số tiền công anh nhận được trong ba tháng làm việc. Người này còn bảo con trai đưa Na về Việt Nam.

“Chúng tôi có một ngày ngồi xe khách, sau đó chuyển sang tàu hỏa ngồi 1 ngày nữa. Nghe bảo đến gần biên giới, chúng tôi mới xuống tàu”, Na cho biết.
 
Tại đây Na chia tay người con trai ông chủ nhà tốt bụng bằng những cái ôm chân thành, biết ơn. Na mạnh dạn tiến về phía cánh cổng lớn, nhưng lập tức anh bị công an Trung Quốc giữ lại. Không có một thứ giấy tờ tùy thân trên người nên Na không được đi qua cổng.

Rầu rĩ, anh ngồi thụp xuống ven đường. Đúng lúc đó, có hai người phụ nữ xuất hiện nói rằng muốn sang Việt Nam phải leo lên đỉnh núi kia mới không có công an, Na lập tức đi theo họ. Đến lưng chừng núi, hai người phụ nữ này lộ rõ là kẻ xấu, chúng cùng nhau lao vào giật lấy túi quần áo của Na. Na khỏe hơn nên đã lấy lại được chiếc túi. Một đối tượng liền rút điện thoại ra gọi cho đồng bọn, trong câu chuyện Na nghe được những từ “đánh - giết”. Đúng lúc đó, nhìn xuống phía dưới chân núi, Na thấy có ba thanh niên đang chạy lên đuổi theo mình.

Quá hoảng sợ nhưng người Mông vốn leo núi rất giỏi, cùng với kinh nghiệm 2 năm làm "người rừng" nên chỉ trong phút chốc, Na đã chạy sang được ngọn núi cao bên cạnh. Na tiếp tục đi mãi, đi mãi, không biết mình đang ở Trung Quốc hay đã sang đất Việt Nam?
 
Na trèo lên núi cao hơn, đi được ba ngày ba đêm, cuối cùng anh cũng men theo được một con đường mòn xuống chân núi. Đi ngang qua qua một gia đình dưới chân núi, nghe thấy tivi đang nói tiếng Việt, Lý Mí Na chết lặng rồi òa khóc!

"Nghe được tivi đang nói tiếng Việt, biết chắc chắn mình đã trở về Việt Nam nên mừng đến trào nước mắt. Tôi ngồi thụp xuống bên nhà đó nghỉ ngơi một lúc rồi tiếp tục đi sâu vào nội địa", Na kể.

Theo lời kể của anh Dương Minh Hướng (SN 1984), phụ xe chạy tuyến Chũ - Tân Thanh, ngày 24/7, xe anh đón khách từ Tân Thanh về Bắc Giang. Dù chuyến xe rất đông khách nhưng anh vẫn chú ý đến một thanh niên có biểu hiện rất lạ. Trong suốt hành trình, người này luôn nhìn ra cửa sổ quan sát một cách tò mò. Hỏi câu gì cũng không thấy nói năng, trả lời. Đến điểm dừng cuối là thị trấn Chũ (Bắc Giang) nhưng người này cũng không xuống xe. Thấy lạ, Hướng cùng với em họ là Dương Văn Huy (SN 1985) là lái xe tới gặng hỏi hơn tiếng đồng hồ cũng đều vô ích.

Hành trình của Lý Mí Na tại Trung Quốc cũng ly kỳ không kém hành trình vượt 5.800km của Vừ Già Pó

Hành trình của Lý Mí Na tại Trung Quốc cũng ly kỳ không kém hành trình vượt 5.800km của Vừ Già Pó

Nghĩ rằng thanh niên này lạc sang Trung Quốc đã lâu nên không nhớ tiếng Việt, Hướng đã nhờ mấy người bán hàng ở chợ gần đó sang hỏi. Rất lâu sau, Na mới mở lời và nói rằng mình là người Hà Giang, không phải người Trung Quốc. Không hỏi được gì thêm, những người bán hàng cũng đều lắc đầu bỏ đi.

Anh Hướng đưa thanh niên này về phòng trọ của mình rồi cho ăn ở, sinh hoạt luôn tại đó. Từ đó, Na không rời người phụ xe nửa bước. Hôm nào anh Hướng đi theo xe lên Lạng Sơn, Na cũng đi theo như một đứa trẻ. Đến tối cả hai lại theo chuyến xe xuôi về Bắc Giang. Hôm sau, Na bỗng buột miệng nói từ “Mèo Vạc”. Nhớ ra Mèo Vạc là địa danh một huyện của Hà Giang, anh Hướng đã gặng hỏi đến tên xã nhưng cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu.

Mở rộng liên lạc, anh Hướng đã tra thông tin và gọi điện về huyện Mèo Vạc thông báo sự việc. Ngay ngày hôm sau, địa phương đã phản hồi lại với anh Hướng rằng có một trường hợp mất tích ở xã Khâu Vai. Liên hệ về xã Khâu Vai, sau khi xác minh chính xác Lý Mí Na đang ở Bắc Giang, chính quyền xã đã yêu cầu anh Hướng giữ chân Na để địa phương thông báo về gia đình cho người xuống đón.

Ông Dương Minh Nam (SN 1947), bố của anh Hướng, cho biết: "Hôm 27/7, gia đình tôi làm cỗ, thấy con trai dẫn về một thanh niên lạ mặt tôi tưởng là bạn. Nhưng sau đó mới biết rằng người này bị lạc sang Trung Quốc. Do khả giao tiếp bằng tiếng Kinh rất hạn chế nên hầu như chúng tôi không nói chuyện được gì. Trông anh ta rầu rĩ, lo âu đến thảm thương. Trong ba ngày ở nhà tôi, người này ăn uống rất ít.

Khi liên lạc được về Khâu Vai, cán bộ xã Khâu Vai đã chuyển máy qua cho Na gặp vợ mình. Từ đó anh ta vui vẻ hẳn lên. Anh ta cười nhiều hơn và ăn uống cũng tốt hơn. Không còn rầu rĩ, thảm thương như trước nữa. Lúc cao hứng, anh này còn rút tiền đưa cho con trai tôi đi mua bia về uống...”.

Và như đã thông tin, sáng 30/7, sau khi bán đi một con bò lấy số tiền 16 triệu đồng, gia đình Lý Mí Na đã cho người về Việt Yên, Bắc Giang đón Na trở về Hà Giang, về với gia đình sau hơn hai năm mất tích.

Quốc Cường - Xuân Thái

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm