Hà Nội:
Hành trình gian nan trong việc cấp sổ đỏ tại quận Long Biên
(Dân trí) - Hiện nay, hàng ngàn ngôi nhà thuộc khu tập thể Sân bay Gia Lâm, phường Gia Thụy, Bồ Đề được xây dựng nhà cao tầng “yên ổn” mặc dù không “sổ đỏ”, không giấy phép. Trong khi hành trình cấp “sổ đỏ” tại đây khó như lên… trời.
Năm 1956, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam (HKDDVN) được thành lập, đóng quân tại sân bay Gia Lâm(SBGL). Từ những năm 1960, tại khu vực SBGL đã hình thành khu tập thể của sĩ quan, quân nhân các đơn vị phòng không không quân (Sư đoàn 371, lữ đoàn 919, sân bay Gia Lâm…).
Theo pháp luật hiện hành thì hàng ngàn hộ gia đình các khu tập thể thuộc tổ 1,2,3, 3A, 20, 21, 22…của ngành HKVN, các cơ quan bộ Quốc phòng thuộc phường Gia Thụy, Bồ Đề (quận LB) đã được cơ quan thẩm quyền ngành HKVN, BQP phân nhà, giao đất từ 1993 trở về trước phải được cấp “sổ đỏ” theo đúng điều 50 luật đất đai từ khi nhà nước có chủ trương này. Thế nhưng, đến nay hầu hết chưa được cấp “sổ đỏ” mặc dù nhiều lần hội đồng thẩm định của phường đã công nhận các hồ sơ “đủ điều kiện” cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, ông Trần Thanh Dung đại tá, 84 tuổi là cán bộ tiền khởi nghĩa ở số nhà 11 ngách 7 ngõ 109 Nguyễn Sơn, tổ dân phố số 2 phường Gia Thụy, quận Long Biên được quân chủng không quân phân cho gian nhà tập thể và đất liền kề từ năm 1964. Năm 1997 cán bộ địa chính thị trấn Ngọc Lâm (thuộc huyện Gia Lâm) đến đo đạc lập hồ sơ để cấp “sổ đỏ”, nhưng lại “đánh trống bỏ rùi”.
Ngày 15/2/2004, sau khi thành lập phường Gia Thụy, quận Long Biên theo yêu cầu của tổ dân phố, như mọi nhà, ông lại làm đủ hồ sơ nộp chính quyền. Ngày 22/12/2008, theo yêu cầu của tổ dân phố, phường, ông lại nộp hồ sơ cho chính quyền như lần trước. Im lặng một thời gian, giữa năm 2009 phường Gia Thụy yêu cầu các gia đình lại nộp hồ sơ để làm “sổ đỏ” nhưng phải đo lại đất bằng máy.
Ngày 18/8/2009, lãnh đạo phường ký hợp đồng với “Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế khảo sát và đo đạc” để đo lại đất. Ngày 26/9/2009 cán bộ phường dẫn một người đến gặp bà con yêu cầu mỗi gia đình trả một triệu đồng cho việc đo đất bằng máy. Khi bà con kêu quá đắt thì giá được giảm xuống 700.000 đ/hộ nhưng không có hóa đơn, chứng từ (số hộ phải đo riêng ở 4 tổ phường đã gần 700 hộ).
Thế là một lần nữa tất cả hồ sơ xin cấp sổ đỏ của các tổ dân thuộc khu tập thể ngành HKVN tại đây lại được gửi lên phường. Đến tháng 5,6/2011 theo cán bộ phường thông báo chỉ 30/700 hộ (phường Gia Thụy) đã có “sổ đỏ” nhưng với chính sách tài chính phải nộp 40%-50% giá đất trong hạn mức và 100% giá đất ngoài hạn mức khiến dư luận rất bất bình, nhiều người khiếu nại không nộp tiền, lấy sổ đỏ. Một số người được cấp sổ đỏ trước năm 2011 là theo kiểu “đi đêm”.
Có dấu hiệu “đi đêm”
Trong thời gian dài không được cấp sổ đỏ, cũng là thời gian ở các khu tập thể này diễn ra hiện tượng phổ biến: Ai sửa chữa, làm nhà…lập hồ sơ xin giấy phép xây dựng công trình đúng quy định cũng không được phường, quận cấp phép với lý do: “chưa có sổ đỏ thì không thể cấp phép”... Với CBCNV, nhà cũ đã đổ nát, cả đời người mới làm nhà, ngày tốt đã “xem”, mọi thứ đã chuẩn bị nên không thể dừng. Cứ khi những mẻ bê tông đầu tiên vừa trộn thì cán bộ, thanh tra xây dựng quận, phường ập đến lập biên bản bắt dừng lại. Thế là chủ công trình phải đôn đáo đi “thương lượng” xin được phạt để rồi “xây thoải mái”.
Trao đổi với PV Dân trí, nhiều cán bộ lão thành cách mạng đang sinh sống tại đây cho hay: Tại buổi tiếp xúc cử tri hôm 14/5/2011 tại tổ 2 phường Gia Thụy khi các ứng cử viên HĐND phường gặp bà con trước ngày bàu cử quốc hội, HĐND các cấp, cuộc đối thoại giữa cán bộ phường với dân ngày 11/6/2011 thì cái giá của việc được xây mỗi ngôi nhà ngoài 200.000 đ phạt có hóa đơn còn phải chi “cửa sau” từ dăm bảy triệu đến 10-15 triệu, nay đến 30-40,50…triệu đồng để được thoải mái xây nhà. Hiện nay, hàng ngàn ngôi nhà thuộc khu tập thể SBGL phường Gia Thụy, Bồ Đề được xây dựng nhà cao tầng “yên ổn” mặc dù không “sổ đỏ”, không giấy phép.
Tại các cuộc họp, gặp gỡ với dân, cán bộ phường, quận đã đưa ra nhiều lý do nhưng theo các cử tri tại đây thì hoàn toàn vô lý. Ví dụ, ngày 15/4/2010 UBND quận Long Biên có công văn số 380 do Phó Chủ tịch quận Đỗ Huy Chiến ký gửi Sở TNMT TP. Hà Nội kiến nghị về những “khó khăn, vướng mắc” khi thực hiện Quyết định 117/2009/QĐ-UBNDTP Hà Nội trong việc làm “sổ đỏ” cho khu vực này là một văn bản ngụy biện.
Bởi lẽ, hàng ngàn thửa đất nói trên được cơ quan có thẩm quyền (SBGL, ngành HKVN, quân chủng PKKQ,…) phân, giao đất làm nhà ở từ trước năm 1993 có hồ sơ, quyết định, dấu má hẳn hoi sao lại đem áp dụng với những thửa đất doanh nghiệp, cơ quan “tự chuyển mục đích sử dụng đất”, chiếm đất công trong khuôn viên cơ quan làm nhà ở để áp dụng Quyết định 117???
Tại sao cũng hoàn cảnh “mắc mớ” ấy nhưng một số người lại được cấp “sổ đỏ” từ trước năm 2011? Tại sao mãi năm 2009 phường mới thông báo phải đo đất lại bằng máy? Thử hỏi, bản đồ chi tiết 1/500, 1/1.000, 2.000…của khu vực SBGL có đủ các thửa đất do lãnh đạo TP. Hà Nội ký phát hành sử dụng từ năm 2002 là vô giá trị hay sao?
Trong báo cáo thanh tra số 29 ngày 2/11/1993, Thanh tra Chính phủ kết luận chính quyền địa phương cấp hơn 6.000 m2 đất trong bãi ăng ten ở khu vực SBGL ngành HKVN đang quản lý (nay thuộc phường Bồ Đề, quận Long Biên) làm đất ở là vi phạm pháp luật phải dừng lại. Thế nhưng, nay các hộ mua đi, bán lại và ở ổn định thì các thửa đất này đã có “sổ đỏ” (?).
Cũng theo phản ánh của người dân ở các tổ 1, 2, 3…phường Gia Thụy mấy năm qua thường xuyên có các “cò” đến từng nhà giới thiệu “chương trình”: “Dịch vụ làm sổ đỏ, tách sổ nhanh từ 7-20 ngày; xin liên hệ văn phòng nhà, đất ở tổ…phường…quận Long Biên, điện thoại (04) 3918…, di động:098…”. Có gia đình đã đã kịp ghi hình lại các vị khách “cò” này.
Dư luận nhân dân nơi đây đặt câu hỏi: Phải chăng sự “nhùng nhằng” trong việc cấp “sổ đỏ” của những người có trách nhiệm ở địa phương này là họ muốn duy trì mãi nguồn thu bất chính khổng lồ kia?
Cử tri phường Gia Thụy, quận Long Biên đề nghị UBND TP. Hà Nội cùng các cơ quan chức năng có thẩm quyền khẩn trương thanh tra làm rõ những mờ ám trong việc cấp “sỏ đỏ” như trên.
Vũ Văn Tiến