DNews

Hành trình đi đòi 2 tỷ đồng của người phụ nữ trúng vé số đặc biệt

Công Bính

(Dân trí) - Hơn 5 tháng, gần 10 chuyến đi từ Quảng Nam ra Huế, cuối cùng người phụ nữ đã tìm thấy công lý sau phán quyết của tòa, đối với tờ vé số trúng giải đặc biệt 2 tỷ đồng của mình.

Hành trình đi đòi 2 tỷ đồng của người phụ nữ trúng vé số đặc biệt

Hơn 5 tháng, gần 10 chuyến xe từ Quảng Nam ra Huế đòi công lý

Trở về sau phiên tòa thắng kiện Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Huế ngày 25/3, bà Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1971, trú huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) dành thời gian chữa căn bệnh thoát vị đĩa đệm. Trông bà Nguyệt tươi tắn hơn, vì trước đây, bà vừa phải lo vụ kiện vừa chữa bệnh.

"Hơn 5 tháng và gần 10 chuyến đi từ Quảng Nam ra Huế, giờ cũng yên tâm rồi. Chờ hết 15 ngày, tòa trả lại tờ vé số, tôi mới đi làm thủ tục nhận tiền", bà Nguyệt nói.

Hành trình đi đòi 2 tỷ đồng của người phụ nữ trúng vé số đặc biệt - 1

Tờ vé số trúng độc đắc 2 tỷ đồng bị rách một góc nhỏ (Ảnh: Công Bính).

Trở lại câu chuyện kiện tụng của mình, bà Nguyệt cho biết, bản thân bà cũng như những người mua vé số khác không muốn câu chuyện trở nên ồn ào như vừa qua.

Bà Nguyệt nhớ lại, ngày 13/10/2024, khi đang đi làm, bà có mua vài tờ vé số cầu may. Do gặp trời mưa nên tờ vé số trúng giải đặc biệt 2 tỷ đồng bị ướt, sau đó không may, dãy số trúng thưởng bị rách một phần.

Khi mang tờ vé số ra Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Huế nhận thưởng, bà bị từ chối, chỉ được nhận số tiền của tờ vé số trúng giải phụ đặc biệt. Một tháng sau, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Huế không trả thưởng cho tờ vé số bị rách một góc, hành trình tìm công lý của bà Nguyệt bắt đầu.

"Khi kiện, tôi chắc chắn công lý sẽ đứng về phía mình, vì trước đó tôi đã nghiên cứu rồi. Không lý gì tờ vé số chỉ rách một góc nhỏ, dãy số còn nguyên mà công ty lại không trả thưởng cho tôi", bà Nguyệt bày tỏ.

Hành trình đi đòi 2 tỷ đồng của người phụ nữ trúng vé số đặc biệt - 2

Do bị rách một góc nhỏ, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Huế từ chối trả thưởng (Ảnh: Công Bính).

Hơn nữa, bà Nguyệt cho rằng, trên tờ vé số còn dãy số phụ và mã QR. Những con số ở dãy số phụ còn kèm theo chữ, rồi mã QR in lên tờ vé số để làm gì?

Khi sự việc lan tỏa trên dư luận xã hội, đa số người dân đều đứng về phía bà Nguyệt và tin tưởng bà sẽ thắng kiện. Đây cũng là lý do quan trọng để bà Nguyệt tin tưởng công lý sẽ thuộc về mình.

Tuy nhiên, để tìm được công lý với bà cũng không dễ. Mỗi lần đi từ Quảng Nam ra Huế, bà Nguyệt phải tốn một khoản tiền. Lúc đầu còn thuê xe riêng đi ra Huế, sau này bà bắt xe khách đi cho đỡ tốn.

Gần 10 lượt đi ra Huế, tiền xe và chi phí ăn ở, trung bình mỗi chuyến bà tốn 1-1,5 triệu đồng. Tiền có thể đếm được, nhưng thời gian, công sức của bà bỏ ra thì không thể cân đo, đong đếm được.

Hành trình đi đòi 2 tỷ đồng của người phụ nữ trúng vé số đặc biệt - 3

Phiên tòa xét xử vụ kiện của bà Nguyệt và Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Huế ngày 25/3 (Ảnh: Vi Thảo).

"Trong suốt thời gian đó, tôi luôn có niềm tin là mình chiến thắng, nên có khó khăn, vất vả tôi cũng theo đuổi đến cùng", bà Nguyệt nói.

Chia sẻ may mắn với người khó khăn

Sau khi thắng kiện, việc đầu tiên bà Nguyệt làm là sửa lại căn nhà cấp bốn của mẹ ruột đang xuống cấp nặng, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Bà Lê Thị Xuyến, mẹ bà Nguyệt, năm nay đã 81 tuổi. Từ ngày con gái bà trúng độc đắc rồi theo đuổi vụ kiện, bà cũng lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Nay vụ kiện đã kết thúc, phần thắng thuộc về con gái, bà cũng ăn ngon ngủ yên.

"Tôi mong nó thắng kiện để sửa lại ngôi nhà chứ xuống cấp quá, không biết sập lúc nào. Giờ thì yên tâm rồi, chờ nó đi lãnh tiền rồi về sửa lại nhà thôi", bà Xuyến nói.

Hành trình đi đòi 2 tỷ đồng của người phụ nữ trúng vé số đặc biệt - 4

Bà Nguyệt cùng cháu nội và mẹ ruột (Ảnh: Công Bính).

Bà Nguyệt cho biết, gia đình cũng khó khăn, với số tiền đó đối với gia đình bà tuy lớn nhưng phải tính toán sửa lại nhà như thế nào cho hợp lý, rồi cũng chia sẻ cho bà con hàng xóm, những người đã ủng hộ mình và người khó khăn.

Bà cũng không dám nói đến chuyện từ thiện của những người trúng số độc đắc. Bà chỉ thích gọi là chia sẻ với người khác, vì từ chia sẻ nó nhẹ nhàng và nhân văn, nhân ái hơn; vì xung quanh, còn nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn bà rất nhiều.

"Trời đất cho mình cái lộc, mình cũng sẽ cảm tạ những người đã quan tâm, chia sẻ. Những người đã tạo cho mình động lực để đi đòi lại công lý đến cùng. Quan trọng nhất là sức khỏe, có sức khỏe là có tất cả", bà Nguyệt bày tỏ.

Điều làm bà Nguyệt vui nhất sau khi thắng kiện là nhiều người gọi điện, nhắn tin chúc mừng. Mặc dù bà không thể chia sẻ hiện vật hay tiền bạc với những người đã theo dõi, đồng hành và ủng hộ bà, nhưng những lời chúc mừng của họ làm bà rất hạnh phúc. Theo bà Nguyệt, đây mới là điều ý nghĩa nhất đối với bà lúc này.