1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bình Phước:

Hành trình 7 năm đòi công lý cho “lính” của ông chủ Vườn Mít

(Dân trí) - “Thấy người bị nạn mà không cứu là vi phạm pháp luật, về đạo lý thì lương tâm cắn rứt” - đó là lời tâm sự của ông Tuân, người đã lặn lội suốt 7 năm đi tìm công lý cho người làm thuê Lê Bá Mai.

“Kỳ án” vườn mít, bị cáo Lê Bá Mai được tòa án Bình Phước tuyên vô tội sau 2 lần kết án tử hình gây xôn xao dư luận. Nước mắt của người bị kết án oan và gia đình đã rơi… Nhưng càng xúc động hơn khi biết trong vụ án đó có một ông chủ đã ròng rã 7 năm qua âm thầm vượt qua bao khó khăn để đi tìm công lý cho người làm thuê của mình. Ông là Dương Bá Tuân, chủ trang trại Vườn Mít (xã An Khương, huyện Bình Long), nơi xảy ra vụ án.

Ông chủ tốt bụng...
 
Năm 2005, Lê Bá Mai (sinh năm 1982, quê Thanh Hóa) bị tòa sơ thẩm Bình Phước cáo buộc là kẻ đã dùng vũ lực để thực hiện hành vi hiếp dâm và giết chết cháu gái 11 tuổi tại khu vực vườn mít xã An Khương, Bình Long, Bình Phước. Mai sau đó đã bị tòa sơ thẩm Bình Phước, tòa tối cao tại TPHCM tuyên phạt án tử hình. Bị cáo kêu oan, và VKS Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, tòa sơ thẩm Bình Phước mở lần 2 và tuyên Mai vô tội.
 

Hành trình 7 năm đòi công lý cho “lính” của ông chủ Vườn Mít - 1


Mai được tuyên vô tội sau 2 lần bị kết án tử

Gặp Mai sau 2 ngày chàng trai này được tòa án tỉnh Bình Phước tuyên vô tội. Giữa phố phường Sài Gòn hối hả, cái gì đập vào mắt Mai cũng đều xa lạ. Tại đây, tôi được gặp ông Dương Bá Tuân, ông chủ đồng thời là người đã tái sinh Mai lần 2 trong đời.

Ông Tuân kể, gia đình ông ở TPHCM nhưng có một trang trại trên Bình Phước và giao cho đứa em trực tiếp quản lý. Năm 2001, trong một lần lên thăm trang trại, ông Tuân thấy có người mới nên hỏi. Đứa em bảo đấy là Mai, làm thuê cho một chủ vườn 4 tháng nhưng bị chủ vườn quỵt lương. Trong lúc cù bơ cù bất, một người biết hoàn cảnh của Mai đã giới thiệu cho người quản lý trang trại của ông Tuân.

Ban đầu, ông Tuân không vui vì đứa em mình nhận người làm không có giấy tờ tùy thân, không nói, không cười, mặt lầm lầm, lì lì… trông nhếch nhác, đói rách không khác một gã ăn mày. Rồi ông Tuân nghĩ, Mai nghèo, đói, không cắc bạc dính túi thì biết đi đâu được. Hơn nữa, trông hắn không khéo léo thì có đi nơi khác cũng không ai nhận nên ông miễn cưỡng gật đầu.

Đáp lại lòng tin đó của ông chủ, Mai đã dốc sức làm việc. Thấy Mai siêng năng, ông Tuân cho Mai làm quản công. Nhưng Mai vẫn cắm cúi làm như ngày trước. Mai làm nhanh lắm, thậm chí xong việc rồi, Mai quay lại làm rước cho người khác. Từ những cử chỉ, bản chất đó của Mai nên ông Tuân càng ngày càng ấn tượng “kẻ làm thuê đặc biệt” này. Ông Tuân kể: “Nó chỉ biết làm và làm. Không mánh lới, nịnh bợ. Nếu không chú tâm theo dõi, thì không ai chấp nhận thằng này. Thế mà lại có chuyện oan nghiệt xảy ra…”

... và hành trình giải oan cho “lính”

Lúc vụ án xảy ra, ông Tuân đang ở TPHCM thì nhận được cú điện thoại cho biết Mai bị công an xã bắt. Ông Tuân kể: “Khi xảy ra sự việc, tôi đọc được câu chuyện. Đây là mối thù nhỏ nhen mà một người đã gây hấn với Mai cách đó một năm gây nên. Từ cái sai ban đầu của cấp dưới trong việc khai báo gian dối dẫn đến cái sai của cả một hệ thống. Tôi biết rõ tính Mai không thể làm chuyện đó”.

Xong “bài toán” với Mai, ông Tuân tìm cách liên lạc với ông Lê Bá Triệu. Biết gia đình Mai nghèo, ông Tuân phải ra bưu điện chuyển tiền cho ông Triệu mua vé xe vào TPHCM và hướng dẫn ông lên Bình Phước để tìm đến nơi đang tạm giam Mai. Với bản tính của người nông dân, chất phác của miền quê, ông Triệu luôn xử lý sự việc đủng đỉnh… Chưa hết, ông còn tiết kiệm quá mức. Bắt xe từ Thanh Hóa vào Bến xe miền Đông, trong khi ông Tuân đang nóng sôi lửa bỏng trông gặp ông Triệu, thì ông Triệu sợ tốn tiền, đi bộ từ bến xe về nhà ông Tuân.

Năm lần bảy lượt ngược xuôi Bình Phước - TPHCM, ông Triệu đều được người của trại giam thông báo con ông đã làm đơn kháng cáo. Ông Triệu yên tâm, nhưng ông Tuân chẳng yên lòng, đưa tiền tiếp cho bố Mai lên gặp trực tiếp tòa. Tại tòa, ông Triệu quỳ nói, Mai là đứa con trai duy nhất của ông, ông tin con mình bị oan nên xin cho Mai được kháng cáo. Người phía tòa nghe xong, nói con ông đã kháng cáo rồi. Ông không chịu, xin thư ký tòa xem hồ sơ cho kỹ. Cuối cùng viên thư ký lục tìm hồ sơ, xem xong mới nói xin lỗi ông vì lầm vụ khác, Lê Bá Mai chưa có đơn kháng cáo. Khi ấy, chỉ còn một ngày nữa là hết thời hiệu kháng cáo của Mai. Ông Tuân bảo ông Triệu bắt xe lên ngay trại giam xin kháng cáo cho Mai thì lần này ông Triệu lặn mất tăm.
Hành trình 7 năm đòi công lý cho “lính” của ông chủ Vườn Mít - 2
Mai và ông chủ, người đã tái sinh Mai lần 2 trong đời

Tình thế nguy kịch, ngay trong ngày, ông Tuân cùng luật sư đến trại giam xin được gặp lãnh đạo trại. Phó trại giam cho biết Mai vừa có đơn kháng cáo. Và, đơn kháng cáo của Mai được gửi đi trong thời điểm hiệu lực kháng cáo chỉ còn vài tiếng đồng hồ… Ngay sau khi TAND Bình Phước tuyên Lê Bá Mai vô tội, cả khán phòng như òa vỡ với niềm vui. Ông Tuân thở phào, rơm rớm nước mắt. Liền sau đó, ông dắt cả đại gia đình về trang trại làm một bữa liên hoan rồi đưa Mai thẳng xuống TPHCM khám chữa bệnh.  

Vậy là, “sứ mệnh” của ông Tuân đã hoàn thành. Ông thừa nhận việc ông làm xuất phát từ tình người. “Thấy người bị nạn mà không cứu, về luật thì mình vi phạm, về đạo lý thì lương tâm không cho phép”. Khi Mai vướng vào vòng lao lý, ông Tuân hoàn toàn bỏ bê công việc. Trang trại ông giao hẳn cho đứa em quản lý, ông tập trung lo tìm cách minh oan cho Mai. Cả một hành trình dài 7 năm như thế, ông Tuân đã lo cho Mai và gia đình ông Triệu từ tinh thần, đường lối, vật chất… Những lúc hết tiền, ông Tuân cũng phải đi mượn để trang trải chi phí. Thậm chí, có lần giữa đêm mưa giông, bùn lầy bì bõm, ông phải lặn lội đến chỗ cháu Thị Út chết thắp nhang, cầu xin hồn cháu thiêng thì về chứng minh cho Mai vô tội.

Bảy năm Mai bị giam, bụng ông Tuân nóng như lửa đốt. Thấy ông không lo làm mà chú tâm vào “phá án”, nhiều bạn bè động viên cũng có và cũng không ít người khuyên ông nên bỏ cuộc… Nhưng may mắn trong suốt hành trình 7 năm đi cứu đứa làm thuê ấy, ông Tuân được sự hậu thuẫn, động viên của vợ. “Vợ tôi bảo, nếu bán tài sản, đất đai mà cứu được thằng Mai thì cứ bán. Nghe vợ nói vậy mà lòng mình vui không tả. Tôi thấy càng có thêm niềm tin…”, ông Tuân thổ lộ.

Cuối cùng, hành trình đi tìm công lý cho người làm thuê của một ông chủ đã kết thúc có hậu. Thế nhưng, mồ hôi, nước mắt và những đêm trắng lo về tương lai cho “người dưng” của ông Tuân chưa hẳn đã kết thúc…

Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm