1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hành khách say xỉn - nỗi ám ảnh của ngành hàng không

(Dân trí) - Tình trạng hành khách say rượu rồi “quậy” tưng bừng đang thực sự trở thành nỗi ám ảnh trên các chuyến bay dân dụng. Những màn gây rối của họ không chỉ gây thiệt hại lớn về vật chất mà còn tạo tâm lý hoang mang cho hành khách và làm giảm uy tín của ngành Hàng không Việt Nam.

“Chí Phèo” làm loạn

 

Theo thống kế không chính thức, từ đầu năm 2007 đến nay, 2 trong 3 vụ “thượng đế” hàng không gây rối xuất phát từ tình trạng say xỉn, không có khả năng tự chủ.

 

Cụ thể, chiều 23/1, trong khi chờ làm thủ tục tại sân bay Pleiku, bác sĩ Đào Duy An (ngụ tại thị xã Kon Tum) do uống quá nhiều bia rượu, đã xé một tờ cảnh báo về an ninh hàng không. Khi bị các nhân viên an ninh sân bay mời vào phòng làm việc, vị hành khách này không những không chấp hành mà còn có nhiều lời lẽ xúc phạm, gây mất trật tự. Công an phường Thống Nhất, thành phố Pleiku đã cảnh cáo hành chính đối với bác sĩ này.

 

Mới đây nhất là câu chuyện xảy ra ngày 7/4 trên chuyến bay mang mã hiệu BL-798 của hãng hàng không Pacific Airlines, từ TPHCM ra Hà Nội. Hành khách Nguyễn Anh Minh (SN 1974) trong cơn say đã có lời lẽ và hành động khiếm nhã với một nữ tiếp viên đang phục vụ trên chuyến bay.

 

Theo tường trình của nữ tiếp viên này, Nguyễn Anh Minh ngồi số ghế 12C, trước khi lên máy bay đã nồng nặc mùi rượu bia, sau khi máy bay cất cánh vẫn tiếp tục yêu cầu mua thêm bia để uống. Khi bị từ chối, vị này đã nổi đoá, liên tục có những hành vi thô bạo và có lời lẽ xúc phạm với nữ tiếp viên. Khi máy bay hạ cánh, Minh được đưa đến Phòng Cảng vụ Nội Bài và Công an sân bay. Vị khách này đã được thả ngay sau đó, tuy nhiên hãng Pacific Airlines đang xem xét khả năng “cấm cửa” vĩnh viễn đối với hành khách này.

 

Trong Hội nghị tổng kết về an toàn, an ninh hàng không do Cục Hàng không - Bộ Giao thông vận tải tổ chức mới đây, một lãnh đạo của Vietnam Airlines ngán ngẩm cho biết, trong năm 2006, hãng bay này đã phải xử lý không dưới 5 trường hợp hành khách say rượu rồi gây rối trên máy bay.

 

Điển hình là chuyến bay VN 9700 từ TPHCM đi Pusan (Hàn Quốc). Sau khi máy bay cất cánh được gần hai tiếng, một khách Hàn Quốc trong men say chuyếnh choáng đã làm loạn khiến phi hành đoàn khốn khổ. Đầu tiên, vị này đánh những người ngồi cạnh, sau đó đập bung lớp bên trong một cửa sổ tại ghế 26F. Cho đến khi được an ninh sân bay Pusan áp giải về trụ sở lập biên bản, vị khách này vẫn chưa tỉnh rượu.

 

Trước đó, ngày 4/1/2006, trên chuyến bay VN524 có một hành khách Nga cũng uống rượu say rồi gây rối với mọi người trên cùng chuyến bay. Cơ trưởng chuyến bay đã phải tiến hành lập biên bản vị hành khác say xỉn và tức tốc bàn giao cho An ninh sân bay Nội Bài xử lý ngay khi hạ cánh. 

 

Cuối tháng 12/2006, hai hành khách người Nga uống rượu say rồi vào phòng vệ sinh hút thuốc. Khi được tiếp viên cảnh báo thời tiết xấu và yêu cầu về chỗ ngồi, hai “Chí Phèo” này đã không ngần ngại “choảng” hành khách bên cạnh, làm rách áo phao dưới ghế và gây gổ với những người xung quanh. Kết quả là hai vị khách này phải bồi thường 40 USD.

 

Cũng trong năm 2006, trong số 3 vụ hành khách doạ bom trên máy bay, có tới 2 trường hợp hành khách không tự kiểm soát được hành vi của mình do say xỉn.

 

Khó kiểm soát nồng độ cồn của khách

 

Trong xu thế kiểm soát an ninh hàng không ngặt nghèo, ở Mỹ chỉ cần có biểu hiện bất thường, la hét trên máy bay đã có thể bị phạt tù và phạt tiền rất nặng. Với những hành vi thiếu kiểm soát như “doạ đặt bom”, lực lượng an ninh đã có thể bắn hạ. Đầu năm 2006, một hành khách nói đùa đặt bom trên máy bay đã bị chính quyền Anh phạt tù 6 tháng và phải bồi thường cho hãng hàng không 245.000 USD.

 

Ở Việt Nam, theo quy định, hành khách có nồng độ cồn quá 0,2% không được lên máy bay. Kiểm tra an ninh và nồng độ cồn của khách do an ninh sân bay thực hiện. Tuy nhiên, khả năng hành khách say xỉn “lọt” được lên máy bay là có bởi theo quy định, hành khách có thể xách tay rượu nếu đóng gói đúng quy cách, với khối lượng dưới 2 lít/người. Ngay tại các quầy giải khát trong phòng đợi cũng bán nhiều loại nước giải khát có gas. Thậm chí khi lên máy bay rồi, nếu có nhu cầu, hành khách cũng có thể được phục vụ rượu hoặc bia.

 

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ trong ngành hàng không khẳng định, theo quy định an toàn an ninh hành không, hãng bay có quyền từ chối vận chuyển khách trên máy bay khi phát hiện hành khách say rượu, mất khả năng tự chủ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quy định đo nồng độ cồn chỉ có thể áp dụng được đối với… phi công, nếu nồng độ cồn vượt mức cho phép họ sẽ không được lái máy bay. Việc kiểm soát nồng độ cồn đối với khách đi máy bay rất nan giải. Vấn đề là hành khách phải biết tự kiềm chế, tôn trọng mình và mọi người.

 

Phúc Hưng