1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hành động quyết liệt để giảm thiểu tối đa tác động của nhựa đến môi trường

Thế Kha Nguyễn Trường

(Dân trí) - "Sự kiện này một lần nữa khẳng định chiến lược phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái của Việt Nam, với quan điểm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế".

Hành động quyết liệt để giảm thiểu tối đa tác động của nhựa đến môi trường - 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại buổi lễ khởi động Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam (Ảnh: ĐT).

Khẳng định nêu trên được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nêu ra tại buổi lễ khởi động Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam (NPAP) do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cùng Diễn đàn Kinh tế thế giới phối hợp tổ chức vào sáng 23/12.

Theo ông Dũng, nhựa là một phát minh quan trọng, đóng vai trò to lớn trong sản xuất và đời sống sinh hoạt của mỗi người. Tuy nhiên, cách thức sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm nhựa thiếu bền vững, đặc biệt là các sản phẩm dùng một lần, đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho môi trường, các hệ sinh thái.

Đồng thời, rác thải nhựa hiện được xem là "báo động đỏ", là vấn đề cấp bách tại khu vực ASEAN nói riêng và toàn cầu nói chung.

"Đã đến lúc chúng ta cần cùng nhau hành động quyết liệt, hiệu quả để thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm nhựa truyền thống theo hướng bền vững, thân thiện môi trường hơn" - ông Dũng nhấn mạnh.

Hoan nghênh và đánh giá cao Bộ TN-MT cùng Diễn đàn Kinh tế thế giới đã tích cực phối hợp trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hy vọng chương trình này sẽ tập hợp, kết nối các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và cộng đồng trong việc quản lý, xử lý hiệu quả chất thải nhựa.

Để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, ông Dũng đề nghị Bộ TN-MT tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với Diễn đàn Kinh tế thế giới, các quốc gia và các tổ chức quốc tế để thực hiện hiệu quả chương trình này.

"Chính phủ Việt Nam khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam được triển khai thực hiện thành công, trở thành mô hình tiêu biểu về quản lý, sử dụng nhựa bền vững. Đồng thời, Việt Nam sẽ hành động mạnh mẽ, có trách nhiệm trong các nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa trong khu vực và toàn cầu" - ông Dũng nói.

Hành động quyết liệt để giảm thiểu tối đa tác động của nhựa đến môi trường - 2

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà khẳng định sự kiện này là sự khởi đầu để Việt Nam thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình sản xuất và tiêu thụ nhựa bền vững (Ảnh: ĐT).

Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, chương trình này là một trong những nội dung hợp tác giữa Bộ này với Diễn đàn Kinh tế thế giới và Việt Nam là một trong 3 quốc gia tiên phong trên toàn cầu thực hiện sáng kiến chương trình đối tác hành động toàn cầu về nhựa.

Đây cũng là sự khởi đầu để Việt Nam thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình sản xuất và tiêu thụ nhựa bền vững; tạo nền tảng chính sách, hành động, giải pháp nhằm quản lý chất thải nhựa một cách hiệu quả nhất, giảm thiểu tối đa tác động của nhựa đến môi trường.

Hợp tác toàn cầu đưa ra giải pháp chấm dứt rác thải nhựa

Tại Hội nghị "Chương trình đối tác hành động Quốc gia về nhựa và Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam", ông Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) đã đưa ra chính sách của Việt Nam về giảm thiểu rác thải nhựa và phương hướng hợp tác trong NPAP.

Ông Tài khẳng định, việc đấu tranh chống rác thải nhựa tại Việt Nam đã có bước đầu đáng khích lệ, nhiều chuyển biến theo hướng tích cực.

Trước đó, khẳng định sự kết nối, hợp tác toàn cầu để đưa ra các giải pháp cộng đồng sẽ đem lại lợi ích cho trái đất, ông Borge Brende - Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới - cho biết trong 2 năm qua, diễn đàn này đã phối hợp với Chính phủ Việt Nam để đưa ra các giải pháp chấm dứt rác thải nhựa để phát triển bền vững.

Hành động quyết liệt để giảm thiểu tối đa tác động của nhựa đến môi trường - 3

Quang cảnh buổi hội nghị diễn ra sáng nay (Ảnh: ĐT).

Việt Nam đã đưa ra các mục tiêu hết sức tham vọng về giải quyết rác thải nhựa, để thực hiện cần thiết lập hệ thống mang tính thay đổi trong tư duy khác với bối cảnh thông thường. Chỉ có hành động mới giúp Việt Nam đi theo đúng các tham vọng toàn cầu.

Theo bà Kristin Hughes - Giám đốc GPAP, Diễn đàn Kinh tế thế giới - thông qua sự hợp tác này, mọi người rất vui mừng vì đã góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ giữa Diễn đàn Kinh tế thế giới và Việt Nam - một mối quan hệ dựa trên mong muốn chung nhằm triển khai các mô hình tuần hoàn bền vững hơn, mang lại lợi ích cho hệ sinh thái biển đa dạng và phong phú của Việt Nam; bảo vệ sinh kế của người dân Việt Nam.

"Hôm nay, Việt Nam đã chính thức trở thành một trong những quốc gia sớm áp dụng mô hình đặc thù về hợp tác đa chủ thể nhằm thúc đẩy nhanh hoạt động về nhựa, cùng với Indonesia và Ghana. Tôi kỳ vọng những bài học và thành công từ chương trình đối tác sẽ cung cấp thông tin và xúc tác cho các sáng kiến đầy tham vọng tương tự tại các quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương" - bà Kristin Hughes bày tỏ.

Phát sinh khoản 2,2 triệu tấn rác thải nhựa trong sinh hoạt mỗi năm

Chương trình NPAP là sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam mà đại diện là Bộ TN-MT với Chương trình đối tác hành động toàn cầu về nhựa, một nền tảng cho nhiều chủ thể của Diễn đàn Kinh tế thế giới nhằm thực hiện các cam kết giảm thiểu ô nhiễm nhựa và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.

Theo Bộ TN-MT, hiện nay, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 22 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó khoảng 10% là chất thải nhựa và số lượng này ngày càng gia tăng.

Theo dự báo của các chuyên gia quốc tế, thất thoát rác thải nhựa không chủ đích vào môi trường nước của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 106% từ năm 2021 đến năm 2030, trừ khi có những hành động mang tính hệ thống và đột phá được thực hiện nhằm giải quyết triệt để vấn đề nhựa và chất thải nhựa, từ tái thiết kế vật liệu, sản xuất và tiêu thụ bền vững cho đến tăng cường năng lực quản lý chất thải.

Theo quyết định số 1746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra một loạt các mục tiêu với thời hạn cụ thể để giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa, bao gồm cắt giảm một nửa lượng chất thải nhựa trong môi trường biển vào năm 2025.

Đồng thời, giảm thiểu 75% lượng chất thải nhựa trên biển vào năm 2030 và loại bỏ hoàn toàn đồ nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy tại các điểm du lịch ven biển và các khu bảo tồn biển vào năm 2030.