Tâm điểm thu hút vốn FDI:
Hàng tỷ USD tiếp tục đổ vào các dự án bất động sản tại Hà Nội
Sau nhiều động thái cạnh tranh khá quyết liệt, “cuộc đua” đến những khu đất “đẹp” cho các dự án xây dựng khách sạn cao cấp tại Thủ đô Hà Nội giữa các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc mới đây đã có kết quả.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Triệu vừa ký biên bản ghi nhớ với nhóm nhà đầu tư Nhật Bản gồm: Hiệp hội Giao lưu kinh tế Kanagawa - Việt Nam; Tập đoàn Riviera và Công ty Tài chính CKS Finance về việc thực hiện các dự án giải trí lớn trên địa bàn Thành phố với tổng vốn đầu tư lên đến 1 tỷ USD.
Đó là Dự án xây dựng khách sạn 5 sao tại vị trí X2 - khu đất CV3.1 - Khu công viên văn hoá - thể thao Tây Nam Mễ Trì (huyện Từ Liêm); Tổ hợp văn phòng - nhà ở cao cấp nằm tại 2 xã Kim Chung, Kim Nỗ, huyện Đông Anh; Dự án tổ hợp sân golf - khu vui chơi giải trí cao cấp trên diện tích 80 ha tại xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn và Dự án tổ hợp sân golf - khu vui chơi giải trí cao cấp tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì.
Riêng dự án đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao tại vị trí X2 - Khu công viên văn hoá - thể thao Tây Nam Mễ Trì, UBND Thành phố Hà Nội đã chấp thuận cho Tập đoàn Riviera (Nhật Bản) đầu tư với số vốn 500 triệu USD.
Đây là vị trí giáp với Trung tâm Hội nghị Quốc gia - một trong những địa điểm được đánh giá là hấp dẫn nhất của Hà Nội trong tương lai.
Theo giấy phép đầu tư, tổng diện tích khu đất là 4 ha, mật độ xây dựng 20%, chiều cao công trình cho phép là 9 tầng. Dự án bao gồm: tổ hợp khách sạn 5 sao với 550 phòng, đầy đủ các khu vui chơi giải trí, thương mại, văn phòng cho thuê, khu chăm sóc sức khoẻ - thể hình và khoảng 200 căn hộ cao cấp.
Theo ông Ohama Tamiro, Phó chủ tịch Tập đoàn Riviera, các dự án mà UBND Thành phố Hà Nội vừa ký biên bản ghi nhớ với các nhà đầu tư Nhật Bản đều nằm trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2007 - 2010.
Riêng Dự án xây dựng khách sạn 5 sao gần Trung tâm Hội Nghị Quốc gia sẽ được Riviera khởi công vào quý III/2007 và hoàn thành vào giữa năm 2010. “Việt Nam đang là điểm đến đáng chú ý nhất của các nhà đầu tư quốc tế. Chúng tôi đã đưa ra quyết định đầu tư trong thời gian kỷ lục, bởi lo ngại bị chậm chân. Và thực tế đã chứng minh chúng tôi đúng”, ông Ohama Tamiro nói.
Nhận định của ông Ohama là có cơ sở, bởi trước đó Tập đoàn Keangnam (Hàn Quốc) cũng đã có ý định đầu tư dự án khách sạn 5 sao tại vị trí mà Riviera vừa được cấp phép đầu tư.
Lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội đã phải đứng ra dàn xếp địa điểm đầu tư khách sạn với 2 nhà đầu tư này. Theo đó, trước khi Riviera có giấy phép đầu tư tại lô đất X2 - Khu công viên văn hoá - thể thao Tây Nam Mễ Trì, thì Keangnam cũng nhận được giấy phép đầu tư Dự án khách sạn 5 sao - trung tâm thương mại - văn phòng và căn hộ cao cấp tại lô đất E6 - Khu đô thị mới Cầu Giấy. Diện tích khu đất này là 4,6 ha, mật độ xây dựng là 40%. Tổng vốn đầu tư Dự án là 500 triệu USD.
Đây là 2 dự án đầu tư vào lĩnh vực khách sạn cao cấp lớn nhất tại Việt Nam trong thời điểm hiện nay với tổng vốn dự kiến lên đến 1 tỷ USD.
Ngay sau lễ ký, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu đã lưu ý các nhà đầu tư phải hoàn tất thủ tục hồ sơ cần thiết theo quy định của pháp luật Việt Nam trong thời hạn 6 tháng (sau ngày ký kết biên bản ghi nhớ) trình UBND Thành phố và cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt dự án đầu tư.
Với nhu cầu phòng khách sạn cao cấp tăng nhanh, các nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn thấy hướng đầu tư đầy hứa hẹn và đang đổ vốn vào lĩnh vực này. Trong những tháng tiếp theo của năm 2007, nhiều dự án của các nhà đầu tư khách cũng đang chuẩn bị đổ vào Hà Nội. Đó là, Dự án cải tạo Công viên Yên Sở thành khu vui chơi giải trí hiện đại với khách sạn và trung tâm thương mại do Tập đoàn Gamuda Land (Maylaysia) làm chủ đầu tư, với số vốn đầu tư ban đầu dự kiến 1 tỷ USD.
Hai nhà đầu tư trong nước là Công ty cổ phần Vincom và Công ty TNHH Tân Hoàng Minh cũng đang trình lên UBND Thành phố Hà Nội kế hoạch cải tạo Công viên Thống nhất thành khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại và văn phòng cao cấp với số vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD. Nhiều dự án lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng đang lần lượt triển và hoàn thiện tại Hà Nội như: Pacific Place, The Garden hay Golden West Lake…
Luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các dự án bất động sản và vốn đầu tư gián tiếp thông qua thị trường chứng khoán đang dần biến bức tranh ảm đạm của thị trường bất động sản Thủ đô thời gian qua thành một bức vẽ tươi sáng, giàu sức sống trong năm 2007
Theo Hà Quang
Đầu tư