Hàng triệu hộ nghèo, đối tượng khó khăn được hỗ trợ
(Dân trí) - Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, chính quyền các tỉnh thành Đồng Nai, Bình Phước, Sóc Trăng và TPHCM đã triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ các hộ nghèo, các đối tượng khó khăn nhằm thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội.
Tham dự buổi tọa đàm trực tuyến về thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tại TPHCM ngày 5/4, lãnh đạo 4 tỉnh thành Đồng Nai, Bình Phước, Sóc Trăng và TPHCM đều khẳng định sau 1 tháng thực hiện nghị quyết, bước đầu đã đạt được một số kết quả khả quan.
Đầu tiên là công tác quản lý ngân sách, chi tiêu công đã được các tỉnh thành thực hiện rất nghiêm túc, cắt giãn hàng trăm công trình xây dựng cơ bản bằng vốn ngân sách với vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng; các ban ngành thực hiện tốt chủ trương tiết kiệm chi tiêu phấn đấu giảm 10% chi tiêu công trong 9 tháng cuối năm 2011.
Cụ thể, Đồng Nai đặt mục tiêu giảm chi 60 tỷ đồng; đình hoãn, cắt giảm 48 dự án do UBND tỉnh phân bổ vốn với số vốn 125,5 tỷ đồng. Sóc Trăng dừng thực hiện 7 dự án với số vốn 39 tỷ đồng, hoãn khởi công 6 dự án với hơn 30 tỷ đồng. Bình Phước cũng cắt giảm hàng loạt công trình với tổng vốn đầu tư hơn 65 tỷ đồng.
Còn ở TPHCM, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP cho biết: “Về chi, đến giờ này chúng tôi đã xác định con số tiết kiệm trên 408 tỷ đồng. Về xây dựng cơ bản, TP đã giao các sở, ngành xem xét về tiến độ, khối lượng, trước mắt tiếp tục tạm dừng 89 dự án với số vốn 440 tỷ đồng”.
Một nội dung khác dễ thấy hiệu quả nhất là công tác đảm bảo an sinh xã hội. Lãnh đạo các tỉnh thành chia sẽ những mô hình hiệu quả mà địa phương đang thực hiện để hỗ trợ các đối tượng khó khăn.
Ngoài việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ chung do Chính phủ quy định, TPHCM còn có nhiều chương trình hỗ trợ các cán bộ, công chức công tác tại cơ sở. Ngoài ra, các tổ chức xã hội trên địa bàn TP còn phát động nhiều phong trào hỗ trợ từ trong dân đang được nhân rộng trên toàn TP.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP chia sẻ: “Việc chia sẻ khó khăn ở trong dân xuất phát từ Thủ Đức, tới ngày 31/3 đã được triển khai toàn TP. Cụ thể, 35.500 chủ nhà trọ đã hỗ trợ trên 700 ngàn người thu nhập thấp và học sinh, sinh viên bằng việc không tăng tiền nhà, tiền điện nước”.
Điện lực TP cũng đang đẩy mạnh công tác bán đúng giá điện cho các đối tượng ở trọ. Hiện TP có hơn 1 triệu công nhân, học sinh sinh viên phải thuê nhà thì đã có khoảng 850 ngàn người đã được mua điện đúng giá.
Ở Sóc Trăng, chính quyền đã bố trí 231 tỷ đồng hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho các đối tượng khó khăn, trích ngân sách ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội của tỉnh cho hộ nghèo vay vốn sản xuất, tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ nhà ở cho 13.000 hộ nghèo…
Ở Bình Phước, đối tượng khó khăn chủ yếu là các bà con dân tộc thiểu số (chiếm 20% dân số tỉnh). Do vậy, công tác chính của tỉnh là thực hiện các chương trình dự án định canh định cư, cho vay từ Quỹ xóa đói giảm nghèo để bà con sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề và nhà ở…
Còn ở Đồng Nai, lực lượng làm công ăn lương, công nhân tại các khu công nghiệp là khoảng 400.000 người. Đây là đối tượng gặp nhiều khó khăn trong tình hình hiện nay, được tỉnh chú ý hỗ trợ.
Ông Đinh Quốc Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho hay: “Chúng tôi cho rằng, điều đầu tiên, chúng ta tạo điều kiện hỗ trợ cho DN tiếp tục phát triển sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho công nhân. Đây là điều căn bản. Ngoài ra, thường xuyên làm việc với doanh nghiệp, chủ nhà trọ để tổ chức điều kiện sống cho công nhân tốt hơn, hỗ trợ công nhân trong các dịp lễ tết…”.
TPHCM trợ cấp cho người nghèo và công chức Trợ cấp đột xuất cho các đối tượng khó khăn để đảm bảo an sinh xã hội TPHCM vừa có quy định cụ thể về việc trợ cấp khó khăn đột xuất hàng tháng cho người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách trên địa bàn TP năm 2011. Cụ thể, các đối tượng trên sẽ được trợ cấp hàng tháng trong thời gian 9 tháng (từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2011) với mức trợ cấp khác nhau tùy đối tượng. Các hộ nghèo đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ 100.000 đồng/nhân khẩu/tháng. Đồng thời, các hộ nghèo còn được trợ cấp bù giá điện với mức hỗ trợ là 30.000 đồng/hộ/tháng. Các đối tượng bảo trợ xã hội sẽ được trợ cấp khó khăn hàng tháng với mức hỗ trợ là 50.000 đồng/người/tháng. Trợ cấp khó khăn đột xuất cho diện chính sách có công với cách mạng là 200.000 đồng/người/tháng. Cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước có hệ số lương từ 3,00 trở xuống được trợ cấp khó khăn đột xuất 200.000 đồng/người/tháng. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP cho biết: “TP đang cố gắng sắp xếp, cắt giảm các dự án xây dựng cơ bản từ vốn ngân sách chưa thật cần thiết, tiết kiệm chi tiêu ngân sách… để dồn ngân sách hỗ trợ các đối tượng khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội”. Ngoài việc thực hiện các chủ trương chung của Chính phủ, TPHCM còn có những chính sách riêng để hỗ trợ các đối tượng khó khăn, kêu gọi người dân hỗ trợ lẫn nhau trong giai đoạn khó khăn. Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Việc chia sẻ khó khăn ở trong dân xuất phát từ Thủ Đức, tới ngày 31/3 đã được triển khai trên toàn TP. Cụ thể, đã có hơn 35.500 chủ nhà trọ hỗ trợ trên 700 ngàn người thu nhập thấp và học sinh, sinh viên bằng việc không tăng tiền nhà, tiền điện nước. Đây là một hỗ trợ hết sức tích cực, cụ thể”. Tùng Nguyên |
Tùng Nguyên - Hải Thanh