1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hàng trăm nhà tốc mái, nhiều cây xanh gãy đổ trước giờ bão đổ bộ

(Dân trí) - Bão số 10 giật cấp 15, cấp 16 đã áp sát ven biển Hà Tĩnh - Quảng Trị. Dự báo từ chiều tối đến đêm nay, tâm bão số 10 sẽ đi vào vào đất liền các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Trị.

Bão số 10 vào gần bờ tiếp tục mạnh thêm và được dự báo sẽ là cơn bão ảnh hưởng có sức càn quét mạnh nhất trong năm nay khi vào đến đất liền nước ta.
 
(Nguồn: VTV)


Tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết, đến 10h trưa nay (30/9), tâm bão số 10 ở vào khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Trị khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km.
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết, khoảng chiều và tối nay (30/9), vùng tâm bão có khả năng đi vào địa phận các tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Trị. Đến 22h, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. 
 
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng có gió mạnh cấp 6 - 7, riêng khu vực các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 14 - 15. Ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 – 4 mét.

 
Bão số 10 đã áp sát ven biển Hà Tĩnh – Quảng Trị. (Ảnh: NCHMF)

Bão số 10 đã áp sát ven biển Hà Tĩnh – Quảng Trị. (Ảnh: NCHMF) - Thanh Trầm

“Bão số 10 là cơn bão hiếm gặp khi vào đến đất liền còn sức gió giật đến cấp 15, cấp 16. Không những gây gió giật mạnh, khi bão đổ bộ vào bão còn gây mưa to đến rất tại các địa phương nằm trong tâm bão và các tỉnh thuộc Bắc và Trung Trung Bộ. Lượng mưa dự báo có thể lên tới 400- 500ml liên tục trong đêm nay và ngày mai”- ông Tăng cho biết

Theo cơ quan khí tượng, trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới; sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển về phía Tây rồi suy yếu thành một vùng áp thấp. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam và Nam vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 9 - 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11 - 13, giật cấp 15 - 16. Biển động dữ dội. Bắc vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9.

Theo báo cáo từ ở trạm đảo Lý Sơn hiện đã có gió mạnh 16m/s (cấp 7), giật 22m/s (cấp 9); ở trạm đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh 16m/s (cấp 7), giật 21m/s (cấp 9); đảo Hòn Ngư có gió mạnh 14m/s (cấp 7), giật 18m/s (cấp 8); đảo Cồn Cỏ có gió mạnh 14m/s (cấp 7), giật 28m/s (cấp 10). Còn tại ven biển các tỉnh Thanh Hóa – Quảng Nam có gió giật cấp 6 – 7.
 
* * *

Sáng nay (30/9), UBND tỉnh Quảng Trị đã khẩn trương thành lập 5 đoàn công tác về tận các địa phương để trực tiếp chỉ đạo người dân phòng chống bão.

Chiều tối nay bão đổ bộ vào đất liền các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Trị
Các địa phương như đảo Cồn Cỏ hiện đang có mưa rất lớn, gió giật mạnh cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 11. Trên vùng đất liền tại Cửa Việt có gió giật cấp 8, cấp 9, giật trên cấp 10.

Theo thông tin từ Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Trị, hiện nay số hộ dân ở vùng ven biển nơi bão đổ bộ trực tiếp cần phải sơ tán là gần 3.900 hộ với hơn 7.700 người dân. Khi bão đổ bộ trực tiếp vào đất liền, số hộ dân cần sơ tán là hơn 20.500 hộ.

Người dân khẩn trương chằng chéo nhà cửa để đề phòng gió bão
Người dân khẩn trương chằng chéo nhà cửa để đề phòng gió bão

Ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho biết, từ đêm qua đến sáng hôm nay, địa phương này có mưa rất to, gió mạnh. UBND huyện, Ban chỉ huy PCLB & TKCN đã tiến hành di dời 1.240 hộ dân ra khỏi vùng xung yếu. Các lực lượng quân đội, công an… đã về trực tiếp các địa phương để giúp dân ứng phó với bão.

Mưa to gió lớn đã gây đổ nhiều cây cối

Mưa to gió lớn đã gây đổ nhiều cây cối (Ảnh: Đăng Đức)

Trao đổi qua điện thoại với PV Dân trí, ông Lê Đa Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Trị cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Quảng Trị có 2.508 tàu thuyền với 6.405 người đã nhận được thông tin về diễn biến bão số 10 và đã vào nơi neo đậu, trú tránh an toàn. Người dân ở các địa phương ven biển đã tích cực chằng chống nhà cửa và sẵn sàng ứng phó với bão số 10”.
 
*

Trưa 30/9, ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho biết, mưa bão đã gây ra những thiệt hại đầu tiên cho huyện này, 3 xã miền biển Ngư Thủy đã có hơn 500 ngôi nhà dân bị tốc mái. Bên cạnh đó, gió đã quật đổ 2 cây xà cừ tại Trường tiểu học xã An Thủy khiến một phòng chức năng của trường bị hư hỏng. Trên tuyến tỉnh lộ 16, mưa bão cũng đã quật đổ nhiều cây cổ thụ khiến giao thông bị ách tắc.

(Ảnh: Đăng Đức).
(Ảnh: Đăng Đức).
(Ảnh: Đăng Đức).
 
*
Kỳ Anh (Hà Tĩnh) lúc này đã có gió giật cấp 9, cấp 10 kèm theo mưa lớn. Những đợt sóng lớn đã tấn công bờ biển Kỳ Anh, cuốn phăng nhiều nhà hàng nằm sát mép biển. Khu vực chịu thiệt hại đầu tiên ở đây là những nhà hàng chuyên kinh doanh hải sản. Những đợt sóng cao 5-7 mét đập thẳng vào những dãy nhà hàng, thổi bay mái tôn, cuốn phăng gỗ, cánh cửa, bàn ghế… xuống biển.

Một nhà hàng bị gió, sóng hất tung mái

Một nhà hàng bị gió, sóng hất tung mái

Một nhà hàng khác gần như trơ trọi do bão tấn công

Một nhà hàng khác gần như trơ trọi do bão tấn công



Clip sóng biển cao 6m tấn công bờ biển Kỳ Anh, cuốn phăng nhiều nhà hàng xuống biển (Thực hiện: Văn Dũng - Huy Thái).
 
Đến sáng nay (30/9), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng cùng nhân dân địa phương ven biển từ Kỳ Anh tới Nghi Xuân thực hiện di dời khẩn cấp hơn 23.000 người về nơi trú an toàn để đối phó với cơn bão số 10.
 
Tại huyện Lộc Hà, sáng nay (30/9), Ban Chỉ huy PCLB huyện Lộc Hà đã tập trung chỉ đạo các xã ven biển tăng cường công tác quản lý, kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn, tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi, tổ chức neo đậu, giằng néo tàu thuyền tại các âu, bến bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, tập trung sơ tán dân sống ven biển, đảm bảo tài sản và an ninh trật tự. Các lực lượng như công an, bộ đội biên phòng, lực lượng dân quân, đoàn thanh niên... được điều động để ứng phó với gần 50 mét kè biển đang có nguy cơ bị sạt lở cao.
 
Lực lượng chức năng cùng người dân gia cố lại bờ kè (Ảnh: Anh Tấn)
Lực lượng chức năng cùng người dân gia cố lại bờ kè (Ảnh: Anh Tấn)

Vào khoảng 7h30 phút sáng nay, Bộ trưởng Cao Đức Phát cùng Ban PCLB Trung ương và Ban PCLB tỉnh Hà Tĩnh đã trực tiếp về tại địa bàn huyện Lộc Hà, để chỉ đạo công tác ứng phó cơn bão số 10 sắp đổ bộ vào đất liền, kiểm tra một số tàu thuyền đang cập bến tại âu cá xã Thạch Kim. .

Lực lượng chức năng cùng người dân gia cố lại bờ kè (Ảnh: Anh Tấn)
Người dân thôn Lâm Châu - xã Thạch Châu (Lộc Hà) được di tản đến trường tiểu học Thạch Châu tránh bão (Ảnh: Xuân Sinh)
 
Hiện diễn biến cơn bão khá phức tạp, mọi công tác phòng chống bão cũng như công tác chuẩn bị đối phó với bão khi đổ bộ vào đất liền đã được Ban PCLB Trung ương và Ban PCLB tỉnh Hà Tĩnh đã được triển khai.
 
 Nhóm PV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm