1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hạ du thủy điện Buôn Tua Srah (Đắc Nông):

Hàng trăm người dân ngăn sông cứu lúa

Từ sáng sớm 19/2, hàng trăm người dân xã Quảng Phú (huyện Krông Nô) đã tiến hành ngăn sông Krông Nô - một trong hai nhánh chính của sông Sêrêpốk - bằng các dụng cụ thô sơ, vật liệu đơn giản để cứu lúa và cứu người.

Hàng trăm người dân đắp đập trên sông Krông Nô bằng các dụng cụ thô sơ.

Hàng trăm người dân đắp đập trên sông Krông Nô bằng các dụng cụ thô sơ. 

 

Đây là việc làm chưa từng có trong lịch sử chống hạn ở địa phương này kể từ khi nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đi vào vận hành.

 

Tại trạm bơm D12 thuộc xã Quảng Phú, cùng với một máy múc, khoảng 200 người dân ngày 19/2 đã nhặt đá đóng bao, xếp ngang dòng sông Krông Nô để tạo thành đập dâng. Bên trong bờ, 3 vòi hút của trạm bơm D12 vẫn chưa có nước để hoạt động. Phía trên nữa, mặt ruộng đang khô nẻ, 90ha lúa đông xuân đã bắt đầu héo rũ...

 

Ông Lê Văn Thảo - thôn Phú Trung - cho biết: “Từ tết đến giờ, thủy điện Buôn Tua Srah chỉ xả nước được 2 ngày, tổng cộng thời gian xả nước khoảng 12 tiếng đồng hồ. Để có nước cho trạm bơm hoạt động, chúng tôi không còn cách nào khác là phải ngăn sông”.

 

Còn Chủ nhiệm Hợp tác xã thủy nông Quảng Phú Lê Văn Tỵ - đơn vị vận hành trạm bơm D12 - cho biết: “Ngoài việc huy động nhân công, chúng tôi kêu gọi mỗi hộ đóng góp 50.000 đồng mua vật tư”. Tuy nhiên, đến 14h ngày 19/2 thì thủy điện Buôn Tua Srah xả nước. Không chỉ việc ngăn sông phải dừng lại mà công lao của hàng trăm người dân cũng có thể sẽ bị... cuốn trôi.

 

Ông Hoàng Trung Thơ - Giám đốc Cty Quản lý và khai thác công trình thủy lợi Đắc Nông - cho biết: “Để đập tạm không bị thủy điện cuốn trôi, chúng tôi đã mua rọ đá kè chắn phía sau, đang vận chuyển đến hiện trường. Công ty cũng sẽ xem xét hỗ trợ về nhân lực, kinh phí mà người dân đã đóng góp. Về lâu dài, chúng tôi đã tính đến việc làm một đập tràn bêtông. Nhưng do lòng sông toàn đá cứng nên xây dựng đập tràn rất tốn kém, mặt khác nước có qua tràn để về hạ du hay không vẫn phụ thuộc thủy điện Buôn Tua Srah ở phía trên”.

 

Theo Hợp tác xã thủy nông Quảng Phú, Công ty CP thủy điện Buôn Kuốp - đơn vị quản lý thủy điện Buôn Tua Srah - cam kết mỗi ngày xả nước 12 giờ, lưu lượng 64m3/s về hạ du. Nhưng thực tế có ngày thủy điện chỉ xả được 5 giờ, lưu lượng chỉ bằng một nửa nên gây ra khô hạn khốc liệt.

 

Việc ngăn sông sẽ giúp người dân Quảng Phú cứu lúa và có nước sinh hoạt, nhưng cũng có thể gây khô hạn cho các xã phía dưới như Đắc Nang, Đức Xuyên, Nam Đà... Tất cả chỉ có thể trông vào lòng tốt của thủy điện Buôn Tua Srah.    

 

Dân bức xúc phá công trình thủy lợi

 

Trong khi Quảng Phú ngăn sông cứu lúa thì người dân các xã Buôn Chóa, Nam Đà liên tiếp đập phá, tháo dỡ các máy đóng mở nước trên hệ thống kênh mương. Công an các xã này khẳng định kẻ gian phá hoại, còn Cty quản lý và khai thác công trình thủy lợi Đắc Nông - Chi nhánh huyện Krông Nô thì cho rằng do thiếu nước sản xuất nên người dân bức xúc đập phá công trình.

 

Theo Đặng Trung Kiên
 
Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm