Nghệ An:
Hàng trăm người dân bỏ khu tái định cư về quê cũ
(Dân trí) - Không đất sản xuất, không nước sinh hoạt, không cái ăn,... hàng trăm người dân bản Kim Hồng, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương - thuộc khu tái định cư Bản Vẽ (Nghệ An) cám cảnh kéo nhau về quê cũ sinh sống, làm ăn.
Thiếu đất thiếu nước…
Ông Chưởng Văn Tình, một người dân Kim Hồng, than thở: “Từ ngày xuống đây chúng tôi khổ lắm. Đất sản xuất không có, nước uống cũng không một giọt, đường đi lại gập ghềnh, phải đi qua con suối lớn. Họ xây cho cái cầu nhưng đợt mua lũ tháng 8 vừa qua đã bị nước lũ cuốn trôi rồi, giờ cũng chẳng thể đi lại được nếu mưa to đổ xuống. Các em học sinh phải đi học nhờ ở trường bản khác. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra thì chúng tôi cũng về quê cũ thôi…”.
Trưởng bản Kim Hồng - ông Chưởng Xuân Tần - vừa đan lồng nhốt gà bằng mấy sợi giang vừa thở dài: “Ơ các chú không biết đó thôi, dân chúng tôi xuống đây 1 năm mà cả bản có được đất sản xuất đâu. Các hộ gia đình ở đây chỉ được mấy chục mét vuông đất trong vườn thôi. Bản chúng tôi đến thời điểm này đã có 56 hộ với 236 người tạm thời về trên quê cũ ở lòng hồ thủy điện Bản Vẽ kiếm ăn rồi. Một số hộ có con nhỏ đang đi học gửi lại anh em trông giữ, một số học sinh khác cũng đã theo bố mẹ về trên đó luôn”.
Rao bán nhà để về quê cũ
Trời xế chiều, chúng tôi gặp một nhóm thanh niên nam nữ bản Kim Hồng vừa đi rừng lấy măng về ăn. Họ cho biết đi cả buổi chiều chỉ kiếm được khoảng 1 cân măng, đủ ăn một buổi tối. Ngoài măng chỉ có sắn ăn kèm chứ cơm cũng không có.
Một số hộ dân khác cũng đang học theo anh Hùng, rao bán nhà ở KTĐC. Anh Lương Văn Thuyết bảo: “Bây giờ ở đây chán lắm rồi, đói, không đất sản xuất, không nước uống, không trường học, không cầu cống đi lại… Mọi thứ quá khó khăn. Tôi đang rao bán nhà mà chưa thấy ai dạm mua nên đang chờ, bán được về trên đó ngay chứ ở đây dân chúng tôi chết vì đói”.
Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Đào Duy Tân - Trưởng Ban QLDA thủy điện 2 - cho biết: “Chúng tôi đang phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tiến hành thu hồi một số diện tích rừng da báo của kiểm lâm và người dân bản địa để tiến tới bàn giao đủ cho dân. Sau khi bàn giao chúng tôi sẽ hướng dẫn để họ tự phát rẫy vừa có thu nhập thêm. Việc nói chưa có đất sản xuất là không đúng mà là chúng tôi giao chưa đủ. Thậm chí một số giao rồi nhưng họ không sử dụng hết. Riêng về hệ thống nước tự chảy bị hư hỏng gần 4 năm qua là có, nhưng một phần do dân thiếu ý thức. Hiện chúng tôi đang tiến hành tu sửa trong thời gian sớm nhất để nhân dân được sử dụng nước trước tết….”.
Nói về việc hàng chục hộ dân ở bản Kim Hồng rời KTĐC về quê cũ làm ăn, ông Tân cho hay: “Thông tin đó, chúng tôi chưa biết, cũng chưa thấy lãnh đạo huyện Thanh Chương, xã Ngọc Lâm báo chi cả….”.
Nguyễn Duy