1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Trị:

Hàng trăm hộ dân vùng biên giới chưa có hộ tịch

(Dân trí) - Sau hàng chục năm định cư tại Quảng Trị, trải qua 2-3 thế hệ, nhiều hộ dân người Vân Kiều - Pa Kô sống dọc tuyến biên giới giáp Lào vẫn chưa được nhập quốc tịch. Không có hộ tịch, cuộc sống của nhiều gia đình gặp không ít khó khăn, trẻ em đi học không được hưởng các chế độ chính sách.

Định cư gần 30 năm vẫn chưa có hộ tịch

Theo hoạch định biên giới năm 1979 giữa Việt Nam và Lào, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có nhiều hộ dân người Vân Kiều- Pa Kô sống dọc tuyến biên giới được chia về ở trên đất của nước bạn Lào. Sau đó, vì muốn trở lại quê cha đất tổ, phần lớn các hộ dân này đã tự quay về Việt Nam.

Nhiều hộ dân ở xã A Dơi đã trải qua nhiều thế hệ vẫn chưa có hộ tịch
Nhiều hộ dân ở xã A Dơi đã trải qua nhiều thế hệ vẫn chưa có hộ tịch

Hàng trăm hộ dân vùng biên giới chưa có hộ tịch

Tuy nhiên, do có nhiều vấn đề vướng mắc chưa được tháo gỡ nên mấy chục năm qua, số người dân thuộc diện này chưa được nhập quốc tịch. Hiện cuộc sống của các hộ dân đang gặp nhiều khó khăn vì chưa được hưởng mọi chế độ chính sách...

Không có hộ tịch khiến cuộc sống của người dân gặp khó khăn
Không có hộ tịch khiến cuộc sống của người dân gặp khó khăn

Năm 1998, anh Hồ Ta Lư (thôn A Dơi (Đớ), xã A Dơi, huyện Hướng Hóa), được cha mẹ đưa từ Lào về quê hương định cư. Từ đó đến nay, gia đình của Ta Lư đã có 3 thế hệ được sinh ra, sinh sống tại huyện Hướng Hóa. Tuy nhiên, đến thời điểm này gia đình anh vẫn chưa có hộ tịch.

“Họ nói mình là người Lào nên chưa nhập hộ tịch cho gia đình mình. Không có hộ tịch, gia đình mình gặp nhiều khó khăn lắm. Đau ốm đi viện không được cấp thuốc vì không làm được bảo hiểm. Con cái đi học cũng khó khăn. Mong Nhà nước quan tâm cho nhập hộ tịch để cuộc sống bớt khổ”, anh Ta Lư giãi bày.

Tại làng A Dơi hiện có hàng trăm người dân, dù đã định cư, sinh sống gần 30 năm vẫn chưa được nhập tịch. Và, cũng chừng ấy thời gian người dân nơi đây đã nhiều lần kiến nghị xin các cấp chính quyền xem xét nhập hộ tịch nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được.

Ông Hồ Pa Dỗi nói về những thiệt thòi đối với trẻ em khi không được hưởng các chính sách học tập
Ông Hồ Pa Dỗi nói về những thiệt thòi đối với trẻ em khi không được hưởng các chính sách học tập

Ông Hồ Pa Dỗi (xã A Dơi), cho biết: “Mong muốn cấp trên cho nhập tịch sớm để các cháu đỡ thiệt thòi. Các cháu không có học hành, trạm trường không có”.

Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có hàng trăm người dân trở về Việt Nam định cư sau hoạch định biên giới, nhưng đến nay vẫn chưa nhập hộ tịch. Riêng làng A Dơi hiện có gần 30 hộ dân, với trên 200 nhân khẩu. Trong đó, có 60 em ở độ tuổi đến trường, nhưng chỉ 22 em đi học và các em không được hưởng một quyền lợi nào. Không có hộ tịch, những hộ dân này cũng không được cấp đất sản xuất. Để mưu sinh, các hộ dân này phải phát rẫy trồng sắn, trồng lúa để đảm bảo nhu cầu sinh sống.

Những hộ dân không quốc tịch trên vùng biên giới
Những hộ dân không quốc tịch trên vùng biên giới

Ông Lê Phước - Trưởng phòng Tư pháp huyện Hướng Hóa cho biết: “Năm 1979 có hoạch định biên giới, một số bà con người dân tộc có quan hệ máu mủ với nhau. Tuy nhiên, sau một thời gian ở Lào một số chính sách không được đáp ứng nên họ quay trở về tự do như vậy”.

Theo ông Phước, ở cộng đồng A Dơi Đớ có 25 hộ và gần 500 người. Đến nay đã là đời thứ 3, có nhiều người sinh sống trên đất Việt rất lâu rồi, chính sách không được đảm bảo. Việc chấp hành pháp luật của họ rất là tốt.

Mặc dù đã được các cấp ngành địa phương tỉnh Quảng Trị tạo điều kiện thuận lợi cho số người dân trở về sinh sống tại quê hương. Thế nhưng, với những người dân ấy cần nhất vẫn là được nhập quốc tịch, để những đứa trẻ này được khai sinh, được đi học, được khám chữa bệnh hay là được hưởng chế độ như những đứa trẻ bình thường khác.

Giúp người di cư tự do ổn định cuộc sống

Thời gian gần đây, chính quyền địa phương đã nỗ lực để giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trên tuyến biến giới 2 tỉnh Quảng Trị - Savannakhet. Trong phiên làm việc gần đây tại tỉnh Savannakhet (CHDCND Lào), đại diện lãnh đạo 2 tỉnh đã thông báo về tình hình kinh tế xã hội, kết quả thực hiện và những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới 2 tỉnh thời gian qua.

Hai bên đã đi đến ký kết thống nhất các nội dung về giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) và Savannakhet (Lào) giai đoạn 2017 - 2019.

Theo hồ sơ, tài liệu và danh sách người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam – Lào, hai bên đã thống nhất tạo điều kiện cho hơn 280 người Lào di cư tự do trong vùng biên giới tỉnh Quảng Trị được phép ở lại nơi cư trú.

Hàng trăm hộ dân di cư tự do sau hoạch định biên giới 1979 cần được nhập tịch để ổn định cuộc sống
Hàng trăm hộ dân di cư tự do sau hoạch định biên giới 1979 cần được nhập tịch để ổn định cuộc sống

Các hộ dân này đang sinh sống trong vùng biên giới thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị trong khoảng thời gian trước năm 2000, trong đó có 25 hộ di cư, với 98 khẩu và 183 trường hợp người Lào kết hôn không giá thú với người Việt Nam. Tất cả những hộ, cá nhân người Lào di cư đã có cuộc sống, nghề nghiệp ổn định. Nguyện vọng của toàn bộ số người di cư từ Lào sang Việt Nam được nhập quốc tịch, cư trú lâu dài tại Việt Nam.

Đối với những người Việt Nam di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới tỉnh Savannakhet được phép ở lại cư trú, tổng số 411 người Việt Nam đã sinh sống trong vùng biên giới các huyện Sê Pôn, Nòng thuộc tỉnh Savannakhet. Những hộ/cá nhân người Việt Nam di cư sang Lào đã có cuộc sống, nghề nghiệp ổn định. Phần lớn đều cư trú ở các thôn, bản vùng cao, giao thông đi lại khó khăn. Nguyện vọng của toàn bộ số người di cư từ Việt Nam sang Lào là được nhập quốc tịch, cư trú lâu dài tại Lào.

Việc tạo điều kiện cho người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới 2 tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) - Savannakhet (Lào) được phép ở lại nơi cư trú, nhằm giúp các cư dân ổn định đời sống, phát triển kinh tế, góp phần ổn định an ninh - chính trị khu vực biên giới hai nước.

Đ. Đức – T. Nhất