Nghệ An:
Hàng trăm hộ dân “tuyên chiến” với tỉnh để chống ô nhiễm
(Dân trí) - Mấy ngày qua, hàng trăm hộ dân ở xã Nghĩa Quang và vùng lân cận huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) đã đến ăn chực nằm chờ, chặn mọi nẻo đường vào Công ty TNHH tấm gỗ nhân tạo Việt-Trung, do công ty này đang gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe nhân dân.
Dân: Sống cùng ô nhiễm
Công ty TNHH tấm gỗ nhân tạo Việt-Trung (Công ty VT) đóng trên địa bàn xã Nghĩa Quang, chính thức đi vào hoạt động từ cuối tháng 5/2004. Một thời gian ngắn sau, hàng ngàn hộ dân đóng trên địa bàn và các xã lân cận đã đồng loạt viết đơn kêu cứu, phản ánh về tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng của công ty này.
Ông Nguyễn Văn Khởi - Bí thư chi bộ xóm Quang Thịnh - bức xúc than: “Công ty hoạt động kéo theo xơ bụi gỗ ngâm tẩm hóa chất theo hướng gió xả lên trời, rồi đọng xuống nhà dân. Bụi gỗ phủ đầy cây cối, hoa màu rồi rơi xuống giếng…, mùi hóa chất cũng kinh khủng không kém. Hơn hai năm nay hàng ngàn hộ dân chúng tôi đang phải sống chung với ô nhiễm”.
Ông Khởi tiết lộ: Lúc nào họp xóm, dân cũng mang theo hàng tá túi nilon đựng chất thải hóa chất do ống khói của công ty xả ra để tố cáo. Nhiều hộ dân đã dùng vải bạt trùm trước nhà nhưng bụi vẫn “nhảy” vào nhà. Nhất là vào khi gió lên, chuyện nhiều gia đình phải ăn cơm trong màn hoặc các cháu nhỏ phải đeo khẩu trang khi đang học bài là chuyện bình thường.
Chị Thái Thị Dung - Chi hội trưởng Hội phụ nữ xóm Quang Thịnh - cũng bức xúc không kém: “Xóm tôi có gần 800 khẩu, trong đó có gần 200 cháu đang độ tuổi đến trường ngày đêm phải “cày xới” chất độc hại từ Công ty VT xả ra. Không riêng gì xóm tôi mà trẻ em ở nhiều xóm khác trong xã đã mắc những bệnh về mắt, đường hô hấp… Nhiều người lớn bị sốt xuất huyết dạ dày, đau bụng kinh niên, thậm chí ho ra máu…”.
Nước thải độc hại từ Công ty VT thải ra nguồn nước khiến nhiều giếng ăn ở xóm Lam Sơn bị ô nhiễm nặng, nhiều ao cá bị chết.
Trung tâm quan trắc và kỹ thuật môi trường thuộc Sở tài nguyên môi trường Nghệ An khẳng định: Chỉ tiêu NH4 ở công ty vượt tiêu chuẩn Việt Nam 5949-1995 đến 6,6 lần và chỉ tiêu BOD3 vượt 1,3 lần. Nghĩa là các chỉ tiêu về môi trường đã vượt quá mức cho phép.
Lãnh đạo: Kẻ đấm người xoa
Thực trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ Công ty VT đã được UBND huyện Nghĩa Đàn xác nhận: Kể từ khi Công ty VT đi vào hoạt động đã gây nên ô nhiễm môi trường như bụi than, bụi gỗ và nước thải. Huyện đã có Thông báo số 199/TBUB ký ngày 9/9/2004, yêu cầu công ty này phải sớm có biện pháp khắc phục để trả lại môi trường trong sạch cho dân.
Tiếp đó UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn yêu cầu công ty xử lý dứt điểm về môi trường. Tuy nhiên, nhiều đoàn kiểm tra của tỉnh đã về Công ty VT và cho kết luận công ty này chưa có động thái gì để giảm thiểu ô nhiễm.
Trước tình hình đó, ngày 20/2/2005, Sở tài nguyên môi trường Nghệ An ra công văn số 308/CV-TNMT yêu cầu công ty tạm ngừng sản xuất. Cùng với sức ép của dân, UBND tỉnh Nghệ An đã đồng ý chuyển Công ty VT đến địa điểm mới là xã Đông Hiếu.
Tưởng mọi chuyện sẽ êm xuôi, hàng ngàn người dân sẽ thoát được cảnh sống “chung thân” với ô nhiễm, song “chuyện lạ” đã xảy ra. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đình Chi đã ký công văn, “khai sinh” lần thứ hai Công ty VT, cho phép công ty này tiếp tục hoạt động trên địa bàn (!?).
Cụ thể ngày 7/6/2006, tại công văn số 3025 UBND/DT do ông Chi ký có nội dung “xin” cho Công ty VT tiếp tục được hoạt động đến ngày 31/12/2006. Tiếp đến ngày 11/8/2006, tại công văn 4477 do ông Chi ký có nội dung cho phép Công ty VT hoạt động trở lại, thời gian và địa điểm hoạt động sản xuất của công ty do công ty tự quyết định (?!). Chưa dừng lại ở đó, ngày 8/9/2006 tại công văn số 5074/UBND-ĐT cũng do ông Chi ký, quyết định: Cho phép Công ty VT hoạt động kể từ ngày 15/9/2006.
Và UBND tỉnh đã đồng ý để công ty hoạt động sản xuất trong thời gian 12 tháng kể từ khi công ty trở lại sản xuất. Tình trạng ô nhiễm của Công ty VT đã được Trung tâm quan trắc và kỹ thuật môi trường khẳng định, ô nhiễm là có thật, nỗi khổ của nhân dân là thật, không hiểu sao ông phó chủ tịch Nguyễn Đình Chi lại “cưng” công ty đến thế?
Thậm chí, tại công văn 5074, ông Chi còn ra vẻ “chưa biết” chuyện gì đang xảy ra với dân: “Trong 12 tháng hoạt động sản xuất của công ty, dù bất kỳ hoàn cảnh nào nếu vi phạm chỉ số an toàn về môi trường thì phải ngừng hoạt động”. Xin thưa, cái “dù bất kỳ hoàn cảnh nào” của ông đã xảy ra từ lâu rồi. Điều người dân băn khoăn, mong mỏi là bao giờ “lò” ô nhiễm VT mới chuyển đi nơi khác và bao giờ thì con em họ mới không phải vừa ngồi học bài trong lớp vừa đeo khẩu trang?
Sáng 11/9, phóng viên Dân trí đã có mặt tại “điểm nóng” xã Nghĩa Quang, hàng trăm người dân đang kéo nhau chặn các ngã đường vào Công ty VT, không cho công ty hoạt động. Một người dân cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng “tuyên chiến” với tỉnh để chống lại ô nhiễm môi trường từ Công ty VT!”.
Đặng Nguyên Nghĩa