Nghệ An:

Hàng trăm hộ dân “khát khô” cạnh nhà máy nước

(Dân trí) - “Nước bơm lên phơi nắng thì nổi váng vàng khè, nấu cơm thì cơm có màu vàng, nấu chè xanh thì nước chuyển đen ngòm”, nhưng hàng trăm hộ dân khối 1, 2 xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An hàng chục năm nay đang phải dùng nguồn nước như vậy.

Cách TP Vinh, Nghệ An 5km, gần nhà máy nước sạch Hưng Nguyên, nhưng hàng trăm hộ dân khối 1, 2 xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên phải dùng nước sông, nước mưa để sinh hoạt đã hàng chục năm nay.

 

Nửa làng dùng nước sông

 

Không phải vì người dân ở đây quá nghèo đến nỗi không thể khoan giếng lấy nước dùng. Nhưng hiếm một nỗi đất ở đây rắn quá, khoan chưa đến mạch nước thì đã phải dừng. Gia đình nào “may mắn” khoan được lỗ có nước cũng chẳng dám lấy để dùng.

 

“Nước bơm lên thì trong vắt, mát mẻ, phơi nắng một lúc thì thấy nổi váng vàng khè, phải lọc qua một lớp than, cát, sỏi thậm chí dùng cả phèn chua tẩy rửa rồi lấy nước đó nấu cơm, khi cơm chín tới cũng có màu vàng… sợ lắm chẳng ai dám ăn. Còn nấu nước chè xanh thì nước chuyển sang mà đen ngòm kinh hoàng”, chị Nguyễn Thị Nhung, một người dân xã Hưng Đạo cho biết.

 

Không dùng được nước giếng đào, gia đình chị Nhung đành chuyển sang “phương án” múc nước sông Đào về ăn.

 

Mới đây gia đình chị đã đầu tư hơn 3 triệu đồng mua máy bơm, ống nhựa bắt từ ngoài sông về. Hai, ba nhà chung nhau một đường ống. “Đấy là những nhà gần sông mới dùng được ống dẫn nước về, còn những nhà phía sát chân núi Mượu thì phải gánh”, ông Phan Anh Tú, khối trưởng khối 1 nói.

 

Hàng trăm hộ dân “khát khô” cạnh nhà máy nước - 1
Những gia đình khá hơn thì mua được ống nước dùng máy hút từ sông Đào về, 3-4 gia đình dùng chung một máy
 

 

Gia đình ông Nguyễn Đình Tân (60 tuổi), nằm sát chân núi Mượu phải thức dậy từ 3 giờ sáng để ra sông Đào gánh nước. Đường từ nhà ra sông khoảng 1km, cả đi lẫn về mất gần 30 phút/mỗi chuyến gánh nước.

 

“Gánh nước từ ngoài sông Đào về tới nhà phải băng qua quốc lộ 46. Thân ông ấy già rồi, tôi thì không thể gánh nổi, để sáng ra gánh thì ô tô, xe máy chạy liên tục trên đường nên rất khó qua lại. Cho nên ông ấy, chọn giải pháp là đi gánh nước từ 3 giờ sáng để tránh tai nạn có thể xảy ra…”, bà Mỵ, vợ ông Tân giải thích. 

 

Nước sông Đào được đưa về dùng không chỉ để tắm rửa, giặt giũ mà nhiều lúc còn để nấu cơm, luộc rau... Chẳng ai dám khẳng định nước sông đã lọc qua cát, than và sỏi đảm bảo vệ sinh, nhưng không dùng thì chẳng biết lấy nước ở đâu ra.

 

“Bữa mô nước sông Đào trong lấy dùng cũng đỡ sợ. Chứ nhiều hôm nước sông đỏ một màu đục ngầu nhưng cũng phải nhắm mắt làm ngơ lấy nước về dùng, không biết mần răng cả”, ông Tân thở dài.

 

Ông Tân cũng cho biết thêm, một năm 12 tháng thì mất hẳn 6 tháng ông phải đi gánh nước sông Đào về dùng.
 
Hàng trăm hộ dân “khát khô” cạnh nhà máy nước - 2

Mấy chục năm nay, ngày nào ông Tân cũng phải đi cả cây số gánh nước sông về dùng

 

Năm ngoái con trai ông lấy vợ là người thành phố. Thương con dâu dùng nước máy quen, giờ về nhà chồng phải dùng nước sông ông bà bàn nhau mua được hai thùng bê tông loại 1m3 về trữ nước mưa để dùng làm nước ăn. Còn tắm rửa vẫn phải dùng nước sông Đào, có thời điểm lâu trời không mưa, nước trong bể cũng cạn.

 

Chị Hiền, con dâu ông Tân tâm sự: “Hồi mới về làm dâu em cũng không tin ở một vùng cách thành phố Vinh khoảng 5km mà vẫn phải gánh nước sông về ăn. Giờ thì cũng quen rồi. Cho nên ở đây có chuyện người ta tắm chỉ với hai gàu nước là xong”.

 

Chị Hiền cũng cho biết thêm, cứ mỗi lần về TP.Vinh chị đều kèm theo hai cái can để lấy nước sạch về cho bố mẹ chồng. Sắp tới chị sinh con, phải nhờ các cậu, các dì chở nước lên để tắm rửa cho cháu bé”.

 

Sống trong cảnh thiếu nước năm này qua năm khác nên người dân ở đây quý nước hơn vàng. Nhà nào có điều kiện để xây cho mình một bể trữ nước mưa cũng chẳng yên tâm. Xung quang làng có đến 3 cái lò gạch đỏ lửa suốt ngày đêm, một nhà máy nấu nhựa đường và những đám bụi khổng lồ do việc khai thác đá chuẩn bị xây dựng nhà máy bia rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Chẳng ai dám cam đoan nước mưa lọc qua đám bụi ấy có đủ sạch mà dùng hay không.
 

Hàng trăm hộ dân “khát khô” cạnh nhà máy nước - 3

Giếng nước đào nay chẳng có hộ dân nào dám dùng, nhiều gia đình đã lấp giếng vì nước ô nhiễm.

 

Xa vời nước sạch!

 

Theo thống kê của trạm y tế xã Hưng Đạo, trong 3 năm gần đây khu vực này đã có 9 người chết vì bệnh ung thư. Từ đầu năm 2009 đến nay đã có 2 người chết vì căn bệnh quái ác này. Cá biệt có ba nhà liền kề nhau đó là gia đình anh Trịnh Quốc Hùng, anh Phạm Ngọc Mai và ông Nguyễn Tăn Tứ đều có người chết vì bệnh ung thư.

 

Chưa có nghiên cứu nào về nguyên nhân của những căn bệnh này nhưng cái  chết của họ đã làm cho người dân ở đây ăn không ngon, ngủ không yên. Theo họ nguồn nước có thể là nguyên nhân hàng đầu. Cũng theo thống kê của trạm y tế Hưng Đạo thì tỷ lệ mắc các bệnh phụ khoa và bệnh ngoài da ở hai khối này cao hơn những xóm khác trong xã.

 

Không phải nhu cầu nước sạch ở nơi này giờ mới trở nên gay gắt. Cách đây 5 năm, trước nhu cầu bức thiết về nước sạch của nhân dân khối 1, khối 2, ông Nguyễn Công Liêm, chủ nhiệm HTX cổ phần dịch vụ điện năng Đại Huệ đã đặt vấn đề với nhà máy nước Hưng Nguyên đưa nước sạch về đây.

 

Nhà máy cũng đã đồng ý và cho người về đo đạc để chuẩn bị xây dựng đường ống dẫn nước. Tuy nhiên kế hoạch đã bị dừng lại. “Phải mất 250 triệu mới xây dựng được đường ống, huyện đã hỗ trợ 50 triệu nhưng hồi đó chỉ có 100 nhà đăng ký tham gia. Công việc chủ yếu của họ là phu đá, 2 triệu để xây đường ống dẫn nước cũng là quá lớn đối với họ”, ông Liêm cho biết.

 

Có nước sạch để dùng vẫn là mong mỏi lớn nhất của hàng trăm hộ dân nơi đây. Nhưng xem ra mong mỏi ấy thành hiện thực vẫn còn xa vời.

 

Sông Đào bắt nguồn từ Bara Nam Đàn lấy dòng nước sông Lam đổ về qua các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên và xuôi về thành phố Vinh. Ngay trên dòng sông Đào, nhà máy nước Nghệ An lấy nguồn nước để phục vụ cho hàng trăm ngàn hộ dân TP.Vinh. Thế nhưng, gần đây dòng sông Đào được đánh giá là nguồn nước đang bị ô nhiễm…

 

 

 N.Duy - H.Lam