1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đà Nẵng:

Hàng trăm dân bao vây nhà máy gây ô nhiễm, TGĐ nói lời xin lỗi

(Dân trí) - Quá bức xúc vì nhà máy thép gây ô nhiễm, hàng trăm người dân đã kéo đến bao vây, yêu cầu hai nhà máy phải ngừng hoạt động. Trước sức ép của dân, lãnh đạo địa phương đã tổ chức họp dân gấp và phía doanh nghiệp đã phải đưa ra lời xin lỗi.

Chiều 25/3, tại hội trường thôn Vân Dương 2 (xã Hòa Liên, Hòa Vang, Đà Nẵng), lãnh đạo huyện Hòa Vang và xã Hòa Liên đã tổ chức buổi đối thoại giữa hàng trăm hộ dân và lãnh đạo Công ty CP thép Thái Bình Dương và Dana-Ý (KCN Hòa Khánh mở rộng, quận Liên Chiểu).

Trước đó, tối 24/3, hơn 300 người dân thôn Vân Dương 2 đã kéo đến bao vây hai nhà máy thép trên để phản đối tình trạng khói, bụi và tiếng ồn khiến cuộc sống của họ bị ảnh hưởng xấu.
 
Hàng trăm dân bao vây nhà máy gây ô nhiễm, TGĐ nói lời xin lỗi
Người dân phản ảnh ống khói của hai nhà máy thép ban đêm xả khói nghi ngút và cần cẩu hoạt động sát bờ rào gây tiếng ồn

Đặc biệt, theo phản của người dân, hai nhà máy trên thi nhau xả khói và bụi khiến họ không thể ngủ nghỉ. Cực chẳng đã, giữa đêm khuya họ phải kéo đến yêu cầu các nhà máy ngừng hoạt động. Sau khi nghe các cấp lãnh đạo địa phương giải thích và hứa sẽ tổ chức đối thoại với dân vào chiều 25/3, người dân mới ra về.

Tại cuộc đối thoại chiều 25/3, rất nhiều người dân bức xúc “kể tội” hai nhà máy này đã “hành hạ” họ mấy năm nay. Anh Nguyễn Tấn (37 tuổi) nhà ở sát hàng rào nhà máy thép Dana-Ý bức xúc: “Tôi có hai con, một đứa đang học lớp 7, một đứa đang học mẫu giáo nhưng không đêm nào chúng có thể học bài yên ổn vì tiếng ồn và bụi khói từ nhà máy thải ra. Ban đêm ban ngày gì cũng không thể nghỉ ngơi được, người già trẻ em ở đây bị nhiều bệnh vì hai nhà máy thép này”.

 
Hàng trăm dân bao vây nhà máy gây ô nhiễm, TGĐ nói lời xin lỗi
Vách tường của nhà máy thép Dana-Ý sát nhà dân bị sắt thép làm thủng, vừa được trám lại

Người dân ở đây cho biết, họ đã sinh ra, lớn lên định cư ở đây nhưng từ khi các nhà máy thép đặt giữa khu dân cư thì cuộc sống của họ bị đảo lộn. Người dân gửi biết bao nhiêu đơn thư đến các cấp lãnh đạo từ xã lên thành phố nhưng không được giải quyết.

Một người dân khác là ông Trương Văn Lung không kìm nén bức xúc khi phát biểu: “Nghe nói chính quyền sẽ di dời giải tỏa chúng tôi đi nơi khác từ mấy năm nay nhưng đến nay chúng tôi cũng chưa nhúc nhích. Trước tết vừa qua, chính quyền có hứa là đầu năm nay sẽ giải tỏa khu vực này đi nhưng nay đã gần hết quý 1 mà cũng chưa thấy gì hết. Dân chúng tôi còn chịu đựng cho đến bao giờ nữa?”.

Ông Lung còn mời ông giám đốc hai nhà máy thép trên cùng cán bộ các cấp đến đây ăn ngủ với người dân vài ngày để nghe, thấy và hít thử khói bụi xem có chịu được không, mà để người dân phải chịu đựng mấy năm nay.
 
Hàng trăm dân bao vây nhà máy gây ô nhiễm, TGĐ nói lời xin lỗi
Hàng trăm người dân tại buổi đối thoại với chính quyền địa phương và lãnh đạo hai nhà máy thép

Nhiều hộ dân khác thì cho rằng về đêm, các nhà máy thép dùng cần cẩu để cẩu khối lượng phế liệu lớn. Mỗi lần nhấc, hạ cẩu đều gây tiếng động rất mạnh, làm chấn động cả khu vực khiến không ai có thể ngủ ngon giấc. Một số nhà dân bị nứt nẻ, rung mái tôn do tiếng động mạnh từ các nhà máy gây ra.

“Một là nhà máy đi, hai là người dân chúng tôi đi. Nếu đi thì khi nào chúng tôi sẽ được đi? Lãnh đạo làm không được thì chúng tôi sẽ “làm” để nhà máy đỡ ồn và bụi” - lời phát biểu của ông Phạm Mai khiến nhiều người ủng hộ vỗ tay rần rần.

Được biết từ khi các nhà máy này đi vào hoạt động, chưa khi nào giữa cán bộ nhà máy và người dân có tiếng nói đồng thuận. Từ đó nảy sinh xung đột giữa hai bên, rất nhiều lần vào ban đêm, khi nhà máy xả bụi và gây tiếng ồn, người dân ở ngoài lấy đá ném rào rào vào trong nhà máy khiến cho mâu thuẫn giữa hai bên càng thêm gay gắt.

Tại buổi đối thoại, ông Hồ Nghĩa Tín - Tổng giám đốc Công ty CP thép Dana-Ý - cho biết đã đầu tư hai hệ thống xử lý bụi và khói nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm được, ông cho biết sẽ đầu tư thêm một hệ thống xử lý nữa để hạn chế thấp nhất tình trạng này.
 
Hàng trăm dân bao vây nhà máy gây ô nhiễm, TGĐ nói lời xin lỗi
TGĐ Công ty CP thép Dana-Ý, ông Hồ Nghĩa Tín nói lời xin lỗi dân vì tình trạng ô nhiễm của nhà máy

“Còn về tiếng ồn, tôi thành thật xin lỗi bà con vì vừa qua có đợt hàng về lớn nên có đưa cẩu đến sát bờ rào của dân để hoạt động, do đó có sinh ra tiếng ồn khiến bà con bức xúc”, ông Tín nói.

Tổng Giám đốc Công ty CP thép Thái Bình Dương - ông Nguyễn An - thì trần tình: “Xin bà con “chia sẻ” với nhà máy chúng tôi khi hoạt động về đêm vì đó là giờ thấp điểm, phải sản xuất để tiết kiệm điện”.

Ông An cũng hứa sẽ từng bước khắc phục tiếng ồn và bụi trong thời gian chờ giải tỏa người dân đi nơi khác vì với nhà máy sản xuất thép, việc gây bụi và tiếng ồn là điều khó tránh khỏi. Tuy thời gian qua, công ty đầu tư nâng cấp trang thiết bị để giảm thiểu ô nhiễm và hạn chế tiếng ồn nhưng chưa giải quyết triệt để.

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Liên - ông Nguyễn Thu - việc người dân kiến nghị để giảm tiếng ồn và khói bụi ô nhiễm là nguyện vọng chính đáng. Sau nhiều lần họp, các công ty đã cam kết với người dân đảm bảo môi trường nhưng thực tế các công ty này không đáp ứng được cam kết trên và có dấu hiệu gia tăng hoạt  động, gây ồn mạnh trong thời gian gần đây khiến người dân thêm bức xúc.

Còn Bí thư xã Hòa Liên, ông Lê Văn Hùng Vương thì cho rằng doanh nghiệp nên hoạt động sản xuất theo năng lực xử lý chất thải, không xử lý được thì phải ngưng hoạt động cho đến khi giải tỏa xong người dân đi nơi khác.
 
“Đề nghị các công ty chấp hành tốt cam kết với người dân, phải tôn trọng lợi ích nhân dân, nếu không lợi ích của doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng”, ông Vương phát biểu.

Cũng tại buổi đối thoại, ông Đặng Thương - Phó Chủ  tịch UBND huyện Hòa Vang - cho biết ngày 22/3, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã đến kiểm tra, rà roát các hộ dân ảnh hưởng bởi hai nhà máy thép; đồng thời ra thông báo kết luận, yêu cầu ngành chức năng khẩn trương hoàn thành công tác đền bù trước ngày 30/6/2012 cho các hộ đang ở thực sự và trước ngày 30/9 cho các trường hợp khác.

Theo thống kê của huyện Hòa Vang, có gần 260 hộ ảnh hưởng hai nhà máy thép và đến nay có 232 hộ được kiểm định. Tuy nhiên việc đền bù, giải tỏa còn chậm triển khai.

“Huyện sẽ chi trả tiền ngay để người dân có thể thuê nhà ở nơi khác cho đến khi được bố trí tái định cư. Dự kiến đến tháng 7-8 mới có đất thực tế để bố trí cho bà con”, ông Thương cho biết.

 Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm