Hà Tĩnh:
Hàng trăm bộ hồ sơ chính sách bị cán bộ "ngâm" trong... tủ
(Dân trí) - Khi một số quy định của Nghị định 74/NĐ-CP về chính sách sắp hết hiệu lực, nhiều người dân xã Hòa Hải đã kéo lên huyện vì không được nhận tiền. Sau khi kiểm tra, lãnh đạo huyện cũng như người dân “tá hỏa” khi phát hiện tất cả các bộ hồ sơ vẫn đang bị “ngâm” tại xã.
Ra trường 4 năm vẫn chưa được nhận tiền
Sau khi báo Dân trí có bài viết “Chính quyền ngâm hồ sơ, dân dài cổ chờ chế độ” phản ánh sự việc cán bộ chính sách ở xã Hòa Hải, huyện Hương Khê thiếu trách nhiệm, ngâm hồ sơ dẫn tới nhiều gia đình chính sách không nhận được tiền mai táng phí, chúng tôi tiếp tục nhận được đơn phản ánh, tố cáo của người dân liên quan đến những tiêu cực, thiếu trách nhiệm đối với cán bộ chính sách xã này.
Anh Đậu Đình Khanh (xã Hòa Hải) sinh viên Trường Đại học Hàng Hải (Hải Phòng) là con của thương bệnh binh Đậu Thế Công phản ánh: Anh ra trường năm 2011. Theo quy định thì con của thương bệnh binh sau khi ra trường sẽ được Nhà nước hỗ trợ một khoản tiền gọi là tiền trợ cấp tốt nghiệp. Thế nhưng, đến nay anh ra trường đã 4 năm vẫn chưa nhận được số tiền này.
Anh Khanh cho biết: “Năm 2012, tôi và em gái của tôi sau khi ra trường đã làm hồ sơ để nhận số tiền này. Em gái tôi đã nhận được, trong khi đó tôi thì chưa. Số tiền này chỉ 3 triệu đồng, dù nó không lớn nhưng đây là những đồng tiền thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với con em của những người có công với đất nước”.
“Khi chúng tôi lên hỏi thì cán bộ chính sách ở đây bảo là đã chuyển hồ sơ lên huyện đầy đủ rồi”, anh Khanh cho biết thêm.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Đăng Nghĩa, có con là Nguyễn Đăng Lương, sinh viên Trường Cao đẳng Điện tử Viễn thông Hà Nội thuộc diện được miễn, giảm học phí theo diện xã có điều kiện đặc biệt khó khăn 135.
“Gia đình chúng tôi đã làm hồ sơ 4 học kỳ nhưng 1 học kỳ bị lỗi. Còn 3 học kỳ chúng tôi làm đầy đủ và đúng. Thế nhưng, giờ chỉ nhận được tiền của 2 học kỳ. Vậy số tiền của một học kỳ nữa ở đâu?”, ông Nghĩa thắc mắc.
Hàng trăm bộ hồ sơ bị “ngâm”
Đem những thắc mắc này trao đối với cán bộ chính sách xã Hòa Hải thì chúng tôi nhận được những câu trả lời hết sức mơ hồ.
Đối với trường hợp của anh Đậu Đình Khanh thì ông Trần Xuân Hương, trước làm cán bộ chính sách xã Hòa Hải giải thích: “Trong năm học cuối 2010-2011, trường hợp Đậu Đình Khanh chỉ được duyệt trả 1 học kỳ thôi, một học kỳ là 4 triệu, nhưng huyện lại trả thừa một học kỳ. Nên chúng tôi đã lấy số tiền thừa này (4 triệu - PV) để bù lại số tiền hỗ trợ tốt nghiệp cho anh Khanh. Hiện vẫn đang thừa ở anh Khanh 1 triệu đồng”.
“Cái này là do Phòng LĐTB&XH duyệt chưa kỹ nên bị nhầm lẫn”, vị này cho biết thêm.
Còn trường hợp của ông Nguyễn Đăng Nghĩa, có con là Nguyễn Đăng Lương thì ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hải cho biết: Trường hợp này là do anh Phan Anh Tuấn, cán bộ chính sách làm. Anh Tuấn cũng khẳng định là anh đã nhận từ phía gia đình ông Nghĩa 3 bộ hồ sơ.
Nguyên nhân khiến gia đình ông Nghĩa chỉ nhận được tiền của 2 học kỳ là do lỗi của gia đình. “Đúng là gia đình ông Nghĩa đã làm 3 bộ hồ sơ. Tất cả đều đủ và đúng. Tuy nhiên, do gia đình ông Nghĩa làm mất đi cái “Giấy hẹn trả kết quả làm việc” nên chỉ nhận được 2 học kỳ thôi!?”
Để rõ hơn, chúng tôi đã có buổi làm việc với phòng LĐTB&XH huyện Hương Khê thì chúng tôi mới biết là tất cả những hồ sơ của người dân làm chưa lên “thấu” huyện.
Đây không chỉ là lần đầu tiên những hồ sơ chính sách của người dân xã Hòa Hải bị vị cán bộ Phan Anh Tuấn "ngâm". Trước đó năm 2014 cũng có đến hàng trăm bộ hồ sơ chính sách của người dân với số tiền lên tới gần 1 tỷ đồng cũng bị vị này “ngâm”.
Ông Bùi Ngọc Du, Phó Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Hương Khê. “Khi nghị quyết 72/NQ-CP năm 2014 bãi bỏ một số điều của Nghị định 74/2009/NĐ-CP thì bắt buộc các hồ sơ liên quan quan đến chính sách của Nghị định này phải hoàn thành và nộp lên. Đến thời điểm đó, nhiều người dân vẫn chưa nhận được tiền nên họ kéo lên huyện rất đông. Lúc đó, chúng tôi yêu cầu xã rà soát lại thì phát hiện là rất nhiều bộ hồ sơ đang nằm tại xã. Cái này lúc đó là do đồng chí Phan Anh Tuấn phụ trách”.
“Sau đó chúng tôi phải làm tờ trình để xin Sở Tài chính. Rất may, là cuối cùng người dân cũng đã nhận được đầy đủ số tiền. Nếu không phát hiện, chậm trễ thời gian nữa thì những quyền lợi của dân sẽ bị mất”, ông Du cho biết thêm.
Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hải: “Anh Phan Anh Tuấn là cán bộ công chức về công tác tại xã Hòa Hải từ năm 2012 đến nay. Trong bảng đánh giá công chức viên chức năm 2014 thì 6 tháng đầu năm chúng tôi đã xếp loại đồng chí Tuấn không hoàn thành nhiệm vụ rồi. Giờ cả năm không hoàn thành nhiệm như vậy nữa thì cũng khó xử”. |
Xuân Sinh - Thiết Lê