1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hải Dương:

Hàng nghìn liều văcxin không rõ nguồn gốc được tiêm cho dân

(Dân trí) - Có tới 1.600 liều văcxin phòng bệnh Sởi không rõ nguồn gốc đã được tiêm cho người dân. Văcxin trong diện tiêm chủng mở rộng quốc gia (miễn phí) bị lợi dụng biến thành văcxin dịch vụ và được bán cho dân với giá 20.000đ/liều.

Mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện vụ việc tày đình trên tại Trung tâm y tế dự phòng (TTYTDP) huyện Chí Linh - Hải Dương.

Văcxin chương trình tiêm chủng quốc gia bị đánh tráo

Đầu năm 2009, TTYTDP tỉnh Hải Dương thực hiện chỉ đạo phòng chống dịch Sởi từ Bộ Y, tế cấp miễn phí cho TTYTDP huyện Chí Linh 1.400 liều văcxin phòng Sởi (sản xuất tại Pháp, số lô 5339; hạn sử dụng 22/5/2010) để thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia.

Hàng nghìn liều văcxin không rõ nguồn gốc được tiêm cho dân - 1
Hồ sơ vụ việc liên quan đến số văcxin "ma" tại TTYTDP huyện Chí Linh. (Ảnh:TT)
 
Theo Quy định của Bộ Y tế (23/08 QĐ-BYY ngày 7/7/2008 ) về Sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế trong dự phòng và điều trị do Bộ Y tế ban hành,  quy trình tiếp nhận, cấp phát vắc xin, sinh phẩm y tế phải được tuân thủ chặt chẽ như sau: Khi nhận hoặc cấp vắcxin, sinh phẩm y tế cơ sở phải tiến hành đầy đủ các quy định về kiểm tra, ghi chép và lưu lại những thông tin vào phiếu hoặc sổ nhận; Đảm bảo tất cả các thông tin đều chính xác. Những thông tin sau cần ghi chép khi phân phối như: ngày cấp phát, chủng loại, số lượng, cơ sở sản xuất, nước sản xuất;hạn sử dụng đối với từng lô;số giấy phép đăng ký lưu hành hoặc số giấy phép nhập khẩu.
 
Cơ sở y tế phải ký cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện các hoạt động chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao. 
Nhưng chỉ 400 liều văcxin trong số này được sử dụng theo quy định. Số còn lại bị “hô biến” để trở thành văcxin dịch vụ. Theo đó, ai muốn tiêm phòng Sởi phải nộp cho cán bộ y tế 20.000 đồng/liều.

Khi người dân phát hiện sai phạm và gửi đơn phản ánh, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc TTYTDP huyện có công văn trả lời, khẳng định đây là tiêm dịch vụ, các khoản thu trên là đúng theo quy định gồm: tiền thuốc, bơm kim tiêm, tổ chức tiêm…

Tuy nhiên, sau đó do không thể lấp liếm được sai phạm của mình, ông Đặng Đức Thiệu, Phó Giám đốc TTYTDP huyện Chí Linh đã tìm cách “bù lại” số văcxin đã mang đi tiêm dịch vụ bằng cách thông đồng với ông Đặng Văn Phách, Trưởng khoa Kiểm soát các bệnh truyền nhiễm & văcxin sinh phẩm của TTYTDP tỉnh Hải Dương, “vay” bên ngoài 1.000 liều văcxin Sởi.

Điều cực kỳ nguy hiểm là toàn bộ lô văcxin ngoài luồng này không hề có nguồn gốc xuất xứ.

Nghiêm trọng hơn, ông Phách còn giới thiệu ông Nguyễn Danh Hùng, cán bộ của Khoa Kiểm soát các bệnh truyền nhiễm & văcxin sinh phẩm TTYTDP tỉnh Hải Dương, với một công ty bên ngoài để mua thêm 600 liều văcxin Sởi, tiếp tục quá trình tiêm dịch vụ cho người dân. Và 600 liều văcxin này cũng là vacxin “ma”, không thể chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. Số văcxin này cũng đã được tiêm hết cho dân.

Những sai phạm nói trên được các cán bộ thừa nhận trong các bản kiểm điểm cá nhân và được thể hiện rõ trong Biên bản họp hội đồng kỷ luật TTYTDP tỉnh Hải Dương.

Vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm là 1.000 liều văcxin bị tráo đổi này ở đâu ra? 600 liều vacxin không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã tiêm cho người dân chất lượng ra sao, nguồn gốc từ đâu? Nó có tác hại thế nào tới sức khỏe người dân?

“Tự kiểm điểm” và “rút kinh nghiệm”

Ngày 25/1/2010, TTYTDP tỉnh Hải Dương báo cáo đã tiến hành kỷ luật khiển trách và chuyển công tác đối với ông Đặng Văn Phách. Ông Nguyễn Danh Hùng bị kỷ luật cảnh cáo. Còn những trường hợp khác thì tự nhận hình thức “nghiêm khắc phê bình, kiểm điểm nội bộ”!

Hàng nghìn liều văcxin không rõ nguồn gốc được tiêm cho dân - 2
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương trao đổi với PV về vụ việc. (Ảnh:TT)
 
Tuy vậy, ông Phách một mực khẳng định mình chỉ mắc lỗi “quá tin vào bạn bè nên đã giúp đỡ, tự ý cho mượn văcxin”.
 
Trao đổi với Dân trí, bác sĩ Đặng Hữu Thung - Phó giám đốc TTYTD tỉnh Hải Dương - cho biết, hơn 20 năm công tác trong ngành y tế, ông chưa từng gặp sự việc nào như thế này. Trước câu hỏi vì sao toàn thể cán bộ và cán bộ lãnh đạo TTYTDP huyện Chí Linh đều vô can trong sự việc tày đình này, ông Thung khẳng định: “Đó là quyết định của Sở Y tế”.
 
Còn Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương, ông Nguyễn Thành Công, vẫn hứa sẽ làm rõ nguồn gốc những lô văcxin đã tiêm cho dân. “Nhưng vì lý lý do khách quan nên sự việc vẫn chưa thể giải quyết được”, ông Công cho hay.
 
Theo ông Công, Ban lãnh đạo TTYTDP huyện Chí Linh đã 2 lần đề xuất lên Sở xin không kỷ luật, chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm và đã được lãnh đạo Sở chấp nhận.
 
Hai trẻ sơ sinh nguy kịch do văcxin
 
Ngày 25/1/2010, sau khi được tiêm văcxin Bạch hầu - Uốn ván - Ho gà và Viêm gan B thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng, hai cháu bé chưa đầy 3 tháng tuổi ở Bến Tre bỗng tím tái, khó thở, loạn tim mạch... Sau ba ngày nhập viện, một cháu bé vẫn đang được cấp cứu trong tình trạng nguy kịch tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM.
 
Sở Y tế tỉnh Bến Tre cho biết, đây là văcxin trong chương trình tiêm chủng quốc gia nên việc tiêm phòng là miễn phí; việc bảo quản văcxin, quy trình tiêm và các chỉ định tiêm đều đúng quy định. Tuy nhiên ngành y tế địa phương vẫn đang tiếp tục điều tra để báo cáo vụ việc với Bộ Y tế.
 
P.Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm