Hàng nghìn bộ đội, dân quân khắc phục bão số 12 ở Nam Trung Bộ
(Dân trí) - Các tỉnh Nam Trung Bộ từ Bình Định đến Khánh Hòa đã chịu thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 12 đổ bộ vào hôm 4/11. Quân khu 5 đã huy động bộ đội phối hợp cùng các tỉnh nỗ lực khắc phục hậu quả trên đất liền lẫn tìm kiếm nạn nhân mất tích do chìm tàu hàng trên biển.
Trưa nay 5/11, trao đổi với PV Dân trí, Thiếu tướng Ngô Qúy Đức, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân khu 5, cho biết, sáng nay, Quân khu 5 tiếp tục điều động lực lượng bộ đội phối hợp cùng các tỉnh Nam Trung Bộ khẩn trương khắc phục hậu quả nặng nề sau cơn bão số 12.
Theo Thiếu tướng Ngô Qúy Đức, tại Khánh Hòa lực lượng được huy động gồm: 300 bộ đội của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa, 2.200 dân quân tự vệ, gần 400 bộ đội của Quân khu 5, cùng 400 bộ đội các đơn vị của Bộ Quốc phòng đóng trên địa bàn Khánh Hòa.
Tại Phú Yên đã huy động 1.500 dân quân tự vệ, 300 bộ đội thuộc tỉnh; tại Bình Định đã huy động 290 bộ đội thuộc tỉnh và hơn 800 dân quân tự vệ, cùng lực lượng Quân khu V là 200 bộ đội.
Theo Thiếu tướng Ngô Qúy Đức, các lực lượng quân đội đã tập trung khắc phục hậu quả bão số 12 tại các trường học, bệnh viện, trạm y tế, cơ quan nhà nước và tìm kiếm người mất tích ở tỉnh Bình Định.
Sáng nay 5/11, sạt lở tại Đèo Cả nối giữa Khánh Hòa – Phú Yên đã làm đường sắt Bắc - Nam bị tê liệt. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, lúc 11h ngày 5/11 tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa phận tỉnh Phú Yên đang bị tê liệt. Nặng nhất là sạt lở tại Đèo Cả, ngoài ra các huyện Đồng Xuân, Tuy An sạt lở cũng làm chia cắt.
Hiện tỉnh Phú Yên đang hỗ trợ 20 chiếc xe khách để đưa các hành khách trên tàu bị mắc kẹt tiếp tục hành trình. Được biết, hiện nay ngành đường sắt Phú Yên đang tích cực khắc phục sự cố.
Tại Bình Định, do ảnh hưởng của bão số 12, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh cho biết, có 104 tàu hàng neo đậu ở khu vực Cảng Quy Nhơn và khu vực phao số 0, trong đó có 10 tàu bị nạn, trong đó 9 tàu bị chìm, 1 tàu bị mắc cạn, hư hỏng. Đến sáng 5/11 đã cứu được 72 người và 1 thuyền viên bị chết, mới phát hiện thêm 2 thuyền viên bị chết trôi dạt ở khu vực biển phường Ghềnh Ráng.
Theo Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, Phó Chánh văn phòng Uỷ ban Quốc gia TKCN, Cục phó Cục cứu hộ cứu nạn Bộ Tổng tham mưu: Hiện nay, Uỷ ban Quốc gia TKCN đã thành lập Trạm tiền phương tại tỉnh Bình Định để phối hợp cùng với các đơn vị, lực lượng của tỉnh kịp thời xử lý các tình huống cấp bách cũng như đẩy mạnh công tác cứu nạn, cứu hộ.
Trước đó, vào sáng sớm 4/11, bão số 12 đã đổ bộ vào các tỉnh Khánh Hòa đến Bình Định. Cơn bão hung dữ này sau đó “kéo” lên quần phá các tỉnh Tây Nguyên như Lâm Đồng, Đắc Lắc… Tại Tây Nguyên, cơn bão đã gây nên những thiệt hại nhất định, gây ngập úng cục bộ, sạt lở.
Đến thời điểm này, bão số 12 đã làm tỉnh Khánh Hòa bị thiệt hại nặng nề nhất trong số các tỉnh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên bị bão tàn phá, với ít nhất 23 người chết, hàng chục nghìn nhà cửa bị tốc mái, hư hỏng, đổ sập.
Trước thiệt hại quá nặng nề do bão số 12, sáng 5/11, Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa đã họp khẩn chỉ đạo khắc phục hậu quả, nhất là nhiệm vụ chăm lo đời sống, sức khỏe cho người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - ông Lê Đức Vinh đã yêu cầu các sở ngành cùng các địa phương trước mắt phải lo chỗ ở ổn định cho người dân bị ảnh hương sau bão, không để dân đói, rét, mắc bệnh.
Nha Trang tan hoang sau thời điểm bão "con voi" đi qua (Video: Thiên Vương)
Viết Hảo - Trung Thi - Doãn Công