1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
  3. Thảm họa lũ quét Làng Nủ

Hàng ngàn người chật vật trở lại thủ đô

(Dân trí) - Người ngoại tỉnh đổ xô về Hà Nội sau những ngày nghỉ tết khiến các bến xe chật kín. Nhà xe được dịp nhồi nhét, chặt chém hành khách, những người cố gắng về Hà Nội cho kịp ngày làm việc đầu năm mới.

Ngay từ đầu giờ chiều nay, 1/1/2013, các bến xe ở Hà Nội đã phải “gồng mình” đón hàng ngàn lượt hành khách nườm nượp đổ về. Nhiều tuyến đường vì thế cũng trở nên ùn tắc cục bộ.
 
Người và phương tiện bủa vây bến xe Mỹ Đình.
Người và phương tiện "bủa vây" bến xe Mỹ Đình.

Ghi nhận của PV Dân trí, khu vực ngã ba đường Ngọc Hồi trước cửa bến xe nước Ngầm luôn trong tình trạng đông đúc, nhiều lúc còn hỗn loạn vì lượng người xuống xe từ trong bến ra ngoài tìm xe ôm, xe buýt hay người thân quá đông.

Càng về chiều, mật độ phương tiện giao thông trên đường Giải Phóng càng trở nên dày đặc. Dòng xe khách từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định, Thái Bình… nối đuôi nhau tiến về bến xe Nước Ngầm, bến xe Giáp Bát.
 
Chen chúc trên lối vào bến.
Chen chúc trên lối vào bến.

Tại cửa vào bến xe Giáp Bát, một hàng dài ô tô đợi tới lượt trả khách khiến con đường chật cứng.

Chật vật xách túi đồ to uỳnh ra trước cửa bến, chị Nguyễn Thị Hoa (quê Đô Lương, Nghệ An) thở dài: “Mệt quá anh ạ. Bình thường từ quê ra Hà Nội mất có 6-7 tiếng, còn hôm nay nhà xe dừng đón, nhồi nhét khách. Vào nội thành thì tắc đường nên hơn 9 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Xe giường nằm mà họ nhồi nhét 3 người ngồi trên một chiếc giường nằm. Xe có hơn 40 chỗ nhưng họ nhồi tới hơn 100 người. Đông quá nên cứ người này thẳng chân, người kia lại co lại.”
 
Ngóng chờ người thân trước cổng bến xe Giáp Bát.
Ngóng chờ người thân trước cổng bến xe Giáp Bát.
 
Cùng chung cảnh ngộ với chị Hoa, chị Lê Thị Hòa (ở TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) kể: “Các dịp nghỉ lễ khác, em vẫn lên sớm khoảng 1 ngày để tránh cảnh chen lấn. Năm nay có chút việc, đến sát ngày đi làm, em mới bắt xe lên Hà Nội. Nhà xe nhồi nhét, em phải đứng suốt hơn 100 cây số từ quê lên. Bình thường em không say xe mà hôm nay cũng nôn nao mệt lử. Đã thế, giá vé còn đắt gấp rưỡi, ngày thường vé chỉ 100.000 đồng là cùng nhưng hôm nay em phải trả những 150.000 đồng.”
 
Mỗi khi xe khách vào bến trả khách, cánh xe ôm lại quây kín.
Mỗi khi xe khách vào bến trả khách, cánh xe ôm lại quây kín.

Hầu hết, các tuyến xe chạy ngày hôm nay, khách đã lên xe đều phải chịu chung giá vé đồng mức dù xa hay gần. Nhà xe tha hồ có dịp chặt chém giá vé bởi nếu khách không đi thì cũng không có xe mà bắt.

Bên trong bến xe Mỹ Đình, bến xe Giáp Bát, từng đoàn người kéo nhau rời khỏi những chiếc xe chật chội, tiến ra đường khiến cổng bến xe đông nghẹt. Các điểm chờ xe buýt trước cửa bến xe trở nên quá tải. Hàng trăm người trực chờ xe buýt tới là nhanh chân lao đến mong chen được lên xe.
 
Dài cổ chờ xe buýt.
Dài cổ chờ xe buýt.
 
Nhiều tuyến xe buýt dù đã tăng cường với 5 phút lại có một chuyến, nhưng do quá đông nên tại các điểm dừng đón trả khách xe buýt chỉ mở cửa xuống rồi lại vọt đi luôn. Nhiều người không thể chờ xe buýt được phải bắt xe ôm, taxi về nhà.
 
Cảnh hỗn loạn trước cổng bến xe Giáp Bát.
Cảnh hỗn loạn trước cổng bến xe Giáp Bát.
 
Theo đại diện các bến xe, lượng khách năm nay không đông so với mọi năm và đổ về bến dàn trải; đồng thời lực lượng an ninh tại các bến xe cũng đã tiến hành công tác phân luồng đảm bảo trật tự để hạn chế thấp nhất tình trạng ùn tắc và giải tỏa khách ngay tại bến xe.
 
Tiến Nguyên