Nạn buôn bán phụ nữ ở miền Tây Nghệ An:
Hàng loạt phụ nữ “bỗng dưng” mất tích
(Dân trí) - Có bé gái mới 8 tuổi hay cả những người phụ nữ đã chồng con đề huề đều bỗng nhiên mất tích khỏi địa phương. Điểm chung của họ là nghe lời dụ dỗ đi làm ăn xa với lời hứa hẹn mức lương đáng mơ ước.
Hàng ngày anh Moong Văn Tiến ra bến đò, vừa chờ khách kiếm sống, vừa ngóng tin con gái.
Thời gian gần đây, tình trạng mua bán phụ nữ tại các huyện miền Tây Nghệ An trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết. Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng chức năng tỉnh này đã triệt phá nhiều vụ mua bán phụ nữ, trẻ em, giải cứu nhiều nạn nhân. Tuy nhiên, rất nhiều phụ nữ không có được cái may mắn như thế.
Bản Lưu Tiến (xã Chiêu Lưu, Kỳ Sơn, Nghệ An) có 100% dân số là người Khơ-mú. Cả bản có 148 hộ dân với gần 650 nhân khẩu nhưng theo thống kê của ông Moong Văn Quế - công an viên bản Lưu Tiến thì có đến 38 phụ nữ “mất tích”, nghi bị bán sang Trung Quốc. “Những người này đều được người ngoài bản rủ đi làm công nhân ở xa. Họ hứa lương cao, lại còn đưa trước cho bố mẹ một khoản tiền “làm tin”. Sau khi đi làm ăn thì cũng không thấy tin tức gì nữa cả. Có người còn trẻ, có người đã lấy chồng rồi”, ông Quế cho biết.
Không chỉ có phụ nữ mất tích khi được rủ đi làm ăn mà ở bản Lưu Tiến còn có nhiều trẻ em cũng không trở về nhà sau một thời gian đi học nội trú. Theo nhẩm tính của ông Quế thì có đến 16 trẻ em của bản mất tích trong thời gian gần đây. Sự biến mất của những đứa trẻ này khiến dân bản hoang mang, lo lắng vì cho rằng các cháu bị kẻ xấu bắt cóc. “Cháu Moong Thị Peng, Moong Thị Đọt đều là học sinh lớp 3, Moong Thị Na học lớp 7…” - ông Quế bấm đốt ngón tay.
Moong Thị Na (SN 2002) là con gái đầu của anh Moong Văn Tiến. Nếu còn ở nhà thì năm nay Na cũng đang học lớp 8. Trong trí nhớ của anh Tiến thì Na là đứa con ngoan, học rất giỏi. Dù đông con nhưng anh Tiến vẫn cố gắng để các con được đến trường. Hai vợ chồng lên rẫy, 3-4 ngày mới về một lần nên Na cũng như các em của mình đều phải tự đến trường. Sau 2 ngày đi rẫy về, cô em gái của Na mới báo với bố mẹ là chị Na đi học không thấy về nhà. Đi tìm đến cả tháng trời anh Tiến vẫn không thấy tung tích của con gái.
Theo ông Cụt Thanh Sơn – trưởng bản Lưu Thắng (xã Chiêu Lưu, Kỳ Sơn) thì cả bản có đến gần 50 người mất tích. “Một số người thì không có tung tích. Một số người thì có gọi điện về báo là đã lấy chồng Trung Quốc”, ông Sơn cho biết.
Cô con gái Cụt Thị B. (SN 1993) của ông Cụt Khăm M. (SN 1962) bị lừa bán sang Trung Quốc từ năm 2012. Sang đó, B lấy chồng và sinh được một cô con gái. Đầu năm 2014, B. trốn được về nhà nhưng thương con gái còn bé quá nên lại quay sang Trung Quốc. Ông Cụt Khăm M. là 1 trong chưa đầy chục gia đình biết về tung tích con gái mình.
Ông Cụt Phò S. có cả con dâu lẫn con gái bị kẻ xấu lừa bán sang Trung Quốc. Cô con dâu Moong Thị M. (SN 1985) bị lừa bán khi cậu con trai còn chưa cai sữa. Giờ cậu bé Cụt Văn Đ. – con trai của M. ở với bố và ông nội. Moong Thị M. cũng đã lấy chồng Trung Quốc và có một đứa con với người chồng này.
Chưa hết buồn về chuyện con dâu thì ông Cụt Phò S. cũng bặt tin cô con gái Cụt Thị M. (SN 1993). M. được một người phụ nữ giới thiệu và hứa đưa vào miền Nam làm công nhân với mức lương cao. Tuy nhiên, sau đó, người phụ nữ này đưa M. thẳng sang Trung Quốc và bán cho một người đàn ông để làm vợ lẽ.
Mọi chuyện chỉ sáng tỏ khi Moong Thị M. gọi điện về. Nhận lời tìm giúp em gái chồng, M. đã tìm được Cụt Thị M. Hiện cả chị dâu, em chồng đều đã có gia đình riêng ở xứ người. Chỉ tội ông Cụt Phò S. và con trai Cụt Văn S. – một già, một trẻ vụng về chăm sóc thằng bé mới hơn 5 tuổi đầu.
Đại tá Nguyễn Trường Thi – Trưởng Phòng phòng chống tội phạm ma túy Bộ đội Biên phòng Nghệ An, cho biết: “Tình trạng buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ, trẻ em chủ yếu xảy ra ở các huyện miền núi cao. Các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin và cả tâm lý thích thoát ly làm công nhân hay các công việc khác nhẹ nhàng hơn của các cô gái để dụ dỗ rồi đưa bán sang nước ngoài. Mặt khác, để nạn nhân tin tưởng, các đối tượng thường vẽ ra viễn cảnh sung sướng, công việc nhàn hạ mà thu nhập cao.
Một trong những lý do khiến công tác phòng chống nạn buôn bán phụ nữ gặp khó khăn là hầu hết các đối tượng đều là người ở đó, bị bán sang nước ngoài rồi trở về dụ dỗ người khác bán để kiếm tiền. Hơn nữa, các đối tượng buôn bán người lại hình thành một đường dây kín kẻ với thủ đoạn tinh vi, có sự tham gia của các đối tượng nước ngoài nên rất khó khăn cho công tác xác minh, phá án. Kinh phí để điều tra, phá án rất tốn kém khi chưa có nguồn hỗ trợ trong khi đó, đây vẫn là một cuộc chiến dai dẳng, dài hơi”.
Vĩnh Khang