Hàng loạt chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 3/2017
(Dân trí) - Từ tháng 3/2017, hàng loạt chính sách quan trọng liên quan trực tiếp đến cuộc sống người dân sẽ có hiệu lực như thời gian cấp sổ đỏ cho người dân được rút ngắn xuống còn 15 ngày, đủ 15 tuổi được mở tài khoản thanh toán, mỗi 50 km trên cao tốc phải có một trạm cấp cứu…
15 tuổi được mở tài khoản ngân hàng
Từ ngày 1/3, Thông tư 32 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chính thức có hiệu lực. Thông tư nêu rõ đối tượng được phép mở tài khoản thanh toán tại các ngân hàng gồm cá nhân và tổ chức có tư cách pháp nhân.
Thông tư nêu rõ chủ tài khoản thanh toán được ủy quyền cho người khác sử dụng tài khoản thanh toán của mình. Việc ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán phải bằng văn bản và được thực hiện theo quy định của pháp luật về ủy quyền.
Điều 11 của thông tư nêu rõ trẻ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước; Người chưa đủ 15 tuổi, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện theo pháp luật.
Cấp sổ đỏ trong vòng 15 ngày
Từ ngày 3/3, Nghị định 01 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai chính thức có hiệu lực. Nghị định nêu rõ việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất tăng thêm so với giấy tờ về quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất.
Nghị định nêu rõ, đối với trường hợp chung cư kết hợp với văn phòng, cơ sở dịch vụ, thương mại, nếu chủ đầu tư có nhu cầu và đủ điều kiện thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho một hoặc nhiều căn hộ, văn phòng, cơ sở dịch vụ, thương mại thuộc sở hữu của chủ đầu tư.
Đối với dự án có nhiều hạng mục công trình được thể hiện trong quyết định phê duyệt dự án đầu tư, quyết định đầu tư dự án, giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do cơ quan có thẩm quyền cấp, quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết, giấy phép xây dựng nếu chủ đầu tư có nhu cầu và có đủ điều kiện thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho từng hạng mục công trình hoặc từng phần diện tích của hạng mục công trình đó.
Nghị định cũng nêu rõ thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đất đai. Cụ thể về đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng của tổ chức đầu tư xây dựng là không quá 15 ngày; Đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi thay đổi tài sản gắn liền với đất là không quá 15 ngày.
Bảo hiểm được giao dịch điện tử
Từ 1/3, Nghị định 166 về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp chính thức có hiệu lực. Nghị định áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và các tổ chức cung cấp dịch vụ giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.
Nghị định 166 quy định các trường hợp nộp chứng từ bảo hiểm xã hội điện tử được thực hiện giao dịch qua Cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc Tổ chức I-VAN 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần. Cơ quan tiếp nhận sẽ gửi thông báo xác nhận đã nhận được chứng từ bảo hiểm xã hội điện tử đến địa chỉ thư điện tử của người nộp chậm nhất 15 phút sau khi nhận được chứng từ điện tử.
Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia
Từ ngày 10/3, Thông tư 04 của của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông chính thức có hiệu lực thi hành.
Quy chế này quy định về thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT, bao gồm: chuẩn bị cho kỳ thi; đối tượng và điều kiện dự thi; tổ chức đăng ký dự thi; trách nhiệm của thí sinh; công tác đề thi; coi thi; chấm thi; phúc khảo; chấm thẩm định; xét công nhận tốt nghiệp THPT; chế độ báo cáo và lưu trữ; thanh tra, khen thưởng, xử lý các sự cố bất thường và xử lý vi phạm.
Trong kỳ thi THPT quốc gia, Bộ Giáo dục tổ chức thi 5 bài, gồm 3 bài thi độc lập là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân với thí sinh học chương trình giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên).
Để xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh phải dự thi 4 môn, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp.
Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của trường ĐH, CĐ.
Tối thiểu 50 km cao tốc phải có một trạm cấp cứu
Từ 1/3, Thông tư số 49/2016 của Bộ Y tế quy định về tổ chức và hoạt động cấp cứu tai nạn giao thông trên đường bộ cao tốc chính thức có hiệu lực. Thông tư nêu rõ, mạng lưới cơ sở phục vụ hoạt động cứu nạn trên cao tốc bao gồm các trạm cấp cứu, được tổ chức lồng ghép với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sẵn trên tuyến đường cao tốc đi qua bao gồm trạm y tế xã/phường; trung tâm y tế quận/huyện có chức năng khám bệnh, chữa bệnh; trung tâm cấp cứu 115; bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân. Tối thiểu 50 km đường bộ cao tốc phải có một trạm cấp cứu.
Quang Phong