1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Hàng chục tỷ đồng tiêu tan do đào đường ẩu

(Dân trí) - Đào đường làm vỡ ống dẫn nước, hỏng cột đèn giao thông, hư hỏng mặt đường do tái lập ẩu... Để khắc phục tình trạng này, TPHCM phải tiêu tốn hàng chục tỷ đồng.

Ngoài việc cản trở giao thông, việc tiến hành đào hàng trăm km đường để lắp đặt cống thoát nước trên địa bàn TPHCM còn gây ra nhiều sự cố đáng tiếc như làm vỡ ống cấp nước gây mất nước cục bộ, hỏng hệ thống đèn tín hiệu giao thông khiến đèn chập chờn lúc có lúc không, tái lập cẩu thả gây tai nạn cho người đi đường...

 

Theo thống kê của Công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn thì trong sáu tháng đầu năm 2009, nhà thầu các công trình Đại lộ Đông Tây, cải thiện môi trường nước... đã hơn 50 lần làm bể đường ống gây thất thoát gần 50.000m3 nước sạch. Chi phí khắc phục các sự cố trên lên đến hàng tỷ đồng. Đó là chưa kể đến nỗi khó chịu của người dân TP khi đột ngột bị mất nước.

 

Hàng chục tỷ đồng tiêu tan do đào đường ẩu  - 1

Mặt đường lân cận khu vực quanh rào chắn hầu hết đều hư hỏng nặng

 

 

Phó giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (Khu 1) Nguyễn Vĩnh Ninh thì phàn nàn về việc nhà  thầu Shimizu trong quá trình thi công dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP làm hư hỏng hàng loạt trụ đèn tín hiệu giao thông. 

 

Dù Khu 1 đã tốn hàng trăm triệu để tạm thời khắc phục sự cố nhưng các trụ đèn này cũng chỉ hoạt động cầm chừng, không ổn định. Còn sửa chữa hoàn toàn thì chi phí quá lớn, Khu 1 không đủ khả năng. Nhà thầu thì im hơi lặng tiếng, chẳng chịu bồi thường, dù Khu 1 đã nhiều lần có văn bản nhắc nhở. Do vậy, Khu 1 đang tiếp tục có văn bản nhờ các cấp cao hơn can thiệp.

 

Ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc Khu 1 than thở về tình hình các nhà thầu thi công đào đường gây hư hỏng mặt đường quanh các hàng rào. Trong khi đường bị lún, nứt là do hố thi công, nhưng nhà thầu lại biện minh là mình chỉ chịu trách nhiệm phần bên trong hàng rào nên Khu phải bỏ tiền ra sửa đường.

 

Ngoài ra, khi các đơn vị thi công tháo dỡ hàng rào, tái lập mặt đường thì xuất hiện độ chênh giữa mặt đường trong hàng rào và ngoài hàng rào. Nếu không tái lập lại thì gây nguy hiểm cho người đi đường, tái lập cho hoàn chỉnh thì quá  khả năng của Khu. Vì theo ông Thắng thì sau khi các dự án đào đường lắp đặt ống thoát nước hoàn tất, Khu 1 phải tiêu tốn hơn 10 tỷ đồng để tái lập lại các đoạn tái lập cẩu thả.

 

Trước tình hình này, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT phải yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý các dự án và Thanh tra Giao thông phải tăng cường chấn chỉnh lại công tác tái lập mặt đường. Theo ông, tuy Sở đã nhiều lần nhắc nhở về chất lượng tái lập mặt đường nhưng chưa có những chuyển biến đáng ghi nhận.

 

Do vậy, ông yêu cần ban quản lý và các chủ đầu tư không nghiệm thu công trình nếu chưa tái lập hoàn chỉnh; Thanh tra Giao thông phải kiên quyết đình chỉ thi công các nhà thầu tái lập cẩu thả, chây ì, cố tình không khắc phục; đồng thời, ông cũng yêu cầu các chủ đầu tư phải tổ chức chụp ảnh, quay phim lại hiện trạng tuyến đường trước khi bàn giao cho nhà thầu để làm cơ sở tiếp nhận sau khi công trình hoàn thành. Nếu đường tái lập không đạt như hiện trạng ban đầu đã lưu trữ bằng hình ảnh thì kiên quyết yêu cầu tái lập lại.

 

Tùng Nguyên