1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Hàng chục nhà khoa học họp bàn về một dự án thủy điện

(Dân trí) - Xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ tác động đến môi trường sinh thái. Đó là điều không thể tránh khỏi. Các nhà khoa học đều đồng ý nên dừng hoặc đánh giá lại tác động môi trường của hai dự án này.

Công và tội

Ngày 7/8, tại trụ sở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai), Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, VQG Cát Tiên và Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) phối hợp tổ chức hội thảo Quản lý tổng hợp rừng đầu nguồn và lưu vực sông đồng nai - Trường hợp thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Tại đây, các nhà khoa học đã có những đánh giá khách quan và nhiều chiều về tác động môi trường của hai dự án này.

Hàng chục nhà khoa học họp bàn về một dự án thủy điện - 1
Hơn 50 đại biểu là các nhà khoa học và chính quyền địa phương tham dự hổi thảo

Tại hội thảo, đại diện chủ đầu tư cho là dự án rất cấp thiết, góp phần giảm bớt áp lực thiếu điện của nước ta; công suất của hai dự án này đủ để cung cấp cho nhu cầu hiện nay của 3 tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng; dự án công suất lớn nhưng tỷ lệ chiếm đất rất ít; nhà máy sau đập, hồ điều tiết ngày nên không gây ra dòng sông chết ở hạ lưu như các thủy điện khác; hằng năm đóng góp cho ngân sách địa phương 143 tỷ đồng...

TS Đào Trọng Tứ, chuyên gia môi trường nước, thành viên VRN cũng đồng tình là thủy điện đảm bảo an ninh năng lượng; phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm; hình thành các tiểu vùng khí hậu nhờ tạo nên diện tích mặt thoáng lớn cho vùng trước đập… Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng chỉ ra hàng loạt tác động xấu đến môi trường của hai dự án thủy điện trên.

TS Đào Trọng Tứ lo ngại sự phát triển thủy điện trên sông Đồng Nai với mật độ quá dày đặc đang đặt ra những thách thức lớn cho môi trường - sinh thái - sinh kế và vùng đầu nguồn, như: phá vỡ sinh thái, sinh cảnh của phần lớn khu vực thượng và trung lưu; gây thay đổi lớn về cơ cấu dòng chảy…

Sau nhiều ngày khảo sát thực địa khu vực xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, TS Vũ Ngọc Long, Phó viện trưởng Viện Sinh học Nhiệt đới phát hiện ở đây có khá nhiều loài động, thực vật quý hiếm như chà và chân đen, khỉ đuôi lợn, culi nhỏ, gà so cổ hung, gà loi hông tía…

Hàng chục nhà khoa học họp bàn về một dự án thủy điện - 2
Theo TS Vũ Ngọc Long, khu vực xây dựng thủy điện có khá nhiều loài động, thực vật quý hiếm

Ông lo ngại: “Nếu tiến hành, hai dự án Đồng Nai 6 và 6A sẽ tạo nên tác động tiêu cực lên sự đa dạng thú vô cùng quý giá của VQG Cát Tiên, đe dọa những thành quả của công tác bảo tồn mà VQG rất khó khăn mới có thể đạt được”.

Bà Phạm Thị Cẩm Nhung, điều phối viên Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại vùng sông Mê Kông (WWF Greater Mekong) thì khẳng định quá trình xây dựng sẽ tác động rất lớn đến hệ sinh thái ở đây. Tiếng ồn do động cơ, nổ mìn… sẽ ảnh hưởng đến việc sinh sản và làm căng thẳng đến các loài động vật hoang dã. Các chất thải xây dựng sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng nước, môi trường sống của cá và các loài thủy sinh khác…

Nên hay không nên

Mở đầu hội thảo, TS Đào Trọng Tứ đã khẳng định: “Thủy điện tác động đến môi trường sinh thái là điều chắc chắn có, không thể nói là không có ảnh hưởng. Đến ngay cả chủ đầu tư cũng không thể phủ nhận điều đó”.

Tuy nhiên, ông cho rằng: “Nói như thế không có nghĩa là chúng tôi phản đối làm thủy điện. Để phát triển kinh tế, phát triển nguồn điện quốc gia vẫn cần đến thủy điện. Điều quan trọng là chúng ta phải đánh giá kỹ lưỡng và đánh giá đúng những tác động của nó đến môi trường xung quanh”.

Hàng chục nhà khoa học họp bàn về một dự án thủy điện - 3
Các nhà khoa học đi khảo sát thực địa khu vực xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

TS Vũ Ngọc Long, người điều khiển chương trình hội thảo, cũng nhắc đi nhắc lại quan điểm hội thảo là “chúng tôi không phản đối thủy điện”. Tuy nhiên, đứng về phía một nhà khoa học, ông cho rằng: “Việc khắc phục các tác động tiêu cực (của thủy điện đối với môi trường) là vô cùng khó khăn và tốn kém. Loại trừ hoàn toàn các tác động tiêu cực của hai dự án là hoàn toàn bất khả thi”.

Còn TS Lê Anh Tuấn, Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ, thì thẳng thừng kết luận: “Không nên xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A”. Ông đưa ra 3 lý do: sự vận hành nhà máy theo yếu tố kỹ thuật nguồn nước là chưa chắc chắn và tiềm ẩn nhiều sai sót; hiệu quả kinh tế và tài chính của dự án rất thấp; báo cáo tác động môi trường là chưa đầy đủ và chưa thuyết phục.

Bà Phạm Thị Cẩm Nhung phân tích: “Đứng về phía một nhà hoạt động môi trường, nếu có thể thì tôi cho là không nên xây dựng 2 thủy điện trên. Còn nếu phải làm thì phải tổ chức một tổ tư vấn độc lập với nhiều thành phần để nghiên cứu, đánh giá sâu hơn tác động môi trường của dự án và xây dựng những phương án khắc phục hiệu quả”.

Kết thúc hội thảo, hội nghị đã ra thông báo chung với kết luận nguồn tài nguyên nước và rừng lưu vực sông Đồng Nai đang chịu tác động rất lớn của cả hệ thống bậc thang thủy điện ở đây.

Riêng về 2 dự án Đồng Nai 6 và 6A, tuy hội nghị không phản đối nhưng thống nhất là cần đánh giá bổ sung việc ảnh hưởng đến lưu vực sông dưới tác động tổng hợp của các thủy điện ở vùng đầu nguồn và hạ nguồn; việc ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của VQG, đặc biệt là các loài thú quý hiếm…

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm