1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Phú Yên:

Hàng chục người nghèo bị lừa “lao động khổ sai”

(Dân trí) - Những tưởng ra đi là sẽ kiếm được một khoản tiền khá để trang trải cuộc sống, hàng chục người lao động nghèo ở Phú Yên đã lâm vào cảnh khổ cực, bị giam cầm, đánh đập, bỏ đói, muốn về phải có tiền chuộc...

Những ngày trong tay bọn lừa đảo

 

Anh Lương Ngãi (49 tuổi, trú tại thôn Bình Thắng, Sơn Thành Đông, Tây Hòa, Phú Yên), một nạn nhân vừa thoát khỏi chốn “địa ngục” kể lại 4 ngày khổ cực trong tay bọn lừa đảo: Ngày 24/11, có hai người lạ mặt đến nhà anh nói là người của công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại Minh Nghĩa (Lâm Đồng). Công ty này tuyển lao động lên huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) hái cà phê với lương tháng 3,5 đến 4 triệu, lo toàn bộ chi phí ăn uống.

 

Hàng chục người nghèo bị lừa “lao động khổ sai” - 1

Anh Lương Ngãi (áo xám) đang kể lại những ngày kinh hoàng khi bị bắt lao động cực khổ tại Lâm Hà (Lâm Đồng)
 
Thấy khoản lương khá, anh Ngãi lại đang muốn kiếm ít tiền về làm giỗ 100 ngày cho vợ (vợ anh vừa mất do ung thư) nên anh cùng 10 người khác trong thôn đồng ý đi làm.

 

Cùng ngày, những người lạ mặt này dồn hơn 30 lao động lên xe ô tô đưa đi. Ngay đêm đó họ được đưa đến Công ty TNHH Dich vụ - Thương mại Minh Nghĩa (xã Hoài Đức 1, Lâm Hà, Lâm Đồng). Vừa xuống xe, lập tức họ bị lùa vào một ngôi nhà kín mít, có tường rào kiên cố bao quanh và bị canh gác.

 

Thấy sự chẳng lành, nhiều người đã xin về nhưng lập tức bị đe dọa phải ở lại làm nếu không sẽ bị đánh chết.

 

Anh Phan Văn Hạ (thôn Bình Thắng, Sơn Thành Đông, Tây Hòa) khiếp đảm tiếp lời: “Tận mắt tôi chứng kiến chúng đánh đập một thằng bé nhỏ bằng con chúng đến chảy máu mũi. Chúng dọa nếu không làm theo lời chúng sẽ đưa đi bãi vàng thì chết mất xác. Sợ lắm nên không ai dám chống lại”.

 

Ngày hôm sau, khi các chủ vườn đến công ty Minh Nghĩa chọn người làm công, những người lao động bị nhân viên của công ty này ép ký hoặc lăn tay hợp đồng với tiền công 1,7 triệu/tháng, chỉ bằng 1 nửa so với thỏa thuận ban đầu. Lúc này nhiều người lại hoảng hốt đòi về. Các chủ vườn nói muốn về phải có tiền chuộc 1,2 triệu đồng/người.

 

Những ngày sau đó, hàng chục người lao động bị đưa sâu vào rừng làm việc rất khổ cực, mỗi ngày phải “cõng” những bao cà phê nặng 80kg leo ngược dốc núi, làm việc quần quận từ 8 giờ sáng đến 10 giờ đêm mới được nghỉ và ăn uống. Theo giám sát từng bước chân của họ luôn có những kẻ hung tợn, sẵn sàng đánh đấm nếu làm trái lời chúng.

 

Anh Ngãi run rẩy nhớ lại: “Không chỉ có tay chân và tên tự xưng là giám đốc đánh chúng tôi mà vợ của thằng này cũng dùng giày gót nhọn đánh vào mặt một số người. Thậm chí đi vệ sinh mà không xin phép chúng cũng dọa đánh”.

 

Không chịu nổi cảnh khổ cực, nhiều người đã lén gọi về nhà nhờ người thân đem tiền lên chuộc. Cha của anh Lương Văn Ngãi (trên 80 tuổi) phải chạy vạy khắp nơi mới có 3,6 triệu đồng để cứu 3 con trai về. Nhiều người khác phải bán cả lúa non và vay mượn với lãi suất cao để cứu người thân.

 

Cơ quan chức năng vào cuộc

 

Xã Sơn Thành Đông có hàng chục người dân nghèo bị lừa như trên, riêng hai thôn Bình Thắng, Phú Thịnh đã có 20 người. Hiện hầu hết đã được người thân chuộc về. Còn 3 trường hợp là anh Trương Ngọc Ái (SN 1962), anh Phạm Cườm (SN 1970) và anh Trần Châu Mỹ (SN 1989) vẫn kẹt lại vì gia đình quá nghèo, không lo nổi tiền chuộc.
 
Hàng chục người nghèo bị lừa “lao động khổ sai” - 2
Chị Trấn Thị Thủy (phải - vợ anh Ái) và bà Nguyễn Thị Sáng (mẹ anh Cườm) sụt sùi vì không lo được tiền chuộc cho người thân về.

Theo Chủ tịch UBND xã Sơn Thành Đông, ông Lê Ngọc Hương, những người lao động bị lừa chủ yếu thuộc những gia đình quá nghèo, hiền lành, cả tin, trình độ nhận thức thấp nên dễ bị lừa gạt, dụ dỗ. Một số người còn không đọc nổi bản hợp đồng mình phải ký vào.

Trao đổi với Dân trí, Chủ tịch UBND xã Sơn Thành Đông, ông Lê Ngọc Hương, cho biết: Do người dân đi làm tự phát, không báo cáo tạm vắng nên xã không nắm được chính xác có bao nhiêu người lâm vào tình cảnh này.

 

Ngay sau khi nhận được thông tin, ngày 2/12, xã đã chỉ đạo cho công an làm việc với các thôn để nắm lại thông tin, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng của huyện Lâm Hà và tỉnh Lâm Đồng tạo điều kiện đưa bà con trở về nhà. Hiện các hộ có người lao động bị lừa đã có báo cáo bằng văn bản gửi công an xã Sơn Thành Đông.

 

Tin từ Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng, qua xác minh điều tra, Công ty Minh Nghĩa chưa hề đăng ký hoạt động tuyển dụng lao động, môi giới việc làm với cơ quan chức năng; do đó mọi hoạt động của công ty này liên quan đến tuyển dụng lao động, môi giới việc làm đều hoàn toàn trái pháp luật. Hiện Công ty Minh Nghĩa đã bị công an huyện Lâm Hà gỡ biển hiệu và đình chỉ hoạt động.

 

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lâm Đồng Hoàng Bình cho biết, Sở đang phối hợp với Công an huyện Lâm Hà yêu cầu Công ty Minh Nghĩa đưa toàn bộ lao động đã tuyển dụng, môi giới việc làm trở về địa phương, lo mọi chi phí ăn uống, đi lại. Sở cũng yêu cầu Công ty Minh Nghĩa phải xác định tất cả  trường hợp lao động đang làm việc trong các vườn cà phê, bãi vàng bị mất liên lạc với gia đình để tạo điều kiện đưa họ về quê.

 

Phòng LĐ-TB&XH huyện Lâm Hà có trách nhiệm công bố rộng rãi việc đình chỉ hoạt động tuyển dụng lao động, môi giới việc làm của Công ty Minh Nghĩa trên các phương tiện thông tin đại chúng để người lao động biết, cảnh giác.

 

Tại Phú Yên, chiều 3/12, ông Lê Nhường, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, cho biết Bí thư Tỉnh ủy Đào Tấn Lộc đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh xác minh, xử lý vụ việc lừa, ép người lao động theo đúng quy định pháp luật để bảo vệ người lao động. Ông Lộc cũng yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phú Yên chỉ đạo lực lượng phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng xác minh, làm rõ vụ việc.

 

Khánh Hằng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm